Phương Vũ có lẽ là một trong những đại diện nổi bật nhất của giới làm sáng tạo trẻ tại Việt Nam. Cá tính, dị biệt, thách thức mọi quy chuẩn và giới hạn, Ở Phương có tinh thần của một đứa trẻ gai góc lớn lên trong bầu không khí hiphop đặc quánh: Bất cần, dữ dội và có gì đó "dị dị". Những cá tính này thể hiện rất rõ trong các sản phẩm Phương làm đạo diễn, cho đến cả thương hiệu thời trang mà Phương sáng lập. Chàng trai sinh năm 1995 ghi dấu ấn trong hàng loạt các sản phẩm mang màu sắc hiphop, được pha trộn tài tình giữa những quan sát cá nhân tinh tế về đời sống Việt Nam và góc nhìn của một người trẻ tuổi.
Nhưng phải cho đến khi đoạn phim an toàn bay của hãng hàng không lớn nhất Việt Nam do Phương làm đạo diễn tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội, thì người ta mới hiểu cảm giác "nể" cái đầu của một người trẻ là thế nào. Trong đoạn video hơn 5 phút, Phương Vũ lồng ghép tài tình những thông điệp về quy tắc an toàn bay bằng ngôn ngữ hình ảnh sáng tạo và thấm đẫm màu sắc văn hóa bản địa. "Giải" một đề bài khó nhằn khi phải cân bằng giữa sự trang trọng cần thiết và sự trẻ trung, tiên phong của tinh thần hiện đại. Đó là chưa kể, những câu chuyện hậu trường về quá trình tiền kỳ, hậu kỳ trải dài trong suốt 2 năm.
Hôm nay, hãy cùng chúng tôi ngồi xuống và trò chuyện với Phương Vũ về hành trình độc đáo của cậu để trở thành một đạo diễn, một người làm hình ảnh và cả những câu chuyện về những dự án hóc búa, thử thách những giới hạn không tưởng của sự sáng tạo.
Chắc nhiều người đã hỏi bạn rồi, nhưng tôi vẫn muốn hỏi lại: Bạn bắt đầu tất cả hành trình của một đạo diễn như thế nào?
Chắc đến khoảng thời gian gần đây, tôi mới tự coi mình là đạo diễn. Thật ra, tôi vẫn luôn nhìn mình là một nghệ sĩ hình ảnh nhiều hơn. Bởi tôi bắt đầu không phải từ việc làm phim, tôi… bán quần áo. Hồi ấy, tôi đâu có tiền, vậy nên bắt buộc phải tự học chụp ảnh và quay hình để phục vụ cho việc quảng cáo sản phẩm của mình.
Trên cả quá trình ấy tôi đã thêm được rất nhiều kiến thức, tôi cũng thấy mình rất hợp với chụp ảnh và làm phim. Trước đây, tôi cũng từng theo học Nhiếp ảnh Báo chí. Và nếu không có gì thay đổi, bây giờ tôi đã là một nhiếp ảnh gia báo chí chuyên đi chụp phóng sự. Thật ra đó cũng từng là ước mơ của tôi, bởi tôi rất thích đi du lịch và lắng nghe những câu chuyện. Đến bây giờ, những kiến thức ngày xưa từng học cũng giúp tôi trong việc làm đạo diễn ra phết! Bước ngoặt đầu tiên đến vào cái video đầu tiên tôi thực hiện cho Nirvana được viral trong giới thời trang. Sau đó, chúng tôi được book rất nhiều và rồi mọi thứ cứ tự nhiên tìm đến.
Ngày trước, tôi từng là một thành viên của dự án Humans of Hanoi. Tôi luôn có thôi thúc muốn được tiếp xúc nhiều hơn với việc chụp ảnh, và công việc ở Humans of Hanoi mang đến cho tôi cơ hội đó. Tôi thích cái cách mà mình nghe được một câu chuyện từ những người xa lạ, những người mà ta phải mất rất nhiều thời gian để họ ngồi xuống và giãi bày. Bản thân việc tìm cách khai thác câu chuyện của họ cũng đã là một thử thách, và ta có thể lắng nghe rất nhiều ý kiến, quan sát được nhiều góc nhìn từ công việc ấy. Đó là lý do tôi lựa chọn Nhiếp ảnh Báo chí thay vì Nhiếp ảnh Nghệ thuật, ngành học đó sẽ cho tôi rất nhiều kỹ năng: Khai thác nhân vật, xử lý tình huống, cách giao tiếp…. tất cả đều cần trong công việc làm hình ảnh mà tôi muốn theo đuổi.
Hình như đâu đó mọi công việc bạn từng làm và theo đuổi đều mang hơi hướng của một người kể chuyện.
Tôi không nghĩ nhiều về chuyện đấy. Tôi nghĩ những việc mình làm, từ thời trang, thiết kế, rồi đi du lịch, chụp ảnh phóng sự hay bây giờ là đạo diễn…. nó giống như một hành trình tìm hiểu về bản thân. Mỗi vai trò tôi từng thử sức đều mang đến một thách thức khác nhau. Và mỗi sản phẩm tôi từng làm cho đến nay đều phản chiếu những gì tôi gặp phải, những thứ xung quanh đang xảy ra với tôi ở thời điểm ấy. Nhìn vào các sản phẩm, chị có thể thấy sự lớn lên của tôi trong cả một hành trình.
Trước đấy bạn từng học nhảy nữa phải không?
Việc học nhảy đến với tôi không có gì to tát lắm ngoài việc là vì bố mẹ tôi… cấm. Tôi cảm thấy khó chịu với việc đấy, thế là tôi đi học. Nếu bố mẹ không cấm thì tôi nghĩ là mình cũng chẳng theo nhảy đến tận bây giờ đâu. Đó là lý do thứ nhất.
Lý do thứ 2 là bởi tôi có rất nhiều bạn, và những người bạn trong môi trường ấy rất là vui, tôi học được rất nhiều thứ từ họ.
Văn hóa hiphop và việc học nhảy là cả một quá trình dài và tôi đã đi cùng nó rất lâu, nó ngấm vào tôi, vào máu, vào não… và nếu không nhảy thì tôi cũng phải chính mình nữa.
Đi học nhảy vì bố mẹ… cấm. Vậy từ nhảy đến công việc hiện tại thì sao? Trước những thành công của bạn, bố mẹ có sự chia sẻ hay tự hào?
Tôi nghĩ là vào thời điểm này thì có.
Tôi vốn là một đứa trẻ bướng bỉnh, thích làm những thứ theo sở thích cá nhân, tôi cũng chẳng được ngoan như bạn bè đồng trang lứa. Ngày đi học cấp 3, tôi từng bị… đuổi học rất nhiều, chắc cũng phải đến 3 trường đấy. Tôi cũng từng phải vào học những trường tận cùng của cá biệt , nơi mà chỉ có 25 học sinh trong 1 khối là đủ hiểu. Suốt khoảng thời gian đi học từ lớp 1 đến lớp 12, tôi chỉ được Học sinh Tiên tiến 2 lần, còn đâu là… Trung bình và Yếu. Thế nên chuyện tôi đỗ Đại học là điều mà các thầy cô từng dạy, thậm chí bố mẹ tôi sẽ chẳng bao giờ tin.
Không phải là một người có sự đào tạo bài bản và làm mọi thứ theo bản năng. Vậy làm thế nào để bạn chắp nối những trải nghiệm và quan sát cá nhân để tạo ra một Phương Vũ của thời điểm hiện tại?
Tôi nghĩ là sau mỗi dự án mình đều lớn lên. Bản thân tôi cũng coi việc làm phim giống như khi đi tập gym vậy. Trong suốt 4 năm, kể từ khi bắt đầu đến nay, tôi đã làm tầm 200 dự án, tương đương với 200 video. Mà đó là chưa tính đến các dự án ảnh.
Công việc của tôi là một sự rèn luyện, thậm chí tôi coi rất ít tác phẩm của mình là nghệ thuật. Tôi chỉ đơn thuần nhìn vào nó như những thước phim, và mỗi lần làm chúng là một lần tôi rèn luyện bản thân mình. Điều đó thôi thúc tôi thử nghiệm những kỹ năng khác nhau trong mỗi lần làm việc. Tôi luôn giữ trong đầu mình cái suy nghĩ rằng: Ta phải thử một thứ gì khác! Phải làm một thứ gì đấy mình chưa biết, tạo ra một cảm giác khác cho người xem, làm một thứ để mình có thể tiến bộ hơn.
Làm nhiều như thế, có bao giờ bạn sợ cảm xúc của mình sẽ bị chai lì?
Cảm xúc là một thứ không thực tế. Cảm xúc có thể dẫn dắt ta đi một cách hăng say trong một thời điểm nào đấy, nhưng sẽ là viển vông nếu ta chỉ dựa vào cảm xúc để được dẫn đường.
Tất nhiên rằng việc làm phim hay làm hình ảnh sẽ cần rất nhiều yếu tố cảm xúc, nhưng tôi thì lại muốn biến nó thành một loại cơ bắp của mình hơn. Tôi luyện tập nó để bất cứ khi nào ngồi vào đâu, đề bài gì tôi cũng có thể làm được, và phải làm cho ra. Đối với tôi, nghệ sĩ giỏi được yêu cầu rất cao về chuyện là bạn bắt buộc phải làm được, và phải giải thích được ý tưởng của mình thành hoạt động và từ ngữ, phải biến đổi cảm xúc của mình ra những thứ rõ ràng, và tạo hình được nó cho người xem nắm bắt.
Nghe giống như một sự thực hành kỷ luật hơn là làm nghệ thuật.
Với tôi thì làm nghệ thuật cần rất nhiều kỷ luật. Dù tôi không đánh đồng cái quan điểm làm nghệ thuật của mình với tất cả mọi người, có rất nhiều nghệ sĩ làm bằng cảm xúc rất tốt.
Khởi đầu tôi vốn là đứa chẳng có năng khiếu cho lắm. Vậy nên tôi nghĩ, với những người như mình thì càng cần phải luyện tập nhiều hơn. Và tôi đặt nó nặng hơn cảm xúc. Sau này, biết đâu khi tôi giỏi hơn bây giờ, tôi sẽ có cách để đưa cảm xúc mình vào quá trình làm việc một cách tự nhiên hơn. Còn hiện tại, tôi vẫn rất thích việc mà tôi đang làm: Biến nó thành kỹ năng mình luôn luôn có.
Vậy trong quá trình luyện tập, sản phẩm nào là thứ thách thức bạn nhiều nhất?
Mỗi sản phẩm lại mang đến một thách thức riêng. Ngày xưa, nó thách thức bởi độ khó so với giá tiền, tôi đã từng làm 1 video với kinh phí chỉ 30-40 triệu trong… 2 năm. Cái video ấy rất nặng đô về điều kiện làm việc, có những hôm tôi đứng trong một bãi rác lâu đến mức bị chóng mặt và vừa kết thúc là cảm giác buồn nôn ập đến dữ dội. Thậm chí tôi sợ đến mức bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề sau đó luôn. Hoặc thậm chí, tôi cũng có những trải nghiệm suýt chết khi làm phim. Nói thật thì ban đầu, chúng tôi cũng có những cách làm khá… ngu ngốc. Có lần tôi từng bị bỏng nặng cả phần lưng vì trong phim đó có một cảnh cháy. Hoặc giả có lần nọ, chúng tôi mất 2 ngày để xếp 2000 cái TV thành 1 bức tường, do ngày đó làm gì có thiết kế hả chị. Vậy nên mọi thứ chúng tôi từng làm đều có những thử thách và mang đến rất nhiều trải nghiệm, cả về mặt thời gian lẫn áp lực công việc.
Vậy hãy nói về thách thức với dự án phim an toàn bay của hãng hàng không lớn nhất Việt Nam đi, mọi chuyện bắt đầu như thế nào?
Đó cũng là một dự án xem chừng là khó nhất đấy. Nó áp lực về rất nhiều thứ, từ thời gian cho đến địa điểm, và ngoài tôi thì còn phòng ban của họ và các sếp lớn nữa. Dự án đó trải rất dài, và chỉ riêng yếu tố về mặt kịch bản cũng đã mang đến rất nhiều thách thức. Khi làm quảng cáo, ta không thể sáng tạo thoải mái theo ý muốn bản thân, mà ta bắt buộc phải khiến cho khách hàng hiểu mình muốn làm cái gì? Vậy nên có rất nhiều thứ để giải thích bằng ngữ nghĩa bằng hình ảnh, tiền kỳ… đều cực kỳ khó nói.
Dự án này kéo dài trong gần 2 năm. Tôi cực kỳ bất ngờ khi được chọn vào dự án, bởi thời điểm đó tôi vẫn chỉ là một đạo diễn trẻ (dù bây giờ vẫn trẻ). Mỗi năm, họ đều thuê những đạo diễn rất lớn từ nước ngoài về để làm sản phẩm, thì việc một đạo diễn trẻ như tôi được nhận dự án này, với một đề bài khó như thế - là một áp lực rất lớn.
Đề bài này vừa phải làm mọi thứ trong khuôn khổ, lại vừa được yêu cầu về sự sáng tạo. Nó đòi hỏi có sự đào sâu nghiên cứu rất nhiều và phải tìm điểm cân bằng giữa nhiều đầu mối. Từ điều kiện sản xuất, kỹ năng bản thân, sự sáng tạo, mong muốn của mình lẫn mong muốn của khách.
Và thử thách lớn nhất của bạn trong dự án đó là…?
Khó nhất trong dự án đó không phải là kỹ năng làm phim, cũng không phải kỹ năng suy nghĩ, mà đó là sự nghiên cứu và việc cân bằng với tiền kỳ.
Trong video đó có 10 dân tộc, chúng tôi lại chỉ có kinh phí quay trong 3 ngày. Tức là trung bình mỗi ngày phải quay được 3-4 dân tộc. Ban ngày sẽ chỉ quay được từ sáng đến 5 rưỡi chiều tùy địa hình. Mỗi bối cảnh lại quay 1 dân tộc khác nhau vậy nên để quay 3 dân tộc 1 ngày lại đòi hỏi các bối cảnh chỉ được cách nhau khoảng 3km. Đoàn quay từ 150-200 người, vậy nên việc di chuyển giữa các bối cảnh cần được tính toán kỹ lưỡng để tiết kiệm thời gian và công sức.
Ví dụ, tôi đến Hà Giang để thăm dò địa điểm, tôi tìm thấy 1 bối cảnh rất phù hợp cho 1 tính chất an toàn bay tương ứng với 1 dân tộc. Nhưng xung quanh đấy lại không có bối cảnh nào phù hợp cho những cảnh quay khác, nên tôi lại phải đi tỉnh khác để tìm địa điểm lại từ đầu. Trong suốt 1 năm đầu tiên, chúng tôi đã đi khắp các tỉnh thành Việt Nam để tìm những phương án phù hợp nhất. Nếu quay hồ sen ở Đồng Tháp, tôi phải quay dân tộc Kinh và dân tộc Chăm, bản thân 2 dân tộc đã có những tính chất khác nhau, vậy nên tôi lại phải nghĩ ra 1 set design phù hợp với dân tộc Chăm cũng như kinh phí của toàn bộ đoàn. Cuối cùng, chúng tôi lựa chọn 3 địa điểm để quay, đó là: Đồng Tháp, Pleiku và Thanh Hóa.
Toàn bộ quá trình làm video đó phải đưa sự sáng tạo vào rất nhiều, và phải làm sao để nó phù hợp với tất cả mọi thứ, chứ không phải ta cứ nghĩ ra cái gì là làm cái đó. Đứng ở vị trí đạo diễn, tôi phải thấu hiểu và tìm cách để vận hành công việc mọt cách trơn tru, phải hài hòa được cả việc sản xuất và sáng tạo, chứ không chỉ chăm chăm bắt người khác phải làm theo ý mình.
Cảnh quay nào khiến bạn đau đầu nhất?
Cảnh nào cũng …. khó. Ví dụ như đầm sen ở Đồng Tháp khó ở chỗ: Tôi muốn làm một sân khấu sen trong một đầm sen vô tận. Vậy nên chúng tôi phải phá một nửa cái hồ sen để đi vào và xây sân khấu, sau đó cắm lại hoa sen như cũ. Cắm được 1 nửa thì… sen héo. Ở Đồng Tháp thời điểm đó lại rất nắng, đến buổi chiều lội ra để quay, nước hồ nóng như nước sôi. Rồi đến gần tối thì bão lại ập đến, nhanh và to kinh khủng. Quay không gian thiên nhiên ngoài trời, dự án thì lớn, những yếu tố đó ta đâu lường trước được. Vậy nên tôi luôn trong tâm thế chuẩn bị, cũng may là tôi có kỹ năng VFX và luôn tìm cách xử lý mọi tình huống để không bị phụ thuộc vào thời tiết.
Trong rất nhiều sản phẩm của bạn, tôi cảm thấy tính bản địa của từng vùng đất được bạn thể hiện rất rõ nét. Điều ấy đến với bạn một cách tự nhiên hay đó luôn là mục đích mà bạn hướng tới?
Cả hai.
Đầu tiên thì lại là từ sự bướng bỉnh của tôi trong công việc. Ngày xưa khi mới làm, tôi hay nhận được những order của khách kiểu “Muốn giống phim Mỹ”, “Muốn ra chất Hàn”, “Muốn theo kiểu Nhật”. Tôi nghe thế thì… ngứa tai lắm. Tôi ghét sự đánh đồng và đóng khuôn rằng phải giống nước này mới là đẹp, giống nước kia mới hoành trang. Đấy là một sự thiên vị về văn hóa.
Tôi cũng chẳng phải là một người quá yêu thích văn hóa truyền thống đâu. Tôi thấy đó là một chất liệu đẹp. Nhưng bởi tôi quá khó chịu với những thiên kiến như thế, nên tôi luôn cố gắng chứng minh rằng: Mọi thứ đều có thể làm đẹp được nếu ta làm nó đúng cách.
Điều đó khiến tôi quan sát nhiều hơn. Tôi sinh ra và lớn lên từ đường phố Hà Nội, tập hiphop nên lê la ở khắp mọi nơi. Tôi rất thích cái sự sống ở Việt Nam, thứ mà khiến mọi nơi ở vùng đất này luôn “sống”. Nếu tôi sang nước ngoài, tôi sẽ thấy khu nhà sạch sẽ, tinh tươm và đều đặn, nhưng giống nhau. Ở Việt Nam lại khác, nó là một sự hỗn loạn và sự hỗn loạn ấy khiến mọi thứ “sống”. Những bức tường với rất nhiều thứ linh tinh được phủ lên, những kiến trúc mix giữa cả Hàn, Nhật và Mỹ, tất cả trộn vào nhau thành một thứ rất thời gian. Tôi rất thích cảm giác ấy và thích cả những chất liệu làm nên sự sống ấy.
Quá trình sáng tạo của bạn diễn ra như thế nào?
Tùy dự án. Tôi không có một quá trình cố định. Điều đó vừa tốt và là lợi thế, lại cũng là một nhược điểm. Tôi rất linh hoạt trong việc tạo ra một ý tưởng, có lúc nó đến bởi sự tưởng tượng của bản thân rồi tôi tối đa hóa nó lên. Nhưng đôi lúc lại chỉ bởi tôi cần phải giải đề bài đấy.
Khi nhận một đề bài, tôi thường phân tích nó ra. Khách hàng muốn hình ảnh kiểu này, thì sẽ cần màu sắc hay chất liệu gì để tạo nên hình ảnh như thế? Tương tự với ý tưởng, tôi cũng phân tích nhỏ các yếu tố để có thể tạo nên ý tưởng như khách hàng mong muốn.
Với những dự án mang tính cá nhân, tôi thường rất thích sự đối lập và những thứ cực đoan. Cực đoan ở đây không mang ý nghĩa tiêu cực, mà là sự cực đoan trong cách thể hiện, “làm quá” và phóng đại mọi thứ. Trong những dự án như vậy, tôi cũng đưa những cảm xúc trừu tượng của cá nhân vào làm chất liệu.
Bạn có nghĩ mình là một người có cái tôi cao không?
Có.
Điều đấy có làm ảnh hưởng đến bạn trong quá trình làm việc?
Cũng có. Nhưng nó lại là thứ khiến tôi nhận ra rằng: Cái tôi cao là một phần. Nhưng phần còn lại để đưa tôi đến những cột mốc cao hơn nữa lại là chuyện phải cân bằng được kỹ năng và cái tôi của mình.
Bạn đã có trong tay rất nhiều những sản phẩm thành công và được đánh giá cao về mặt sáng tạo. Điều đó có khi nào trở thành một áp lực với bạn, khi sản phẩm sau phải luôn tìm cách để lạ hơn, sáng tạo hơn, viral hơn?
Thật sự là không đâu. Bản chất tôi là một người làm kinh doanh, tôi có công việc kinh doanh của riêng mình. Tất nhiên là tôi có quan tâm đến chuyện làm sản phẩm được viral. Đó là sự thật nhưng không phải tất cả. Đối với tôi, việc làm hình ảnh giống như một cuộc dạo chơi, và tôi tập luyện để tìm ra con đường của mình nhiều hơn là việc cố gắng để làm mọi thứ kinh khủng hơn những gì mình đã làm. Tôi cũng có những áp lực đến từ bản thân và thường tự so sánh các sản phẩm của mình. Đôi khi tự tạo ra áp lực khi thấy những sản phẩm tốt trên thị trường để cố gắng làm tốt hơn. Với tôi, áp lực của những người xung quanh nghĩ gì về tôi không quan trọng bằng áp lực từ chính bản thân tôi có công nhận mình hay không.
Nhìn lại thì có sản phẩm nào mà bạn cảm thấy chưa hài lòng? Một sản phẩm với bạn là thất bại trong việc thuyết phục chính mình?
Không. Với tôi, gần như chắc chắn phải đến 90% những dự án tôi làm đều dồn hết 100% sức lực. Tôi đã cố gắng với bản thân mình rất nhiều, và cố cả trong việc hài hòa với những người xung quanh. Vậy nên để nói rằng liệu có dự án nào khiến tôi hối tiếc không thì câu trả lời là không.
Nhưng tôi không biết tại sao mà - chỉ là cảm giác cá nhân thôi - nhưng tôi thường mất hết cảm xúc với sản phẩm ngay khi tôi… post chúng lên mạng xã hội. Không hiểu sao lại thế chị à. Mọi thứ chỉ còn là kỷ niệm, anh em làm với nhau trong dự án đấy như thế nào, có những gì đã xảy ra,... còn những cảm xúc với video hay bộ ảnh ấy đều trở nên cực kỳ bình thường với tôi. Tôi thậm chí còn chẳng thấy chúng còn gì kinh khủng nữa, giống hệt mọi thứ khác.
Để nói về cảm giác thì việc kiếm được nhiều tiền từ thứ mình đam mê, từ công việc mình thích là cảm giác như thế nào với bạn?
Tôi chưa nghĩ nhiều về chuyện đấy bao giờ, nhưng nó là một việc bắt buộc ta phải làm thôi.
Với tôi, cái gì không phát triển, không đi lên thì nó sẽ mất đi. Hành trình này cũng giống một sự đấu tranh với bản thân. Ngày xưa tôi là một đứa rất indie, làm mọi thứ bằng quyết định của mình và không nghe ai cả. Đến một lúc, tôi phải nghe rất nhiều người và buộc phải học cách cân bằng, bởi tôi phải nghĩ cho những người xung quanh. Nếu không kiếm được tiền từ những thứ nhóm của mình làm thì tất cả mọi người sẽ không thể kết nối với nhau. Vậy nên việc buộc phải lớn lên, buộc phải đi xa hơn - là cái việc mà tôi cũng buộc phải làm. Tôi phải có những kế hoạch rõ ràng cho chuyện tương lai của nhóm, từ đó mọi bước đi và dự án tôi nhận đều phục vụ cho kế hoạch xa hơn đấy.
Đứng từ vai trò của một người đã có kinh nghiệm đi, làm thế nào để ta có thể tìm ra được thứ mình giỏi nhất, để rồi đóng gói và bán cho người trả giá cao nhất cho chất xám của mình?
Tôi nghĩ mọi thứ luôn được quyết định bằng cái cốt lõi của nó. Nếu bán ý tưởng thì ý tưởng phải là thứ lớn nhất. Vậy nên có một lời khuyên thì tôi khuyên các bạn hãy luyện tập thật nhiều và hãy sáng suốt trong cách mình đi tới. Tôi không khuyên rằng hãy kiếm tiền ngay lập tức đi, bởi tiền nó là một thứ… chẳng to lớn cho lắm. Ví dụ, tôi làm 1 dự án 50 triệu, đôi khi cũng thấy nó hay hơn những dự án 4-5 tỷ. Những con số đó chẳng quyết định nhiều lắm đâu, quan trọng là người cầm nó sử dụng số tiền ấy như thế nào, và chất xám ta bỏ ra tới đâu. Vậy nên, hãy luôn nhớ rằng nếu làm về ý tưởng thì chính ý tưởng, kiến thức và năng lượng khi làm việc mới là điều quan trọng nhất.
Để mà nói về cá nhân thì bạn có nghĩ mình là một người có nhiều nguyên tắc khi làm việc?
Có.
Đó là?
Trung thực. Thẳng thắn. Sự hết mình. Còn thông minh hay cách xử lý tình huống sẽ là những thứ đi sau.
Câu hỏi cuối cùng đây: Đối với bạn, nghệ thuật là gì?
Ở thời điểm hiện tại, quan điểm của tôi về nghệ thuật vẫn không thay đổi. Đó là một sản phẩm được đẩy đến mức độ cực đoan, mọi thứ đều đến được điểm cuối cùng của nó. Kỹ năng tốt nhất, cảm xúc mạnh nhất, một thứ có thẩm mỹ đẹp nhất. Khi hài hòa được những yếu tố đấy và ra một tổng thể hoàn chỉnh duy mỹ, thì đó là nghệ thuật.
Cao siêu vậy thôi, nhưng với tôi thì cái gì cũng là nghệ thuật cả, ai cũng có thể là nghệ thuật được ấy. Tôi mua một ly sinh tố ngon thì cũng thấy nó… nghệ phết. Ai cũng có thể làm nghệ sĩ và nghệ thuật chẳng nề hà bất cứ công việc gì.
Đấy là cách nhìn của tôi, còn với người khác thì…. tôi không biết. Nhưng tôi nghĩ mình là người có thể nhìn được sự nghệ thuật trong nhiều hoạt động của đời sống.