Quán chay 2000 đồng: Tôi mở quán vì trước mình khó khăn cũng được nhận cơm từ thiện

Diễm Hạnh, Theo Trí Thức Trẻ 22:22 27/04/2023
Chia sẻ

Chị Vương Kim Long (36 tuổi) đã bắt đầu gây dựng quán ăn từ thiện chỉ với 2000 đồng cách đây hơn 3 năm. Chị làm việc bằng cả cái tâm tình của mình.

Khoảng 11 giờ trưa, quán chay từ thiện của chị Long (Q.11, TP HCM) đông nghẹt khách. Bên trong quán ăn nhỏ không còn bao nhiêu chỗ trống nhưng chị chủ quán vẫn cố gắng sắp xếp, bảo mọi người vào trong ngồi chứ đừng ngồi bên ngoài kẻo trời nắng.

Đến 12 giờ hơn thì quán gần như bán hết mọi nguyên liệu. Chị Long mới có chút thời gian nghỉ ngơi. Chị chia sẻ, để vận hành quán ăn này chị phải làm việc liên tục từ 6 giờ sáng đến tận 11 giờ khuya. Vừa mới bán xong suất hôm nay chị đã phải tất bật chuẩn bị thức ăn để chuẩn bị cho việc bán cơm chay cho ngày mai.

Mỗi ngày quán chay này sẽ cung cấp từ 200 suất, cộng với chi nhánh thứ 2 là 400 suất. Sắp tới đây, khi chi nhánh thứ 3 được khai trương thì sẽ lên đến 300 suất/ ngày.

"Từ thiện của tôi là sự tử tế"

Chị kể, chị là một người từ nhỏ đã trải qua đắng cay cuộc đời. Trong khoảng thời gian khó khăn đó, chị cũng nhận được những phần cơm thiện nguyện. Vì thế mà chị ấp ủ ước mơ được trả nợ cho đời.

Tất cả kinh phí để duy trì hoạt động của quán đều là tiền cá nhân của chị và chồng đồng tâm chứ không kêu gọi nhà tài trợ hay bất kì mạnh thường quân nào. Ai thấy công việc của chị có ý nghĩa thì góp tiền, góp sức, không thì đến ủng hộ chị là chị vui rồi.

Dù sự ủng hộ nhỏ nhoi nhưng nhờ có nó mà vợ chồng chị đã mở được 2 chi nhánh, vẫn giữ quy tắc là ăn tại chỗ 2000 đồng còn mang đi là 25000 đồng. Sắp tới đây chị sẽ mở chi nhánh ở Q.5 với giá là 5000 đồng cho mỗi phần ăn.

Quán chay tùy tâm này thay đổi thực đơn theo ngày, bán vào ba ngày: thứ 4, thứ 5 và thứ 6. Còn chi nhánh thứ 2 thì bán luôn từ thứ 2 đến thứ 6 do chồng chị quản lý. Ngày thứ 5 sẽ cố định bán cơm chay thập cẩm còn các ngày khác thực đơn thay đổi tùy thuộc vào… sở thích của cô chủ.

Tôi có thắc mắc tại sao lại để cố định món cho mỗi ngày rồi nhưng chị lại thay đổi món như vậy thì chị bảo đó là do cố ý. Chị chia sẻ, nếu mình nấu món cố định cho từng ngày thì sẽ có khách kén chọn, họ không thật sự cần đến bữa ăn này.

"Có những cô chú đến đây, khi tôi bảo không còn đủ nguyên liệu họ vẫn vui vẻ, họ chỉ cần bún với nước lèo thôi. Đó mới thật sự là những người cần bữa ăn của tôi. Do đó tôi luôn thay đổi món ăn để họ có thể thưởng thức những món ăn ngon mà không bị chán".

Vì lý do ấy mà dù thực đơn chỉ có 3 món nhưng chị Long bán đủ các món trên đời, có khi là bún riêu, bò kho, phở,... miễn là món nào chị có thể nấu được. Chị làm vậy để thực khách không ngán khi đến quán mình.

"Điều tôi sợ nhất là khi khách có suy nghĩ: Thôi thức ăn có 2000 đồng thì ráng nuốt. Thế nên tôi luôn tử tế trong từng món ăn. Ngon hay dở thì tùy vào cảm nhận của mỗi người nhưng tôi chắc chắn là tử tế"

Hôm nay thứ 4, chị Long bán bún măng chay. Quán không có khăn giấy, tăm, nhưng nước mắm gừng, ớt, chanh thì luôn phải đầy đủ, muỗng đũa phải sạch sẽ,... Đó là cung cách làm việc ở đây.

Một tô bún măng chay đầy đủ rau giá, đầy bún, nhiều măng và rất nhiều nấm. Nước dùng bún thanh thanh. Có thể nói là phần ăn này là đủ no cho một người bình thường chứ không hề ít. Cô chủ quán còn cẩn thận dặn dò thực khách nhớ dùng thêm nước mắm gừng cô đã chuẩn bị sẵn cho ngon.

Chị Long luôn hỏi han thực khách là thức ăn hôm nay có ngon không. Mọi người trong quán đều gật đầu, đồng ý là món ăn hôm nay ngon lắm. Điều đó chắc hẳn không chỉ đến từ hương vị món ăn mà còn nằm ở tấm lòng của người nấu.

"Tôi làm từ thiện cho mọi người đều bình đẳng"

"Khi làm việc này tôi như bịt mắt, tất cả mọi người đến đây đều bình đẳng" - Đó là câu nói chị Long luôn nhắc lại mỗi khi tôi hỏi về "tôn chỉ" làm việc ở quán ăn này. Chị mong là bản thân sẽ không đánh giá, phán xét bất kỳ ai đến quán ăn này.

Chị chia sẻ: "Bán hàng gặp khách khó chịu là bình thường, còn bán thiện nguyện gặp khách khó chịu là vô cùng bình thường. Bởi có nhiều người nghĩ họ chỉ trả có 2000 đồng nên họ không tôn trọng mình. Nhưng tôi không để tâm chuyện đó. Tôi muốn dùng sự tích cực của mình để làm họ hiểu."

Thật ngạc nhiên khi chị định nghĩa quán ăn của mình là "bán" chứ không phải "cho". Vì thế dù mỗi bữa ăn chỉ có 2000 đồng, chị vẫn có tôn chỉ coi "khách hàng là thượng đế". Chị Long luôn dặn dò những người phụ giúp mình rằng không được quát nạt khách hàng dù họ có khó chịu như thế nào.

Thực khách đến quán chị Long rất đa dạng. Không chỉ là những ông bà cụ gặp khó khăn trong cuộc sống mà có cả những người chú chạy xe ôm, sinh viên, hay chỉ đơn giản là họ yêu quý chị Long nên đến đây ủng hộ. Khi tôi đề cập về việc rất nhiều người nhìn có vẻ khá giả nhưng vẫn ăn cơm 2000 đồng thì đối với chị chuyện đó không hề gì. Ai đến ăn chị cũng đều cảm ơn thịnh tình.

Chị Long chỉ tay về phía thùng tiền để mọi người trả cho bữa ăn. Chị bảo đó là thứ giúp chị bịt mắt, không phán xét bất kỳ ai. Thay vì đưa tận tay chị 2000 đồng thì họ có thể bỏ vào hòm, thế thì họ vừa đỡ ngại, mà cũng không ai có quyền phán xét họ.

Sự nhiệt tình và tấm lòng của chị Long nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ phía mọi người. Anh Danh, một vị khách quen đến ăn ở quán chị Long đã lâu, đơn giản vì ủng hộ công việc chị đang làm.

Cô Hồng, khi thấy mỗi chị Long bán trong thời gian đầu thì cũng tham gia vào phụ giúp mà không lấy công.

Một nhóm bạn trẻ sinh viên cao đẳng FPT cũng đến đây để phụ giúp chuẩn bị thức ăn với chị Long từ 8 giờ sáng bởi cảm mến tấm lòng của chị. Mỗi người một tay, dù công việc có bận rộn, không gian có nóng nực mà thấy ai cũng nở nụ cười thảnh thơi lắm.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày