Phụ nữ Hàn Quốc thách thức những chuẩn mực sắc đẹp

Hoàng Cường, Theo An ninh Thủ đô 08:54 17/01/2019
Chia sẻ

Ngày nay, càng nhiều phụ nữ thách thức quan điểm của người Hàn Quốc đối với sắc đẹp như một phần của phong trào nữ quyền đang lan rộng tại nước này.

Phụ nữ Hàn Quốc thách thức những chuẩn mực sắc đẹp - Ảnh 1.

Các cô gái Hàn Quốc thường trang điểm để trông tự tin hơn

Dũng cảm xóa bỏ lớp trang điểm dày cộp

Giống như nhiều phụ nữ ở Hàn Quốc, Bae Eun-jeong không bao giờ rời khỏi nhà mà không trang điểm. Cô ghét khuôn mặt tự nhiên của mình. Quá trình trang điểm của Bae thường mất 2 giờ, đến mức cô dành ít thời gian ăn, ngủ hơn để làm đẹp trước khi đến trường. Ngay cả một chuyến đi đơn giản từ nhà cô đến siêu thị cũng mất rất nhiều thời gian chuẩn bị. “Nếu tôi ra ngoài mà không trang điểm, tôi không tự tin lắm. Tôi cảm thấy xấu hổ khi có ai đó nhìn mình. Tôi ghét khuôn mặt của mình”, cô gái 21 tuổi nói, “Ngay cả khi tôi chỉ ra ngoài trong một giờ, tôi sẽ trang điểm trước”.

Bae được biết đến nhiều hơn với cái tên Lina Bae, một ngôi sao YouTube, chuyên hướng dẫn tư vấn làm đẹp cho các cô gái. Đầu năm nay, khi bình luận về các video của mình, cô thấy những người hâm mộ trẻ tuổi bày tỏ rằng họ cảm thấy “xấu hổ khi ra ngoài với mặt mộc”. “Các cô gái xung quanh tôi đều trang điểm”, một người bình luận, “Tôi không muốn, nhưng tôi cảm thấy mình nên làm thế”. Một người khác nói: “Tôi không tự tin lắm về vẻ ngoài của mình - làm thế nào để tôi tự tin hơn?”.

Bae đã rất sốc khi thấy có những bé gái ở tuổi 13 lo lắng về ngoại hình của mình. Các ý kiến bình luận khiến cô đặt câu hỏi về trách nhiệm xã hội của mình. Bae quyết định thay đổi bản thân và dũng cảm đăng một video có tiêu đề “Tôi không đẹp”, trong đó cô xóa bỏ lớp trang điểm dày cộp mà cô vẫn mang hàng ngày, đồng thời chia sẻ những bình luận không mấy thiện cảm mà cô nhận được trong quá khứ, chẳng hạn như “Nếu tôi có khuôn mặt của cô ấy, tôi sẽ tự sát”. Ở cuối video, Bae mỉm cười và nói với các cô gái “không trang điểm cũng không sao, chỉ cần là chính mình”.

“Tôi đã đăng video lên vì tôi muốn nhiều phụ nữ thoát khỏi sự áp đặt. Tôi muốn chia sẻ rằng bạn không cần phải thay đổi bản thân vì cách người khác nhìn bạn”, Bae cho biết.

Nhận thức về nữ quyền tăng lên

Ngày nay, Bae là một trong số nhiều phụ nữ thách thức quan điểm của người Hàn Quốc đối với sắc đẹp như một phần của phong trào nữ quyền có tên “escape the corset” (phong trào kêu gọi phụ nữ thoát khỏi những tiêu chuẩn bó buộc về cái đẹp mà xã hội áp đặt lên phụ nữ Hàn Quốc như phẫu thuật thẩm mỹ, trang điểm). “Về cơ bản, bạn có thể thấy phong trào “escape the corset” là một thách thức đối với một xã hội do nam giới thống trị”, Lee Na-young, Giáo sư xã hội học tại Đại học Chung-Ang ở Seoul nói.

Phụ nữ cũng đã hành động thông qua một phong trào đình công trên toàn quốc. Vào ngày chủ nhật đầu tiên hàng tháng, phụ nữ được khuyến khích không mua quần áo hay trang điểm, cắt tóc hay làm tóc, hoặc “bất kỳ hành động nào đóng góp cho ngành công nghiệp làm đẹp”, theo Giáo sư Lee. “Bây giờ, nhiều phụ nữ đang chọn phong trào “escape the corset” để thực hành nữ quyền trong cuộc sống hàng ngày của họ”, bà Lee nói thêm.

Sắc đẹp là ngành kinh doanh lớn ở Hàn Quốc. Đất nước này nằm trong số 10 thị trường làm đẹp lớn nhất thế giới với giá trị khoảng 13 tỷ USD trong năm 2017, theo công ty thu thập thông tin thị trường Mintel.

Hàn Quốc từ lâu được biết đến là “Thủ đô phẫu thuật thẩm mỹ của thế giới”, với khoảng 22% phụ nữ nói rằng họ đã đi phẫu thuật thẩm mỹ. Khoảng một nửa trong số họ đồng ý rằng họ làm như vậy “bởi vì ngoại hình rất quan trọng trong cuộc sống”. “Phụ nữ đang đầu tư thời gian, công sức, năng lượng và tiền bạc để trông đẹp hơn trước đàn ông”, bà Lee nói thêm.

Trong một xã hội vẫn còn “trọng nam khinh nữ” sâu sắc, những phụ nữ Hàn Quốc không tuân thủ các tiêu chuẩn sắc đẹp có thể đối mặt với hậu quả. Vào tháng 11-2018, một chi nhánh của cửa hàng cà phê nhượng quyền Yogerpresso đã sa thải một nữ nhân viên đúng ngày đầu tiên đi làm sau khi cô xuất hiện với mái tóc ngắn và không trang điểm. Công ty sau đó đã xin lỗi và đề nghị bồi thường, và được cô chấp nhận.

Mặc dù phong trào nữ quyền ở Hàn Quốc vấp phải không ít trở ngại, nhưng nhận thức về nó đang tăng lên. Chuỗi cửa hàng sách lớn nhất của Hàn Quốc, Kyobo, báo cáo doanh số bán sách nữ quyền tăng 19% vào tháng 11 năm ngoái so với cùng kỳ năm trước. “Trước khi phong trào “escape the corset” trở nên phổ biến, mọi người đã không ngần ngại nói “bạn thật xinh đẹp”. Họ nghĩ đó là một lời khen”, Oh, 20 tuổi nói, “Nhưng bây giờ mọi người bắt đầu nhận ra rằng đó không phải là một lời khen và đó là ngôn ngữ giới hạn mọi người trong các tiêu chuẩn mà họ mong đợi”.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày