Khi mất tích vào ngày 8/3/2014, bên cạnh 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn, MH370 còn chở theo một loạt hàng hóa trong đó có 5 tấn măng cụt và 221 kg pin lithium-ion.
Hôm 10/5, đài Sputnik dẫn lời thợ săn MH370 kiêm nhà báo viết về mảng hàng không, ông Clive Irving, đặt giả thuyết chiếc Boeing 777 có thể đã rơi xuống đại dương do chở một lượng lớn trái cây và pin lithium-ion dễ cháy.
Ông Irving lập luận chất điện phân trong pin lithium-ion rất dễ cháy ở nhiệt độ cao. Vì vậy, trong quá trình máy bay di chuyển, những cục pin bị lắc có thể đã làm bùng lên ngọn lửa, khiến chiếc Boeing 777 rơi xuống biển.
Nhà báo này cho rằng vụ hỏa hoạn có thể đã làm vô hiệu hóa hệ thống chữa cháy trên máy bay. "Một đám cháy do pin lithium gây ra đủ mạnh để phá vỡ lớp lót đặc biệt trong kho chứa hàng, dẫn đến nồng độ khí Halon chống cháy bị suy giảm" , ông Irving giải thích
Vụ MH370 mất tích vẫn còn là một bí ẩn chưa có lời giải - Ảnh: Getty
Trong báo cáo cuối cùng về vụ mất tích MH370 được chính quyền Malaysia công bố hồi tháng 7/2018, các nhà điều tra đã phủ nhận giả thiết pin lithium-ion gây cháy khiến máy bay gặp nạn.
Báo cáo khẳng định khả năng này gần như bằng 0 bởi các chuyến bay trước MH370 cũng từng chở các hàng hóa tương tự nhưng chưa từng phát sinh sự cố gì và rằng một vụ cháy do pin rất khó xảy ra vì thời gian bay của MH370 tương đối ngắn cũng như số trái cây và pin đều được đóng gói đúng cách.
Tuy nhiên, báo cáo cũng xác nhận thông tin rằng số pin mà MH370 mang theo không được quét qua màn hình tia X trong ngày bay vì “không có máy quét tia X nào đủ lớn”. Các máy lớn hơn chỉ được lắp đặt vài tháng sau khi máy bay MH370 biến mất.
Điều này khiến nhiều người đặt nghi vấn cho rằng số pin có thể đã không được đóng gói đúng như những gì mà các nhà điều tra Malaysia khẳng định.
Vào tháng 10/2015, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ủng hộ lệnh cấm vận chuyển pin lithium trên các máy bay chở khách bởi lo ngại chúng gây nguy hiểm. Theo một quan chức thuộc Bộ phận quản lý vật liệu nguy hiểm của FAA, có bằng chứng cho thấy pin có thể dẫn đến "một vụ nổ và gây hỏa hoạn phá hủy máy bay".
Đài Sputnik cho biết nhiều tháng trước đó, Tập đoàn Boeing cũng đưa ra cảnh báo các hãng hàng không không nên vận chuyển pin số lượng lớn bởi "nguy cơ xảy ra hỏa hoạn".
Tuy nhiên, các nhà điều tra Malaysia nói rằng một vụ cháy pin "rất khó xảy ra trên chuyến bay MH370" do thời gian bay tương đối ngắn, đồng thời măng cụt và pin lithium-ion "được đóng gói đúng cách".
Họ kết luận chiếc Boeing 777 đã bay vòng qua biển Đông với điều khiển thủ công thay vì chế độ tự động lái nhưng không xác định được ai đã can thiệp vào hệ thống điều khiển của máy bay.