Thời gian qua, thông tin nhiều trường đại học tại Việt Nam đã quyết định bỏ hoặc điều chỉnh hình thức xét tuyển dựa trên học bạ vào năm 2025 thu hút sự quan tâm. Thay vào đó, các trường tăng cường áp dụng các phương thức xét tuyển khác như xét tuyển qua kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, hoặc xét tuyển kết hợp giữa các hình thức này.
Tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, trước đây trường sử dụng điểm học bạ để xét tuyển như một phương thức độc lập (10% chỉ tiêu) hoặc kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt (30 - 40% chỉ tiêu). Tuy nhiên từ năm 2025, trường dự kiến không sử dụng kết quả học bạ ở cả hai phương thức này
Năm 2025, Trường Đại học Công Thương TPHCM dự kiến giảm chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ từ 30% còn 15 - 20% tổng chỉ tiêu. Từ năm 2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ.
Trên các diễn đàn, việc bỏ xét tuyển học bạ thu hút nhiều sự tranh luận. Hầu hết ý kiến đều đồng tình với sự thay đổi này. Một trong những lý do chính là vấn đề công bằng trong xét tuyển học bạ.
Không chỉ phụ huynh có con chuẩn bị "vượt vũ môn" vào đại học, câu chuyện bỏ xét tuyển bằng học bạ còn nhận được sự quan tâm và tranh luận của các cha mẹ có con sắp chuyển từ cấp 1 lên cấp 2. Nhiều người đề xuất nên bỏ hẳn việc dựa vào kết quả học bạ để xét tuyển hoặc làm điều kiện cần để thi tuyển vào các trường cấp 2 chất lượng cao.
Theo hướng dẫn, Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường THCS công lập được UBND thành phố công nhận chất lượng cao được tuyển lớp 6 trái tuyến. Nếu số học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu, trường có thể xét tuyển bằng học bạ, các giải thưởng hoặc kết hợp với thi.
Hà Nội có 5 trường THCS chất lượng cao gồm: THCS Nam Từ Liêm, THCS Thanh Xuân, THCS Cầu Giấy, THCS Lê Lợi (Hà Đông), THCS Chu Văn An. Tất cả 5 trường trên đều áp dụng xét tuyển kết hợp thi kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh với 3 môn Toán, Tiếng Việt, tiếng Anh. Nhiều trường yêu cầu học bạ của thí sinh đạt từ 8-9 điểm.
Cụ thể yêu cầu với học sinh dự thi vào 1 trường CLC năm học 2024 như sau: Học sinh được đánh giá "Đạt" về năng lực và phẩm chất trong cả 5 năm tiểu học. Trong đó, tổng điểm kiểm tra định kỳ cuối năm 2 môn: Toán, Tiếng Việt (lớp 1, 2) đạt 17 điểm trở lên (không môn nào được dưới 8 điểm). Lớp 3, 4, 5, tổng điểm kiểm tra định kỳ cuối năm 3 môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh đạt 26 điểm trở lên (không có môn nào dưới 8 điểm).
Như vậy, trung bình học sinh cần đạt khoảng 9 điểm mỗi môn.
Sau vòng này, trường xét tuyển kết hợp đánh giá năng lực. Điểm xét tuyển = Điểm học bạ + Điểm kiểm tra (hệ số hai) + Điểm ưu tiên, tối đa là 71,5. Với điểm học bạ: Nếu đạt 10 điểm Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, học sinh được tính 2 điểm/năm học. Cứ có một điểm 9, các em bị trừ 0,5 điểm/năm học. Với một điểm 8, học sinh bị trừ 1 điểm. Điểm kiểm tra là tổng ba môn thi Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh do nhà trường tổ chức.
Trường xét điểm từ cao xuống thấp. Nếu nhiều học sinh bằng điểm ở cuối danh sách, trường ưu tiên những em có điểm học bạ cao hơn, rồi tới điểm kiểm tra cuối năm lớp 5 ở ba môn.
Nhiều phụ huynh cho rằng, không nên cộng điểm hệ số trong xét tuyển bằng học bạ, tốt nhất là tổ chức thi tuyển trên diện rộng, lấy kết quả thi từ cao xuống thấp, bởi chưa hẳn các em có học bạ tốt đã là học sinh giỏi. Kết quả học tập thể hiện trong học bạ THPT cũng khác nhau giữa các trường, cùng điểm 9 môn Toán nhưng học sinh của trường này có thể khác với trường khác tùy theo cách đánh giá và thang đo.
Chị Ngọc Minh, một phụ huynh có con năm nay học lớp 5 ở Đống Đa (Hà Nội) nhận định, học bạ có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố không liên quan đến năng lực thực sự của học sinh, chẳng hạn như cách thức đánh giá của giáo viên, sự khác biệt về cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy giữa các trường. Điều này dẫn đến sự bất hợp lí khi có thể có những học sinh đủ năng lực nhưng lại không được vào những trường tốt vì học bạ không xuất sắc.
Hơn nữa, việc xét tuyển bằng học bạ tạo ra một áp lực lớn đối với học sinh và gia đình. Để có thể vào được các trường cấp 2 chất lượng cao, nhiều học sinh phải duy trì thành tích học tập xuất sắc trong suốt 5 năm học tiểu học, điều này không chỉ gây căng thẳng mà còn khiến trẻ em phải chịu gánh nặng từ một hệ thống giáo dục quá chú trọng vào thành tích, thay vì phát triển toàn diện về cả trí tuệ và nhân cách.
Dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng, nếu bỏ hẳn điểm học bạ sẽ dẫn đến các con chủ quan bỏ luôn học hành trên lớp để lao vào các cuộc chiến lấy chứng chỉ quốc tế... Học bạ là một phương thức đánh giá liên tục, phản ánh nỗ lực trong quá trình học tập của học sinh. Thêm vào đó, phương thức xét tuyển này cũng giúp giảm tải cho các kỳ thi tuyển sinh, từ đó giảm bớt áp lực cho học sinh và gia đình.
Nhà văn Bùi Ngọc Phúc, tác giả của nhiều bài viết tâm huyết về lĩnh vực giáo dục, đồng tác giả cuốn sách Cùng Con Bước Qua Các Kỳ Thi cho rằng:
Hiện nay các trường đại học có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau cho từng ngành học. Tuy nhiên việc xét tuyển học bạ không phản ánh đúng chất lượng của thí sinh, bởi vậy học bạ chỉ là yếu tố cần nhưng chưa đủ. Những trường đại học top đầu chú trọng việc xét tuyển qua các kỳ thi ĐGNL và các chứng chỉ như IELTS hoặc SAT để phù hợp với mục tiêu đào tạo. Việc bỏ xét tuyển học bạ nếu có, chắc cần một lộ trình, bởi nhiều trường đại học top dưới luôn khó khăn trong công tác tuyển sinh.
"Công bằng nhất vẫn là thi đầu vào, học bạ kèm những giải thưởng chỉ là một trong những tiêu chí. Tuy nhiên dù có áp dụng các phương thức khác nhau, việc các con bị phụ huynh đưa vào cuộc đua từ bậc Tiểu học là mặt trái của vấn đề. Khi đặt ra tiêu chí quá cao, nhiều em có năng lực thật sự chưa chắc đạt được", nhà văn nói.
Được biết, năm học 2024 - 2025, trường Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) áp dụng phương thức xét tuyển là kết quả bài khảo sát đánh giá năng lực do trường tổ chức, bỏ xét tuyển bằng học bạ 5 năm bậc tiểu học.
Chia sẻ với báo chí, cô Văn Liên Na, Hiệu phó nhà trường cho biết: "Thống kê của trường hằng năm cho thấy, những bạn học bạ tốt, vào trường, khảo sát chất lượng lại tụt điểm. Đây là điều minh chứng học bạ không đủ độ tin cậy" - bà Na nói.