Puka ngất xỉu trong siêu thị bởi một tình trạng chị em mang thai rất hay gặp nhưng lại chủ quan không để ý

An Chi, Theo phunuso.baophunuthudo.vn 14:57 03/01/2025
Chia sẻ

Các mẹ bầu trong tam cá nguyệt thứ 2, 3 cần hết sức lưu ý tình trạng này.

Từ khi công bố mang thai con đầu lòng, Puka dành hầu hết thời gian ở nhà dưỡng thai, hạn chế nhận công việc. Thi thoảng xuất hiện trên MXH, nhìn Puka vẫn xinh xắn, ngoài vòng 2 đang lớn dần thì mẹ bầu cũng được nhận xét là không thay đổi mấy so với thời son rỗi.

Tuy nhiên, sức khỏe của Puka trong giai đoạn gần cuối thai kỳ cũng có nhiều biến đổi. Mới đây, trong một bài chia sẻ, Gin Tuấn Kiệt cho hay: "Những ngày đi diễn concert ở Hà Nội hay công tác nước ngoài thì tôi sẽ nhờ mẹ qua chăm Puka phụ. Không thể để phụ nữ mang thai ở nhà 1 mình được, tôi sợ Puka thứ 1 là bị tâm lý, buồn, thứ 2 là có những cái nguy hiểm như tụt đường huyết thai kỳ, khi tư thế thay đổi cũng bị tụt. Bình thường chúng tôi hay nhờ siêu thị giao đồ lên nhà, hôm đó cả hai muốn đi bộ một chút nên xuống siêu thị. Lúc đó, Puka bị gục xuống trong siêu thị luôn, rất nguy hiểm và lo lắng".

Puka ngất xỉu trong siêu thị bởi một tình trạng chị em mang thai rất hay gặp nhưng lại chủ quan không để ý- Ảnh 1.

Cụ thể, bà xã Gin Tuấn Kiệt gặp phải chứng tụt đường huyết dẫn tới việc ngất xỉu trong siêu thị. Đây là tình trạng thường gặp ở nhiều chị em khi mang thai nhưng không phải ai cũng biết để đề phòng.

Khi nào mẹ bầu được đánh giá là hạ đường huyết?

Khi lượng đường trong máu của mẹ bầu giảm xuống thấp hơn mức đường huyết bình thường trong thai kỳ, mẹ bầu sẽ được đánh giá là hạ đường huyết khi mang thai. Nếu lượng đường trong máu giảm liên tục, mẹ bầu cần được can thiệp những biện pháp để khắc phục. Chỉ số để đánh giá tình trạng hạ đường huyết khi mang thai như sau:

- Chỉ số đường huyết <3,5mmol/L (tương đương <63mg/dl): Hạ đường huyết.

- Chỉ số đường huyết<2,0mmol/L (tương đương <36mg/dl): Hạ đường huyết nghiêm trọng.

Mọi người đều có thể gặp phải tình trạng giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, phụ nữ có thai khi gặp phải tình trạng này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả mẹ lẫn em bé. Đối với phụ nữ mang thai không mắc bệnh tiểu đường, tình trạng hạ đường huyết cấp bách là khá hiếm, tuy nhiên vẫn không thể loại trừ hoàn toàn khả năng này.

Trong khi đó, những phụ nữ mang thai mà có bệnh tiểu đường, nguy cơ hạ đường huyết lại rất cao, có thể chiếm từ 19 - 44%. Những bệnh nhân tiểu đường phụ thuộc insulin thì luôn có nguy cơ cao bị hạ đường huyết nghiêm trọng, bất kể họ có đang mang thai hay không.

Nguyên nhân dẫn đến hạ đường huyết khi mang thai

- Bỏ ăn hoặc bữa ăn không đầy đủ, không ăn đúng giờ.

- Chế độ ăn kiêng không cân đối và thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết.

- Tiêu thụ rượu bia, đặc biệt khi uống mà không kèm theo thức ăn.

- Luyện tập cường độ cao.

- Dùng quá liều insulin.

- Lượng carbohydrate không đủ để phối hợp với liều insulin tiêm vào.

- Các vấn đề sức khỏe khác như thiếu hụt enzym, viêm gan cấp tính, u tụy hoặc suy giảm chức năng nội tạng.

- Đôi khi, các trường hợp hạ đường huyết ở phụ nữ mang thai xảy ra mà không có nguyên nhân cụ thể nào.

Dấu hiệu mẹ bầu bị hạ đường huyết

- Cảm giác mệt mỏi, uể oải, không có sức lực.

- Khuôn mặt nhợt nhạt, thiếu sức sống.

- Mắt mờ, chóng mặt, mất thăng bằng.

- Cơ thể run rẩy, ra mồ hôi.

- Hơi thở gấp gáp, tim đập nhanh.

- Đau đầu, khó tập trung, khó suy nghĩ rõ ràng.

- Cảm giác đói liên tục.

- Tâm trạng lo âu, dễ cáu gắt.

- Cảm giác tê cóng hoặc ngứa ran ở tay, môi và lưỡi.

- Mơ ác mộng thường xuyên.

- Khó tỉnh giấc vào buổi sáng.

Nếu những dấu hiệu này không được phát hiện và hỗ trợ kịp thời, thai phụ có thể phải đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng hơn như co giật, nói không rõ và thậm chí là mất ý thức.

Cách xử lý khi hạ đường huyết thai kỳ

- Tìm chỗ ngồi nghỉ ngơi, sử dụng máy đo đường huyết để kiểm tra nồng độ đường trong máu, vì các biểu hiện của hạ đường huyết có thể giống với triệu chứng khi lượng đường cao trong thai kỳ.

- Nên ăn hoặc uống ngay một lượng nhỏ thực phẩm giàu calo và carbohydrates, như một viên kẹo, một miếng bánh, một ly nước đường (không dùng thức ăn chứa chất béo vì chúng làm chậm quá trình hấp thu đường), hoặc uống một ly nước ép trái cây nhỏ (dù hiệu quả không ngay lập tức).

- Gọi người nhà để được hỗ trợ đưa đến cấp cứu, hoặc nếu không có người thân ở bên cần gọi xe cấp cứu đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế càng sớm càng tốt.

- Nếu hiện tượng giảm lượng đường trong máu xảy ra liên tục, nên đi khám và có lịch theo dõi định kỳ với bác sĩ để phòng tránh các sự cố không lường trước được.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày