Hè rảnh rỗi, bố mẹ cứ cho con đến 4 nơi này: Chi phí 0 ĐỒNG nhưng con lại được phát triển toàn diện không ngờ!

Thanh Hương, Theo Đời sống & Pháp luật 13:52 21/07/2025
Chia sẻ

Hè này, đừng để con "chơi không mục đích".

Một bà mẹ chia sẻ, con trai chị, 6 tuổi mỗi lần gặp một chút thất bại hay bị người lớn nhắc nhở, là lại nổi nóng, la hét om sòm. Trong sinh hoạt hằng ngày, cậu bé chỉ thích nghe lời khen, tuyệt đối không chịu tiếp thu lời phê bình. Dù làm sai, bé cũng không cho ai góp ý. Gặp khó khăn, bé không có thói quen tự tìm cách giải quyết, mà luôn trông chờ người lớn giúp đỡ.

Khi chơi với bạn bè, cậu bé thường xuyên mâu thuẫn với các bạn, khiến không có nhiều người muốn chơi cùng. Điều này khiến cha mẹ lo lắng vô cùng.

Thực tế, trong quá trình nuôi dạy con, nhiều phụ huynh từng gặp tình huống tương tự. Khi con còn nhỏ, những biểu hiện ấy có thể chưa ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng nếu trẻ dần lớn lên mà vẫn không thể độc lập đối mặt với thử thách, điều đó sẽ gây cản trở lớn đến sự phát triển.

Khả năng chịu đựng áp lực hay vượt qua khó khăn gọi là chỉ số AQ (Adversity Quotient), chính là một trong ba năng lực quan trọng bên cạnh IQ (trí tuệ) và EQ (cảm xúc). Trẻ có AQ cao thường thành công hơn trong tương lai.

Vậy làm thế nào để giúp trẻ rèn luyện khả năng vượt khó và phát triển toàn diện trong kỳ nghỉ hè? Câu trả lời có thể đơn giản hơn bạn nghĩ, chỉ cần đưa trẻ đến bốn địa điểm sau.

Hè rảnh rỗi, bố mẹ cứ cho con đến 4 nơi này: Chi phí 0 ĐỒNG nhưng con lại được phát triển toàn diện không ngờ!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

1. Đưa con đến khu vui chơi: Học cách kết nối và giải quyết mâu thuẫn

Khu vui chơi không chỉ là nơi để trẻ "xả hơi". Tại đây, các bé dễ dàng làm quen với bạn mới, nhanh chóng hòa nhập, cùng nhau chơi các trò vận động.

Bạn có để ý rằng, khi mới đến khu vui chơi, con còn bám lấy bố mẹ, nhưng chỉ vài phút sau là đã mải chơi với các bạn? Trong quá trình đó, trẻ phải tương tác, trao đổi, thậm chí nảy sinh mâu thuẫn. Chính lúc đó, bé học cách thương lượng, nhường nhịn, tự đề ra luật chơi và tìm giải pháp.

Những trải nghiệm nhỏ đó giúp trẻ tăng EQ, đồng thời xây dựng năng lực giải quyết vấn đề và tinh thần vượt khó, những yếu tố thiết yếu của AQ.

2. Cho con đến sân vận động: Rèn luyện sự kiên trì và làm việc nhóm

Sân vận động là không gian lý tưởng để trẻ vận động toàn thân, phát triển chiều cao và tăng sức bền. Khi tham gia các trò chơi thể thao cùng bạn bè như đá bóng, chạy tiếp sức hay chơi bóng rổ, trẻ sẽ học cách hợp tác, giữ bình tĩnh và đưa ra quyết định nhanh chóng.

Thực tế cho thấy, trẻ chăm vận động thường có khả năng phục hồi cảm xúc nhanh hơn sau thất bại. Ví dụ, khi chơi thể thao, bị đồng đội góp ý là chuyện bình thường. Trẻ sẽ dần học được cách chấp nhận thua cuộc, sửa lỗi, nỗ lực cải thiện để tiến bộ hơn.

Những hoạt động này giúp trẻ nhận ra: thắng hay thua đều là một phần của cuộc chơi, điều quan trọng là tinh thần đồng đội và nỗ lực không ngừng.

3. Dành thời gian ở thư viện hoặc phòng đọc thành phố: Mở rộng tri thức, trau dồi sự tập trung

Ngày nay, hầu hết các thành phố đều có thư viện hoặc phòng đọc miễn phí. Chỉ cần có căn cước công dân, phụ huynh có thể đưa trẻ đến và cùng đọc sách suốt cả ngày.

So với tủ sách tại nhà, thư viện có lượng sách phong phú, đa dạng hơn rất nhiều. Đặc biệt, với những trẻ lớn dần, nhu cầu đọc cũng tăng lên, việc được tiếp xúc với các tác phẩm kinh điển hay sách chuyên sâu là điều cần thiết.

Không gian yên tĩnh và nghiêm túc của thư viện giúp trẻ hình thành thói quen tập trung, kiên nhẫn và yêu thích việc đọc. Theo nghiên cứu, trẻ tiểu học duy trì thói quen đọc sách 20 phút mỗi ngày sẽ có nền tảng vững chắc khi bước vào cấp hai, cấp ba.

4. Đưa trẻ đến nơi làm việc của cha mẹ: Trải nghiệm thực tế, thấu hiểu vất vả

Một bà mẹ kể rằng, sau khi con trai thi xong cấp hai, cháu chỉ ở nhà chơi điện thoại, lười ngủ ngày, thức đêm, khiến cả nhà lo lắng. Bạn chị sau đó gợi ý: "Cho cháu đến xưởng của chồng cậu vài hôm thử xem sao". Được biết, người bố làm nghề kinh doanh xe moóc cũ, công việc cần người phụ sửa và vệ sinh xe. Cháu đến giúp vài ngày, thay đổi hẳn.

Cháu không còn ôm điện thoại cả ngày, biết chủ động làm việc nhà và quý trọng công sức của cha mẹ hơn.

Một đứa trẻ khác trong kỳ nghỉ hè lại theo bố đi giao hàng cả buổi sáng. Về nhà, đứa trẻ nói: "Mẹ ơi, sau này con giúp mẹ nấu cơm nhé, chạy giao hàng cực lắm, xe bố chạy nhanh quá, con còn lo!". 

Trải nghiệm thực tế là cách giáo dục hiệu quả. Nếu có điều kiện, cha mẹ nên cho con tới nơi làm việc của mình, để con hiểu sự vất vả và trách nhiệm, từ đó hình thành thái độ sống tích cực hơn.

Hè này, đừng để con "chơi không mục đích"

Nghỉ hè là thời điểm vàng để cha mẹ đồng hành cùng con phát triển toàn diện. Việc cho trẻ đến khu vui chơi, sân vận động, thư viện hay nơi làm việc của cha mẹ không chỉ là hoạt động giải trí, mà còn là cơ hội để rèn luyện kỹ năng sống.

Thông qua đó, trẻ sẽ được nâng cao chỉ số cảm xúc (EQ), chỉ số vượt khó (AQ) và mở rộng hiểu biết. Tất cả sẽ là hành trang quý báu cho chặng đường trưởng thành phía trước.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày