Sô cô la là hương vị được ưa thích nhất và đã trở thành một trong số những nguyên liệu chính cho ngành ẩm thực thế giới. Điều này minh chứng cho sản lượng sô cô la tiêu thụ hàng năm ngày càng tăng cao. Song, đằng sau ngành công nghiệp sô cô la khổng lồ ấy là những góc khuất chưa được kể hết.
Nếu sô cô la là sự kết hợp đầy mê hoặc giữa vị ngọt và vị đắng, thì phần ngọt thường được dành cho những công ty sản xuất thành phẩm sô cô la. Bởi, người nông dân, những người trồng ra quả cacao, là thành phần chính tạo ra những thanh sô cô la lại nhận được phần vô cùng nhỏ bé.
Chưa kể, khoảng 2/3 lượng bột cacao của thế giới đến từ Tây Phi, nơi có tới 2 triệu trẻ em đang tham gia vào những phần việc nguy hiểm trong ngành trồng cacao. Bên cạnh vấn nạn như sử dụng lao động trẻ em; sô cô la còn là một trong những nguyên nhân gây nên nạn chặt phá rừng, phân biệt giới tính.
Chính vì lý do đó, chương trình Cacao Trace được ra đời với sứ mệnh Khởi tạo giá trị và Chia sẻ giá trị, nhằm tạo nên mô hình bền vững, thực hiện mong muốn tất cả các thành phần trong chuỗi cung cứng của mình đều “được nếm vị ngọt” như nhau.
Đơn vị khởi xướng Cacao-Trace là Puratos Grand-Place Vietnam (Puratos). Bắt đầu từ năm 2008, chương trình được ra đời tại đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản phẩm sô cô la sản xuất với quy trình tích hợp theo chiều dọc bao gồm tất cả các bước được tập trung thực hiện tại 1 vùng địa lý, từ đào tạo nông dân canh tác và thu hoạch theo đúng quy chuẩn Cacao Trace, thu mua, quy trình sau thu hoạch, nghiền hạt thành sô cô la nhão, cho đến thành phẩm sô cô la.
Hiện, Cacao Trace đã lan toả sang 8 quốc gia bao gồm: Mexico, Cote d’Ivoire, Cameroon, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Công Gô, Uganda, Việt Nam, Philippines và Papua New Guinea. Với Mô hình nông lâm nghiệp kết hợp, chương trình Cacao Trace với mục tiêu trồng 3.440.000 cây lâu năm trên toàn thế giới.
Như chúng ta đã biết, Việt Nam trước năm 2010 chưa hề xuất hiện trên bản đồ trồng trọt cacao cũng như sản xuất sô cô la trên thế giới. Cho đến hiện tại, thị trường sô cô la Việt vẫn còn rất sơ khai, đến mức chưa có một nghiên cứu nào cụ thể về thị trường.
Ấy vậy, Việt Nam lại là nơi bắt đầu cho một chương trình lớn, đầy ý nghĩa cho ngành công nghiệp sô cô la thế giới. Lý do đơn giản bởi người đứng đầu Puratos đã sớm “bén duyên” và gắn kết quãng đời còn lại của mình với cây cacao Việt Nam.
Năm 1993, ông Gricha Safarian (Giám đốc vận hành Puratos) đến Việt Nam và nhận ra tiềm năng phát triển ngành cacao/sô cô la tại đây. Ngay lập tức, ông bị thu hút bởi sự mến khách của người dân địa phương và nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy quay lại quốc gia này. Dần dà, Việt Nam theo ông Gricha mang đến cơ hội cho ông được thử nghiệm mô hình kinh doanh mới cho chuỗi cung ứng cacao và sô cô la, với định hướng phát triển theo chiều dọc ngay tại đất nước sản xuất sô cô la. Dĩ nhiên, điều kiện thổ nhưỡng khí hậu Việt Nam được ví là "kho báu" tuyệt vời cho hạt cacao.
Tuy nhiên, Việt Nam chúng ta lại chưa biết cách khai phá tiềm năng hạt cacao của mình. Khi, nông trại cacao ngày càng bị thu hẹp vì phương thức canh tác chưa đúng kỹ thuật. Ghi nhận, diện tích cacao đang bị thu hẹp nghiêm trọng từ 25.700 ha năm 2012 và giảm mạnh xuống khoảng 5.000 ha vào năm 2019. Các tỉnh có diện tích giảm nhiều như Bến Tre, Đắc Lắk, Bình Phước, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang. Trong đó, Bến Tre là tỉnh có diện tích canh tác giảm nhiều nhất, từ 9.727 ha (năm 2012) xuống còn 273 ha (năm 2019).
Chưa kể, sự biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến mùa vụ của nông dân, trong khi giá thành hạt cacao được trả với giá không tương xứng. Hệ quả, người nông dân dễ dàng chuyển đổi cây trồng khác trong thời gian ngắn.
Bắt đầu với loạt thử thách, bằng tình yêu sô cô la, niềm tin vào tương lai và phương châm “không bao giờ bỏ cuộc”, Cacao Trace tỉ mỉ lên từng sáng kiến, chiến lược nhằm chạm và “gãy đúng chỗ” những tồn tại của ngành.
Đầu tiên là chiến lược giải quyết sự thu hẹp diện tích trồng cacao. Thông qua đây, Puratos chọn lọc và làm việc với những cộng đồng trồng cacao chất lượng, sau đó xây dựng Trung tâm Sau thu hoạch tại vùng trồng cacao (Post Harvest Center).
Công ty cũng chú trọng đào tạo kỹ thuật chuyên sâu tập trung hoặc đơn lẻ cho bà con, có đội ngũ kĩ thuật viên thường xuyên ghé thăm vườn cacao, tổ chức các hoạt động hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây cacao, diệt trừ sâu bệnh bằng Phương pháp an toàn theo chuẩn Cacao Trace, nhằm mục đích gia tăng sản lượng cho bà con.
Puratos còn tài trợ cây giống để mở rộng vùng trồng: trao tặng 90.000 cây giống cacao ở các khu vực, Daklak, Daknong, Bình Phước, Lâm Đồng và Bến Tre.
Thứ hai, chiến lược giải quyết về nghèo của nông dân. Với mục nhằm hạn chế hiện trạng người nông dân bị ép giá, Công ty cam kết với những nông dân tham gia chương trình Cacao Trace rằng Puratos luôn trả mức giá cao nhất thị trường cho những hạt cacao chất lượng được họ giao đến những trung tâm sau thu hoạch.
Cacao Trace thu mua cacao ở mức giá ổn định ngay cả trong mùa dịch và luôn duy trì mức giá tối thiểu để đảm bảo sự bình ổn trước biến động trên thị trường toàn cầu, cũng như giúp người nông dân yên tâm tập trung hơn trong công tác chăm sóc cây cacao.
Đặc biệt, Puratos đưa ra sáng kiến Chocolate Bonus - phần thưởng sô cô la cho người nông dân. Cụ thể, với mỗi kg sô cô la có nhãn Cacao Trace bán ra, Puratos sẽ trả thưởng 10 cent. Trong đó, 17% số tiền này được trao tặng dưới hình thức tiền mặt, 83% còn lại được Quỹ đầu tư vào các dự án xây trường học, bệnh viện cho những quốc gia nơi cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, phần lớn là tại những quốc gia châu Phi.
Thứ ba, chiến lược giải quyết nạn phá rừng. Puratos sẽ hỗ trợ đầy đủ tất cả các sáng kiến về mặt pháp lý để bảo vệ các khu rừng có nguy cơ tuyệt chủng. Cụ thể, Cacao Trace đã ấn định ngày 1/1/2014 là ngày không chấp nhận những vườn/nông trại trồng cây cacao được xây dựng trên nền tảng cây rừng.
Kể từ năm 2019, Puratos cũng đã tích hợp chương trình Cacao Trace vào dự án Nông lâm kết hợp và canh tác thông minh phù hợp khí hậu. Trong đó, Puratos hợp tác với Pur Projet trong chương trình bù đắp carbon (trong chuỗi cung ứng cacao), một phần của kế hoạch trở thành tập đoàn trung hòa carbon vào năm 2025. Puratos đã đạt chứng nhận carbon trung hòa Scope 2 kể từ năm 2021 và duy trì đến nay (năm 2023).
Trong giai đoạn từ 2019 đến 2025, Puratos còn lên kế hoạch và triển khai trồng 4.527.294 cây bao gồm cây cacao và 20-30% là cây che bóng mát hoặc cây lâu năm xen kẽ trong những vườn trồng cacao.
Ngoài ra, ở các quốc gia có vấn nạn về lao động trẻ em, đặc biệt châu Phi, Cacao Trace còn xây dựng chiến lược giải quyết nạn lao động trẻ em bằng cách ủng hộ việc tiếp cận giáo dục và phản đối mạnh mẽ mọi hình thức lạm dụng lao động trẻ em. Tuy nhiên, Puratos không phản đối việc trẻ em (dưới 18 tuổi) có thể giúp cha mẹ làm việc tại trang trại miễn là các em vẫn được đi học và tiếp cận giáo dục. Puratos coi đây là một phần trong chương trình giáo dục trẻ em và khuyến khích thế hệ trẻ trở thành những nông dân trồng ca cao chuyên nghiệp trong tương lai.
“Puratos làm rõ 3 định nghĩa mới về lao động trẻ em: Công việc có thể chấp nhận được đối với trẻ em; Lao động trẻ em không được chấp nhận; và Hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Chúng tôi cũng thúc đẩy Quyền & Bảo vệ Trẻ em bằng cách thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức, giám sát và cơ chế khiếu nại cùng với Hệ thống Giám sát & Khắc phục Lao động Trẻ em. Hệ thống này được Puratos theo dõi sát sao đặc biệt tại những quốc gia châu Phi”, ông Gricha nói.
Cacao Trace cũng đưa ra sáng kiến trong triển khai việc tạo ra hương vị xuất sắc cho so-co-la. Theo đó, Puratos sẽ thu mua hạt cacao ướt mới thu hoạch thay vì hạt cacao khô, sau đó lên men hạt cacao ướt trong thùng gỗ acacia dưới sự giám sát của những chuyên gia trong lĩnh vực lên men hạt cacao, phơi khô bằng ánh sáng mặt trời để lưu giữ được nhiều nhất những nốt hương quan trọng tạo nên hương vị sô cô la thượng hạng. Như vậy, hạt cacao được chuẩn hóa quy trình lên men và phơi khô tại tất cả những trung tâm thu hoạch.
Công ty đã cho ra đời sản phẩm sô cô la sản xuất với quy mô B2B đầu tiên trên thế giới đạt chứng chỉ trung hòa carbon. Đây còn là sản phẩm sô cô la đột phá “60Days” với quy trình sản xuất gói gọn trong 60 ngày.
Gần thập kỷ trôi qua, Cacao Trace đã đạt được 8 quốc gia, tiếp cận và hợp tác với gần 25.000 nông dân trồng cacao trên thế giới. Chương trình cũng góp phần trồng gần 2 triệu cây xanh trên toàn thế giới từ 2019 đến 2023.
Ở khía cạnh nhân sinh xã hội, Cacao Trace đã phát thưởng 4.535.384 € trong giai đoạn từ 2016 đến 2022, xây dựng cơ sở vật chất bao gồm trường học, bệnh viện, cung cấp nước sạch cho những quốc gia Châu Phi như Cote d’Ivoire, Uganda.
Tại Việt Nam, tính đến năm 2022, chương trình Chocolate Bonus đã phân phát gần 700.000 USA cho cộng đồng trồng cacao tại Việt Nam, song song xây dựng một ngôi trường mẫu giáo phục vụ con em người dân tại Đắk Lắk.
Sang năm 2023, Công ty tiếp tục trao tặng 90.000 giống cây cacao nhằm mở rộng vùng trồng cacao ở Việt Nam. Cũng trong năm này, Puratos trở thành 1 trong 20 doanh nghiệp FDI đón nhận Giải thưởng Top 50 Doanh nghiệp Phát triển Bền vững (TOP50 CSA) do tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức bình chọn cho hạng mục Tối ưu hóa nguồn nguyên liệu địa Phương nhờ chương trình Cacao Trace.
Nhìn chung, hoạt động kinh doanh sẽ tốt hơn nhờ chuỗi sản phẩm sô cô la với hương vị vượt trội cùng những giá trị bền vững, thông qua những hoạt động kết nối với người nông dân, tạo nên câu chuyện truyền thông truyền cảm hứng.
“Một thanh sô cô la sẽ trở nên kém hấp dẫn nếu người tiêu dùng biết rằng, sau đó là những giọt nước mắt của người nông dân khi họ bị ép giá, hay những bàn tay trẻ em non nớt phải làm việc trên những đồn điền trồng cacao”, ông Gricha giãi bày.
"Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp và nhà tài trợ Kim cương Bắc Á Bank. Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Trong khuôn khổ vòng chung kết của Giải thưởng, Triển lãm Hành động vì cộng đồng 2023 sẽ được diễn ra từ ngày 24/11 - 3/12 Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, và Gala trao giải sẽ được diễn ra vào 11/12 tại Nhà hát Hồ Gươm - Hà Nội.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org