Việc tính số ca tử vong hàng ngày do đại dịch Covid-19 trên thế giới là một công việc phức tạp và nhạy cảm, do dữ liệu cho công việc này thường không đầy đủ còn phương pháp thì khác biệt giữa các nước.
Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân đã tử vong tới một xe tải có máy lạnh dùng làm nhà xác tạm thời tại Trung tâm Bệnh viện Brooklyn ở thành phố New York vào ngày 9/4/2020. New York là một tâm dịch Covid-19 ở Mỹ. Ảnh: AFP.
Đức, Luxembourg, Hàn Quốc, và Tây Ban Nha đếm tất cả các ca tử vong của những người dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 cho dù những bệnh nhân này qua đời ở bệnh viện hay nơi nào khác. Bệnh viện hay trại dưỡng lão.
Tại Bỉ, nơi các trại dưỡng lão chính thức chiếm hơn một nửa số ca tử vong do Covid-19, các con số thống kê bao gồm cả những người chưa được xét nghiệm nhưng bị nghi nhiễm virus gây bệnh chết người này.
Pháp cũng đếm số ca tử vong ở trại dưỡng lão. Hiện các cơ sở này chiếm hơn 1/3 tổng số ca tử vong do Covid-19 ở quốc gia này.
Các nước khác, như Trung Quốc và Iran, hàng ngày chỉ tính các ca tử vong ở bệnh viện.
Tình hình ở Anh cũng phức tạp không kém. Những con số thống kê hoàn chỉnh hơn sẽ được Cục Thống kê Quốc gia của Anh công bố hàng tuần, nhưng với độ lùi về thời gian là 10 ngày. Đã vậy, các số liệu này không bao gồm các trường hợp tử vong ở Scotland và Bắc Ireland.
Tại Italy, nơi có số ca tử vong chính thức do Covid-19 cao nhất châu Âu, chỉ có các trại dưỡng lão là điểm nóng về Covid-19 là được tính.
Ở Mỹ, nơi ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới (với gần 60.000 người, tính đến ngày 29/4/2020), tình trạng thống kê còn khác biệt giữa bang này với bang khác. Chẳng hạn, bang New York có tính các trường hợp chết tại trại dưỡng lão, còn California thì không.
Chết do Covid-19 hay chết do bệnh lý khác?
Một số nước như Bỉ, Anh, Italy, Luxembourg, Hàn Quốc, và Tây Ban Nha đưa vào danh sách tử vong tất cả trường hợp dương tính với virus corona chủng mới, thậm chí bao gồm cả những người chết do các biến chứng từ một bệnh lý nền.
Iran không tính những bệnh nhân chết do một bệnh hô hấp nghiêm trọng khác, cho dù họ dương tính với Covid-19.
Ở Mỹ, đang có ngày càng nhiều người phàn nàn rằng người thân của họ chết với lý do chính thức là do viêm phổi trước khi các cuộc xét nghiệm Covid-19 trở nên sẵn có.
Ở Đức, người ta không phân biệt số liệu thống kê giữa những người tử vong trực tiếp do Covid-19 và những người qua đời do bệnh lý nền. Chính việc không phân biệt này đã gây tranh cãi giữa viện dịch tễ học quốc gia của Đức với các khu vực của nước này, nơi người ta ghi nhận số ca tử vong thấp hơn do họ tiến hành khám nghiệm tử thi để xác định chính xác nguyên nhân tử vong.
Thiếu hoặc chậm xét nghiệm
Trong thời kỳ dịch bệnh, sẽ vẫn mất thời gian để thu thập và xử lý thông tin, dù cho người ta có cố gắng đến thế nào trong việc đẩy nhanh tốc độ, theo Gilles Pison và France Mesle, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Nhân khẩu học Pháp.
“Bạn cần vài tuần hoặc vài tháng để có thể xác định chính xác tất cả các ca tử vong”, hai chuyên gia nói trên cho biết.
Ở Mỹ, ngay cả khi không có xét nghiệm, các giấy chứng tử phải đề cập liệu Covid-19 “có thể” là nguyên nhân gây tử vong hay không. Nhưng các giấy chứng tử này cũng cần có thời gian và sẽ không kịp làm nguồn dữ liệu cho các cập nhật sớm theo giờ thực.
Các dữ liệu do ngành tư pháp thu thập thì lỏng lẻo hơn và cho ra số tử vong cao hơn nhiều. Giới chức pháp lý ở khu vực Castilla La Mancha của Tây Ban Nha, hồi tháng 3 ghi nhận số ca tử vong cao gấp 3 lần so với con số của giới y tế. Giới pháp lý vùng này tính cả các trường hợp tử vong do Covid-19 và nghi do Covid-19.
Ở Bergamo trong vùng tâm chấn Covid-19 của Italy, người ta ghi nhận được thêm 108 ca tử vong vào nửa đầu tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, tức là tăng thêm tới 193%, nhưng chỉ có 31 ca tử vong trong số đó là có liên quan đến virus SARS-CoV-2.
Những khía cạnh khác
Một số nước bị cho là đã đưa thông tin thiếu đầy đủ về số ca tử vong do Covid-19 ở nước họ.
Chẳng hạn Iran bị Mỹ tố là không công bố con số thật về người chết do Covid-19 ở quốc gia Tây Á này.
Trung Quốc thì bị không chỉ Mỹ mà còn vài quốc gia phương Tây nữa chỉ trích là đã quản lý khủng hoảng Covid-19 kém hiệu quả. Trên thực tế, vào ngày 17/4/2020, Trung Quốc đã điều chỉnh nâng số ca tử vong ở quốc gia này tăng thêm gần 40%.
Còn tại thành phố Vũ Hán, nơi dịch Covid-19 khởi phát, vừa tính thêm 1.300 ca tử vong nữa và cho biết một số nạn nhân đã không được tính vì họ chết tại nhà./.