Sau khi công bố điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 công lập đợt 1, ngày 18/7 vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã cho phép 2 trường THPT tuyển nguyện vọng “tràn” trên toàn thành phố.
Đó là Trường THPT Minh Quang và Trường THPT Phúc Lợi được tuyển thêm 166 học sinh vào học trường công lập. Điều kiện đối với Trường THPT Minh Quang là học sinh có điểm xét tuyển từ 12 điểm trở lên và Trường THPT Phúc Lợi điều kiện là có điểm xét tuyển từ 16,50 điểm trở lên.
Phúc Lợi cũng là trường mở rộng cửa cho thí sinh khi còn hơn 100 chỉ tiêu cần tuyển bổ sung.
Ngoài 2 trường công lập cần tuyển bổ sung chỉ tiêu, năm học 2025-2026, thành phố Hà Nội đưa vào hoạt động 2 ngôi trường vừa xây xong. Sở GD&ĐT Hà Nội giao thêm 900 chỉ tiêu cho hai trường này gồm: Trường THPT Phúc Thịnh (Xã Phúc Thịnh) và Trường THPT Đỗ Mười (Phường Yên Sở).
Năm nay, Hà Nội cho phép 4 trường tuyển "tràn tuyến" với hơn 1.000 chỉ tiêu.
Điều kiện là, học sinh chỉ cần có điểm xét tuyển từ 12 điểm trở lên (tương đương 4 điểm/môn) đã có thể nộp hồ sơ. Căn cứ vào lượng hồ sơ nộp vào, nhà trường sẽ xét từ trên xuống dưới cho đến khi hết chỉ tiêu.
Điều đáng nói, trong tất cả 4 trường tuyển sinh toàn thành phố hay còn gọi là tuyển "tràn tuyến" như năm nay, điều kiện bắt buộc là các em phải trượt tất cả nguyện vọng vào công lập mới được đăng ký.
Điều này, khiến nhiều phụ huynh tiếc nuối khi trước đó, con đã trúng tuyển nguyện vọng 3 nhưng xa nhà không thể học.
Chị H, một phụ huynh ở Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ, kết quả thi vào lớp 10 của con năm nay là 15,5 điểm, trượt nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2. Đáng tiếc, con lại đỗ nguyện vọng 3 vào Trường THPT Tự Lập, cách nhà hơn 30 cây số.
Khi đăng ký nguyện vọng, giáo viên tư vấn, học sinh tận dụng hết cơ hội đặt nguyện vọng của mình để tăng tỉ lệ trúng tuyển. Trong đó, trường nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 trong cùng một khu vực tuyển sinh, nguyện vọng 3 nên đặt ở một trường điểm thấp để tăng khả năng trúng tuyển.
Theo chị H., khi đó, chị đã băn khoăn về việc trường cách nhà khá xa, không thể đưa đón mỗi ngày hơn 60 cây số. Con ở độ tuổi nhạy cảm, cũng chưa tin tưởng cho đi thuê trọ, học lớp 10 tuy nhiên giáo viên vẫn khuyên, gia đình nên đăng ký cả 3 nguyện vọng sẽ tốt hơn.
“Tuy nhiên, khi Sở GD&ĐT cho phép trường THPT Phúc Thịnh tuyển tràn tuyến, lại là trường ngay sát nhà và con thừa điểm nhưng không đủ điều kiện nộp hồ sơ. Giá mà tôi đừng đăng ký nguyện vọng 3, trượt tất cả các nguyện vọng giờ con có cơ hội học trường công lập”, chị H, tiếc nuối nói.
Tương tự, một phụ huynh khác ở nội đô cho biết, 3 bài thi con đạt 21 điểm nhưng trượt nguyện vọng 1, 2 và trúng tuyển nguyện vọng 3 một trường THPT ở Ba Vì.
Theo phụ huynh này, khi chuẩn bị đăng ký nguyện vọng vào lớp 10, gia đình không có ý định đăng ký nguyện vọng 3 vì trường ở gần điểm chuẩn cao, trường ở ngoại thành xa, không thể đưa đón.
“Tuy nhiên, cô giáo chủ nhiệm khuyên phụ huynh cho con đăng ký nguyện vọng 3 là một trường công lập ở xa để trường vẫn được tính tỉ lệ học sinh đỗ công lập nên chị đồng ý. Không ngờ, đây lại là việc khiến con không được nộp hồ sơ vào trường công lập tuyển tràn tuyến. Cho con học dân lập gia đình lại quá khó khăn”, phụ huynh này nói.
Cẩn trọng khi đặt nguyện vọng
Theo công bố số lượng học sinh đăng ký các nguyện vọng vào lớp 10 THPT công lập năm 2025 cho thấy, ở các trường top dưới, học sinh đăng ký nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 cao đột biến. Có những trường, nguyện vọng 1 thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh nhưng nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 cao gấp 15 lần.
Điển hình như Trường THPT Tự Lập có hơn 6.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng 3, trong khi nguyện vọng 1 chỉ có hơn 400 em; Trường THPT Bắc Lương Sơn có gần 3.600 học sinh đăng ký nguyện vọng 3; THPT Đại Cường có gần 2.800 học sinh đăng ký nguyện vọng 3; THPT Lưu Hoàng hơn 3.100 em đăng ký nguyện vọng 3…
Hiệu trưởng một trường THPT top dưới cũng thừa nhận, học sinh đăng ký nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 lên tới gần 5.000 em nhưng không đặt kỳ vọng các em nhập học.
“Bởi các em ở nội đô, đường sá đi lại không thuận tiện. Hằng năm, đối với nguyện vọng 3, sẽ chỉ có khoảng 5% em nhập học. Số còn lại phụ huynh quyết định chọn con đường khác”, theo hiệu trưởng này,
Nhiều phụ huynh cho biết, việc đăng ký nguyện vọng 3 thường để “cho có” vì trường cách nhà quá xa, đỗ cũng không thể đi học. Thậm chí, có phụ huynh đăng ký “bừa”, chưa biết địa chỉ trường nguyện vọng 3 ở đâu, chỉ biết cách nhà chừng 40-50 cây số.
Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập, Hà Nội quy định mỗi thí sinh được đăng ký 3 nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1,2 phải cùng một khu vực tuyển sinh, nguyện vọng 3 có thể khác khu vực tuyển sinh.
Sau khi có điểm thi, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ xét điểm chuẩn của từng trường THPT, sau đó sẽ hạ điểm chuẩn hoặc tuyển bổ sung (nếu có). Việc tuyển bổ sung bao nhiêu chỉ tiêu, phụ thuộc vào từng trường, từng năm nên khó có thể xác định được trước.
Như năm ngoái, đã xảy ra chuyện hi hữu khi Trường THPT Đoàn Kết, vốn là trường ở top giữa phải tuyển tràn tuyến bổ sung chỉ tiêu.
Năm học 2025-2026, ngoài 2 trường điểm thấp, tuyển sinh bổ sung toàn thành phố còn có 2 ngôi trường vừa được hoàn thiện, cấp phép để kịp đi vào hoạt động trong năm nay. Việc Hà Nội giao chỉ tiêu, phương án tuyển sinh buộc phải công bố sau khi có điểm. Tuy điều kiện nộp hồ sơ là 12 điểm nhưng trường sẽ lấy từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu nên chưa thể xác định được mức điểm trúng tuyển vào trường.
Từ câu chuyện tuyển sinh thực tế trong năm nay, thiết nghĩ, trong quá trình lựa chọn các nguyện vọng, học sinh và phụ huynh cần phải suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ trước khi đặt bút. Việc giáo viên tư vấn học sinh nên lựa chọn trường nào là căn cứ trên năng lực học tập của từng em nhưng chính học sinh, phụ huynh mới là người quyết định.