Chưa đầy 1 tháng trước, tương lai của Ấn Độ - dưới con mắt của các chuyên gia - trở nên thật ảm đạm.
Các chuyên gia dự đoán Ấn Độ sẽ phải đối mặt với hàng triệu ca nhiễm virus corona. Giới y bác sĩ cảnh báo quốc gia cần chuẩn bị cho đợt càn quét ghê gớm bậc nhất, có thể làm tê liệt hệ thống y tế vốn được xem là yếu kém. Một số người hướng ánh nhìn ái ngại vào những khu ổ chuột, nơi hàng triệu người sống chen chúc trong khi điều kiện vệ sinh cơ bản cũng không có.
Nhưng thực tế thì sao? Quốc gia đông dân thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc) dường như đã tránh được tình cảnh tồi tệ ấy. Ngày 28/4, Ấn Độ công bố tổng cộng có 31.360 ca nhiễm, với 1008 trường hợp tử vong. Quy ra tỉ lệ trên quy mô dân số, nó rơi vào khoảng 0,76 phần triệu. Nếu so với Mỹ - đất nước có số dân ít hơn gần 4 lần, tỉ lệ ở đó là 175 trên 1 triệu người.
Thủ tướng Narendra Modi phát biểu vào ngày 14/4 trên kênh truyền hình quốc gia Ấn Độ
Một số chuyên gia tin rằng, con số này cho thấy biện pháp phong tỏa toàn quốc để ngăn cản Covid-19 lây lan của Ấn Độ dường như đã có hiệu quả. Theo lời chia sẻ của thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã hành động sớm, không để cho dịch bệnh leo thang mà kéo dài thời hạn phong tỏa tới tận ngày 3/5. "Tôi không thể tưởng tượng tình hình sẽ kinh khủng như thế nào nếu không quyết định phong tỏa nhanh chóng," - Modi tuyên bố vào ngày 14/4.
Tuy nhiên trên thực tế, sự thật đằng sau những con số của Ấn Độ có lẽ phức tạp hơn tưởng tượng, và các chuyên gia cảnh báo vẫn còn quá sớm để ăn mừng.
"Vào lúc này, có vẻ virus chưa gây được quá nhiều tổn hại như những gì đã lo sợ," - Srinath Reddy, chủ tịch Quỹ Y tế Công cộng Ấn Độ cho biết. "Nhưng tôi không nghĩ mọi chuyện đã hoàn toàn chấm dứt."
Ngày 24/3, thủ tướng Modi tuyên bố toàn quốc sẽ bước vào giai đoạn phong tỏa kéo dài 3 tuần, với quy mô được đánh giá là "chưa từng có tiền lệ". Ngay cả Trung Quốc - đất nước duy nhất đông dân hơn Ấn Độ cũng chỉ ban hành lệnh phong tỏa từng thành phố, chứ không phải quy mô toàn quốc.
Đây thực sự là một quyết định hết sức khắc nghiệt. Phong tỏa toàn quốc đồng nghĩa với việc hàng triệu công nhân đang phải gom từng đồng mỗi ngày bị mất thu nhập. Nhưng nếu không làm vậy, hệ thống y tế của Ấn Độ chắc chắn sẽ quá tải. Một mô hình dự đoán đã chỉ ra rằng nếu không ban hành cách ly xã hội, sẽ có 150 triệu người Ấn Độ nhiễm bệnh vào tháng 6/2020. Ngày 24/4, một số quan chức y tế cấp cao tại Ấn Độ cho rằng số người nhiễm đáng lẽ đã lên tới hơn 100.000, nếu không có lệnh phong tỏa này.
Quyết định của Ấn Độ được đánh giá là khá nhanh chóng, ban hành ở thời điểm đất nước ghi nhận 519 ca dương tính. Trong khi đó ở Ý, phải đến khi có hơn 9200 ca nhiễm họ mới phong tỏa. Còn ở Anh là 6700.
Ấn Độ vắng vẻ ngày phong tỏa
Ramanan Laxminarayan - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến động bệnh dịch, Kinh tế và Chính sách tại Washington DC và New Delhi cho biết, việc phong tỏa khi số ca dương tính còn thấp đã giúp giảm khả năng lây nhiễm của dịch bệnh.
Trong vòng 1 tuần sau lệnh phong tỏa, có 2 ca tử vong vì Covid-19 tại các khu ổ chuột đông đúc của thủ đô Mumbai. Nạn nhân thứ 2 đã kéo theo việc thân nhân được xét nghiệm và cách ly, đồng thời khiến 300 hộ gia đình cùng 90 cửa hiệu xung quanh bị phong tỏa.
Không chỉ phong tỏa, Ấn Độ trước đó đã thực hiện một số phương pháp phòng ngừa khác. Ngày 11/3, Ấn Độ đình chỉ toàn bộ thị thực du lịch, đồng thời thông báo mọi du khách từng ở vùng dịch sẽ phải cách ly trong 14 ngày. Ngày 22/3, toàn bộ các chuyến bay thương mại quốc tế bị cấm, tàu hỏa cũng ngừng hoạt động trên phạm vi toàn quốc.
Để so sánh thì tại Mỹ, lệnh hạn chế chỉ được áp dụng với du khách từ Trung Quốc, Iran và các quốc gia châu Âu mà thôi.
Người lao động Ấn Độ lũ lượt về quê trước lệnh phong tỏa
Tình hình dịch bệnh ở một quốc gia sẽ phụ thuộc vào con số thống kê. Và con số ấy thì đến từ việc xét nghiệm.
Theo Bộ y tế Ấn Độ, đất nước của họ đã thực hiện 625.000 xét nghiệm tính đến ngày 26/4 - nhiều hơn cả Hàn Quốc - nước được ca ngợi vì đã áp dụng xét nghiệm diện rộng để kiểm soát dịch.
Trên thực tế, các chuyên gia y tế khi đánh giá về khả năng xét nghiệm của một quốc gia, họ không nhìn vào con số tổng, mà đánh giá tỉ lệ dương tính. Nếu tỉ lệ dương tính cao, có nghĩa đất nước ấy chỉ tập trung xét nghiệm vào những trường hợp nghiêm trọng nhất - đã có triệu chứng hoặc đã nhập viện. Theo Mike Ryan - giám đốc y tế khẩn cấp của WHO, tỉ lệ "đẹp" nhất là cứ 10 ca âm tính lại có 1 dương tính, nghĩa là 10%.
Mẫu xét nghiệm tại Ấn Độ
Tại Ấn Độ, số liệu của bộ y tế cho thấy tỉ lệ là 4% - thấp hơn rất nhiều so với Mỹ (17%) và Anh (21%).
Một phương pháp đánh giá khác là dựa vào tỉ lệ tử vong. Tại Ấn Độ, tỉ lệ tử vong trên số người nhiễm là 3%, cũng nhỏ hơn so với Ý, Anh và Pháp (13%). Điều này cho thấy, Ấn Độ đã làm xét nghiệm cho cả những người không có triệu chứng.
Tuy nhiên điểm đáng lưu ý là tỉ lệ xét nghiệm trên quy mô dân số của Ấn Độ thì lại rất nhỏ, với chỉ 48:100.000 người. Tại Hàn Quốc, con số lên tới 1175, trong khi Mỹ là 1740.
Samir Saran, chủ tịch Quỹ quan sát nghiên cứu cho biết ông không thấy mừng vì những con số này. Một số chuyên gia nhận định việc xét nghiệm diện rộng với một quốc gia như Ấn Độ là không khả thi và lãng phí nguồn lực, nhưng Saran tin rằng đây là điểm đất nước cần phải chú ý. Nhất là khi dân cư tại Ấn Độ phải di chuyển thường xuyên giữa các vùng để làm việc.
Công nhân Ấn Độ sắp xếp giường bệnh tại trung tâm cách ly ở Guwahati
Dẫu vậy, Srinath Reddy nhận định các bác sĩ tại Ấn Độ có lẽ đã tập trung nhắm đến các ca nặng hoặc tương đối nghiêm trọng. Nếu có một lượng lớn các ca Covid-19 đang lẩn khuất mà không được xét nghiệm, các bệnh viện hẳn phải quá tải ngay lập tức, và cộng đồng sẽ xuất hiện các triệu chứng giống cúm. Mà thực tế, chưa có chuyện đó xảy ra, dù có nhiều bằng chứng cho thấy Covid-19 gây ra các triệu chứng khác hẳn so với cúm.
Tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ được nhận định là chưa đến mức nghiêm trọng, nhưng mới chỉ có 22% các ca tử vong được xét nghiệm y tế. Điều đó có nghĩa rằng, rất nhiều trường hợp tử vong khác không có lý do chính thức.
Theo CNN, có một số bằng chứng cho thấy nhiều trường hợp tử vong không được xác định. Một bác sĩ giấu tên tại một trong các bệnh viện công của Ấn Độ chia sẻ có những ca tử vong được đưa tới bệnh viện đã không được xét nghiệm, dù có đề cập nghi vấn ở đó.
Hình ảnh trong một khu ổ chuột của Ấn Độ
"Nếu người chết có lịch sử tiếp xúc với người dương tính, chúng tôi sẽ xử lý thi thể tương tự như các bệnh nhân dương tính," - vị bác sĩ cho biết. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng ở mức độ này, có vẻ vẫn chưa có làn sóng tử vong lớn nào trong cộng đồng.
"Dù chúng tôi không xét nghiệm đủ, cũng không điều tra được hết, nhưng thực tế thì thi thể người chết không đến nỗi chất chồng trong bệnh viện, nhà xác hay khu chăm sóc tích cực. Điều đó có nghĩa chúng tôi đang ở giai đoạn khá nhẹ nhàng," - Saran nhận định. Ngoài ra, con số chính xác sẽ cần phải đợi tương lai trả lời.
Tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ về cơ bản được khống chế ở mức khá nhỏ khi so với các nước khác, nhưng vẫn chưa thể ăn mừng.
Hiện tại đang có nhiều ý kiến trái chiều về chuyện sẽ xảy ra sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ vào ngày 3/5. Liệu các ca nhiễm có tăng lên nhanh chóng, hay lệnh phong tỏa đã giúp kìm hãm số ca lây nhiễm một cách có hiệu quả?
"Số ca sẽ tăng rất nhanh ngay sau khi dỡ phong tỏa," - Oommen Kurrian, một chuyên gia cấp cao của Quỹ quan sát nghiên cứu nhận định. "Ấn Độ đã rất thành công trong việc kìm hãm dịch bệnh. Nhưng vấn đề là chúng ta không thể kìm được nó mãi mãi."
Cảnh sát Ấn Độ đội mũ virus để... dọa người dân ở trong nhà
Tình hình dịch bệnh của Ấn Độ sẽ phụ thuộc vào việc những hạn chế nào được đưa ra sau khi hết phong tỏa. Bởi "hết phong tỏa không có nghĩa là chúng ta đã thắng dịch bệnh và cuộc sống trở lại bình thường," - Reddy cho biết.
Các chuyên gia cho rằng yêu cầu giãn cách xã hội vẫn phải được duy trì, dù một số bang có thể áp dụng mềm mỏng hơn. Một số bang khác như Uttar Pradesh - bang đông dân nhất Ấn Độ thậm chí còn kéo dài lệnh cấm tụ tập nơi công cộng đến hết tháng 6. Laxminarayan thì cảnh báo, nếu không thực hiện giãn cách xã hội và các quy tắc vệ sinh căn bản, hệ thống y tế sẽ sớm gặp rắc rối.
Một trong những rắc rối đặc thù mà Ấn Độ không thể giải quyết, đó là áp dụng phong tỏa theo độ tuổi: người già phải ở trong nhà, còn người trẻ được quay lại làm việc. Vấn đề nằm ở chỗ, Ấn Độ có dân số khá trẻ với 44% dưới 24 tuổi (Ý là 23%, Trung Quốc là 29%), và đa số đều sống trong các gia đình đa thế hệ, nghĩa là có sự tiếp xúc nhất định giữa người trẻ và thế hệ cao tuổi hơn.
Ấn Độ sử dụng cả drone (thiết bị bay không người lái) để kiểm soát người dân trong lúc phong tỏa
"Điều này khiến người già Ấn Độ chịu rủi ro rất cao nếu lây nhiễm từ các thế hệ sau," - Laxminarayan cho biết.
Hơn nữa, Ấn Độ vẫn còn rất nhiều việc cần phải giải quyết. Chính phủ cần phải hỗ trợ lực lượng lao động "không chính thức", những người chịu tác động rất mạnh từ lệnh phong tỏa. Hơn nữa, hệ thống y tế cần phải được cải thiện, đề phòng làn sóng dịch bệnh quay trở lại vào mùa đông.
"Đây không phải là thách thức trong 1-2 tháng, mà là suốt cả năm," - Saran cho biết. "Bài kiểm tra này có thể kéo dài tới 18 tháng, để xem cách phản ứng của chính phủ với cộng đồng, đất nước và từng tiểu bang."