Chiến lược “không có Covid-19”
Sau khoảng nửa năm cuộc sống hàng ngày diễn ra bình thường, Sydney, thành phố lớn nhất của Australia hiện đang ở trong tuần thứ ba của đợt phong tỏa nghiêm ngặt đã được gia hạn cho đến ít nhất là ngày 30/7. Các khu trung tâm thương mại nhộn nhịp của Sydney trở nên vắng vẻ, các trường học đã đóng cửa và các hộ gia đình bị cấm gặp nhau để giảm thiểu lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
Khung cảnh vắng vẻ của thành phố Sydney khi lệnh phong tỏa được áp dụng nhằm ngăn sự lây lan của dịch Covid-19 (Ảnh: AFP)
Ngay cả khi Mỹ và Anh có kế hoạch mở cửa trở lại, Australia dường như vẫn đang mắc kẹt trong đại dịch. Khoảng 900 ca mắc Covid-19 đã được ghi nhận ở Sydney kể từ khi bùng phát một đợt dịch xuất phát từ một tài xế chưa được tiêm chủng nhiễm virus vào tháng 6. Bang New South Wales đã ghi nhận 65 ca bệnh mới vào ngày 15/7 và dự kiến số ca mắc Covid-19 sẽ tiếp tục tăng.
Là quốc gia theo đuổi đến cùng “zero Covid” (không có Covid-19), chiến lược được một số nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương thực hiện, Australia đã ngăn chặn đại dịch bằng những biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt như áp lệnh phong tỏa, kiểm soát biên giới và thậm chí là cấm công dân xuất cảnh.
Tuy nhiên, việc triển khai vaccine Covid-19 chậm đã khiến Australia đứng trước nguy cơ bùng phát đợt dịch mới khi các biến thể mới có độc lực mạnh hơn xuất hiện.
Giống như các nơi khác đang theo đuổi chiến lược “không có Covid-19” như Singapore và Đài Loan (Trung Quốc), Australia cảm thấy biện pháp này ngày càng khó duy trì. Bên cạnh đó, Australia đang chậm hơn so với các quốc gia khác trong việc triển khai biện pháp duy nhất và lâu dài để đối phó với đại dịch là tiêm chủng.
Vào hồi tháng 3, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã nói đùa về việc triển khai tiêm vaccine: “Đó không phải là một cuộc chạy đua”. Hiện tại, ông Morrison đang bị các chuyên gia y tế và các đối thủ chính trị chỉ trích vì không nhanh chóng đảm bảo đủ vaccine từ nhiều nhà sản xuất trong bối cảnh việc triển khai vaccine của nước này chậm so với các nền kinh tế lớn khác.
“Chính phủ Australia đã quá tin tưởng vào chiến lược ‘không có Covid-19’ và nghĩ rằng họ đã tìm ra phương pháp ngăn chặn đại dịch, trong khi đó các quốc gia khác sẽ phân tán rủi ro bằng cách thử nghiệm nhiều biện pháp hơn”, Bill Bowtell, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, trợ giảng tại Đại học New South Wales, cho biết.
“Tổng thống Morrison đã tự hào về chiến lược ‘không có Covid-19’ của Australia, nhưng không có hành động hiệu quả hoặc kịp thời đối với việc tiêm chủng hoặc kiểm dịch trước khi biến thể Delta tấn công”, ông Bowtell nói.
Tụt hậu trong chiến dịch tiêm chủng
Theo Bloomberg Vaccine Tracker, Australia đã tiêm chủng đầy đủ cho 18% dân số, so với 52% ở Mỹ và 61% ở Anh. Cho đến nay, Australia phần lớn sử dụng vaccine AstraZeneca. Tuy nhiên, những thông điệp hỗn loạn về việc tiêm vaccine cho người dưới 40 tuổi đã gây ra sự do dự về tiêm chủng, một vấn đề mà các nước theo đuổi chiến lược “không có Covid-19” khác cũng gặp phải.
Những người chỉ trích ông Morrison cũng chỉ ra những sai lầm trong hệ thống cách ly khi yêu cầu những người dân trở về từ nước ngoài phải cách ly tại phòng khách sạn trong 2 tuần sau khi nhập cảnh vào Australia. Khoảng 20 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng kể từ đầu năm nay có thể bắt nguồn từ việc vi phạm cách ly trong khách sạn.
Người dân xếp hàng đăng ký tiêm vaccine tại một trung tâm tiêm chủng ở Melbourne, Australia (Ảnh: Bloomberg)
Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia hôm 14/7 cho biết, việc phong tỏa thành phố Sydney có thể sẽ kéo dài trong nhiều tuần nữa và điều này sẽ gây ra sự suy giảm kinh tế cho đất nước trong thời gian ngắn. Những người dân Australia bên ngoài Sydney đang lo lắng rằng thành phố của họ sẽ có nguy cơ bị phong tỏa. Năm 2020, thành phố Melbourne đã trải qua một trong những đợt phong tỏa lâu và nghiêm ngặt nhất thế giới kéo dài 3 tháng. Biện pháp này đã ngăn chặn thành công sự gia tăng của số ca mắc bệnh tại Australia nhưng gây thiệt hại đáng kể về kinh tế.
“Người dân Australia thường xuyên lo lắng rằng một đợt bùng phát dịch Covid-19 sẽ khiến cuộc sống của họ bị gián đoạn”, Marion Maddox, giáo sư về chính trị tại Đại học Macquarie, cho biết.
Chiến dịch tiêm chủng của Australia đã có sự tương phản rõ ràng so với Mỹ và châu Âu. Những nơi này đang mở cửa trở lại nền kinh tế mặc dù có hàng nghìn ca lây nhiễm mới mỗi tuần. Theo Bloomberg, khoảng 40% dân số châu Âu đã được tiêm chủng đầy đủ. Trong khi vẫn có nguy cơ đối mặt với đợt bùng phát dịch mới, nhiều quốc gia châu Âu quyết định đã đến lúc phải “sống chung với virus”.
Thủ tướng Morrison đã bảo vệ chiến lược tiêm chủng của chính phủ, nói rằng việc triển khai nhanh chóng sẽ cung cấp đủ vaccine cho tất cả những người dân có nhu cầu vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, ông Morrison vẫn chưa đưa ra mốc thời gian mở cửa trở lại hoặc cho biết bao nhiêu người Australia sẽ cần tiêm chủng trước khi nước này có thể mở cửa trở lại.
Ben Cowling, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hong Kong, cho biết, các chính phủ như Australia nên tìm hiểu cách sống chung với Covid-19 sau khi đạt đến ngưỡng số người tiêm vaccine cần thiết.
“Đây là căn bệnh truyền nhiễm sẽ tiếp tục lây lan trên khắp thế giới. Mặc dù việc mở cửa trở lại sẽ khiến một số người sợ hãi, nhưng chính phủ ông Morrison cần chỉ ra những lợi thế của việc phong tỏa, các biện pháp giãn cách xã hội và cách ly”, ông Cowling nói.