Đi giữa trời rực rỡ là bộ phim đang nhận được sự quan tâm, yêu thích của CĐM vì chuyện tình gà bông của cặp đôi chính Pu - Chải. Tuy nhiên, trong tập mới nhất, bộ phim lại có một phân cảnh khiến người xem “đứng hình” vì hành động có phần vô lý của cô nàng Pu.
Phân cảnh ấy có thể tóm tắt như sau: Sau khi đặt chân đến Hà Nội, Pu đi xe ôm từ bến xe tới chỗ trọ. Chú xe ôm chở Pu đã “thả” cô bạn giữa đường vì phải vào viện với con. Biết được câu chuyện và hoàn cảnh khó khăn của chú, Pu móc ngay 1 triệu trong túi, gửi chú với mong muốn hỗ trợ chú phần nào trong việc điều trị bệnh hiểm nghèo cho con gái.
Màn từ thiện này của Pu khiến nhiều người xem “thấy bực cả mình”. Để có tiền cho cô xuống Hà Nội nhập học, bố mẹ đã phải bán bò đi. Vậy mà vừa đặt chân xuống thủ đô, Pu đã đem ngay 1 triệu cho người lạ mà không cần 1 giây suy nghĩ. Bên cạnh đó, cũng có không ít người thông cảm với Pu, vì hành động này cho thấy Pu tốt tính, biết thương người, chỉ là cô còn trẻ người non dạ quá thôi.
Tựu trung lại, dù nghĩ theo chiều hướng nào thì mỗi người vẫn có cái lý riêng trong việc chỉ trích hoặc thông cảm với Pu trong việc cho chú xe ôm 1 triệu.
Biết thương người là tốt, không ngại làm từ thiện cũng là việc rất đáng khen nếu biết cân đối với tình hình tài chính của bản thân.
Cũng từng là tân sinh viên "lơ ngơ" ra thành phố nhập học, cũng từng ngớ người nhận ra mình bị lừa vì quá nhẹ dạ cả tin, 3 bạn trẻ dưới đây đã có những kinh nghiệm "xương máu".
1 - Không hỏi giá trước khi sử dụng dịch vụ
Hải Sơn (sinh năm 1999) cho biết cách đây 7 năm, anh đã phải trả 150k cho 1 cuốc xe ôm với quãng đường di chuyển chưa tới 7km.
"Sáng hôm đó mình có lịch phỏng vấn CLB, mà lại ngủ quên nên cuống cuồng lên. Bình thường thì mình đi xe bus nhưng hôm ấy vì sát giờ quá nên ra đầu ngõ, gặp 1 bác xe ôm là mình bảo bác trở tới trường luôn.
Mình cũng không hỏi giá vì vội quá, đến nơi thì bác bảo cuốc xe của mình hết 150k, vì tắc đường nên giá thế là bình thường, mà mình đi từ Phùng Khoang tới Chùa Láng thôi ấy" - Hải Sơn kể.
Đương nhiên, Sơn vẫn trả 150k cho bác xe ôm. Nhưng sau đó, anh rút ra được bài học xương máu: Mua gì, sử dụng dịch vụ gì cũng phải hỏi giá trước, đặt biệt là các dịch vụ không có giá niêm yết như xe ôm truyền thống.
2 - Muốn làm từ thiện, hãy tìm hoặc đợi các hoạt động thiện nguyện của Đoàn trường
Là một người đã từng làm từ thiện sai nơi, Thu Hà (sinh năm 1998) khá đồng cảm với Pu khi xem phân cảnh cô nàng cho chú xe ôm 1 triệu đồng.
"Hồi năm nhất ĐH, mình cũng phải tốn cỡ 400k để mua tăm làm từ thiện. Trường mình học gần Bệnh viện Nhi TW, nên có nhiều người đi bán tăm lắm, họ còn đeo cái biển trên người, ghi chữ Mua tăm ủng hộ trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo. Mình cũng tin nên gặp người bán tăm nào cũng mua, 2 gói tăm 30k, gần hết năm 2 mới xỉa hết chỗ tăm ấy" - Thu Hà vừa cười vừa kể lại.
Mãi đến khi kể lại chuyện này với các anh chị cùng CLB, Thu Hà mới biết mình bị lừa.
Bài học xương máu mà cô bạn rút ra là: Muốn làm từ thiện thì tham gia vào các hoạt động thiện nguyện của Đoàn trường là yên tâm nhất!
3 - Hạn chế đi chợ Xanh, đồ rẻ thật đấy nhưng "không mua là bị chửi"
Sinh viên mà, ham đồ rẻ là chuyện dễ hiểu. Mà ở Hà Nội, rẻ nhất phải kể đến chợ Xanh. Tuy nhiên, Thùy Chi (sinh năm 2000) nhấn mạnh rằng tân sinh viên không nên đi chợ Xanh.
"Mọi mặt hàng ở chợ Xanh đều rẻ nhưng mà tân sinh viên không nên đi chợ Xanh đâu. Vì xem mà không mua là bị người bán mắng cho không kịp vuốt mặt, rồi bị ép mua nữa. Ngày xưa mình cũng bị, sợ quá nên dù không thích lắm vẫn phải mua cái mũ lưỡi chai đã xem" - Thùy Chi chia sẻ.
Cô bạn sinh năm 2000 này cho rằng bây giờ nếu muốn mua đồ rẻ thì cứ canh các đợt sale lớn, nhiều chỗ bán đồ rẻ, chứ không nhất thiết phải tới các chợ sinh viên.