Phong cách ăn uống của giới trẻ Hàn có thể tóm bằng ba chữ "vội, nhiều và vui", nhưng sự thật sau đó là gì?

Trà My, Theo Trí Thức Trẻ 15:16 01/03/2019
Chia sẻ

Có những cách ăn uống chỉ giới trẻ Hàn mới có. Nhưng còn hơn cả trend, văn hóa ăn uống này còn thể hiện những mặt sáng - tối của Hàn Quốc hiện đại.

Có thể nói, việc ăn uống của người Hàn Quốc là một trong những nét văn hoá được giới trẻ trên thế giới quan tâm chẳng kém gì văn hoá Hallyu. Hàn Quốc là nơi xuất xứ của không biết bao nhiêu trend "gây sốt" như muk-bang (livestream ăn uống) và ASMR (livestream ăn uống nhưng nhấn mạnh âm thanh nhai nuốt), trend ăn mì gói, bỏ phô mai vào mọi thứ... Tuy nhiên, đằng sau những trend ấy lại là cả một câu chuyện về những đặc tính ăn uống và sinh hoạt của giới trẻ Hàn Quốc.

Nhất mì gói, nhì bột ngọt

Không nơi nào dễ mua mì gói như ở Hàn quốc. Mì ở khắp mọi nơi, trong siêu thị, trong cửa hàng tiện lợi, ngoài chợ trời, thậm chí trong những cây bán mì tự động cứ 500m có một cái. 50 triệu người Hàn có lượng tiêu thụ mì gói bằng 80 triệu người Việt! Tình yêu bất tận của người Hàn với mì được lý giải như một hệ quả của lối sống công nghiệp, sống vội ăn nhanh. Một học sinh/công viên chức ở Hàn Quốc có thể dành 10-12 giờ mỗi ngày tại cơ quan và trường học. Với cường độ làm việc căng như dây đàn cùng thói quen thức khuya, đói đêm, mì gói trở thành vị cứu tinh cho cả một dân tộc tham công tiếc việc, khi chỉ cần đổ nước sôi và thêm gói túi nóng sốt, bạn có ngay một món ăn cứu đói nhanh chóng. Cũng vì nhu cầu muốn nhanh no, giảm thiểu thời gian ăn uống, người Hàn bỏ mì vào mọi món ăn để tăng năng lượng, sinh ra đủ thứ lẩu mì, bánh gạo mì,… trứ danh như ngày nay.

Phong cách ăn uống của giới trẻ Hàn có thể tóm bằng ba chữ vội, nhiều và vui, nhưng sự thật sau đó là gì? - Ảnh 1.

MV Open The Door - nơi người Hàn tự giễu bản thân về thói quen dùng mì chính vô tội vạ.

Người bạn đồng hành cùng mì gói chính là mì chính, hay còn gọi bằng tên khoa học là MSG. Loại gia vị này đem lại hương vị "ngon từ nước ngọt từ xương" mà chẳng cần tốn hàng giờ đu nấu. Bất chấp việc nó có hại cho sức khỏe, chính phủ Hàn vẫn chẳng ngăn nhặn được việc MSG có mặt ở khắp các món ăn đường phố tới nhà hàng, hay mì đóng gói trong siêu thị. Đơn giản vì có cầu có cung. Người Hàn luôn tìm kiếm cái gì nhanh no, tiện lợi, thỏa mãn vị giác nhất thời trong guồng quay cuộc sống áp lực và gấp gáp.

Càng "hổ lốn" càng ngon

Cũng vì nhu cầu muốn ăn nhanh (ngon nữa thì càng tốt), giới trẻ Hàn trở thành bậc thầy trong việc… trộn thức ăn thừa. Quá bận để nấu nướng, họ bèn khua hết những gì có trong tủ lạnh rồi trộn chung một bát, vừa có ngay bữa ăn cứu đói, vừa nhanh no (vì biết bao nhiêu thứ tả pí lù trong tô cơm trộn ấy) và nhất là không mất công nấu nướng dọn dẹp nhiều.

Phong cách ăn uống của giới trẻ Hàn có thể tóm bằng ba chữ vội, nhiều và vui, nhưng sự thật sau đó là gì? - Ảnh 2.

Bát cơm trộn thần thánh của cô nhà văn bận rộn trong Ngôi nhà hạnh phúc – mở đầu cho trào lưu trộn mọi thứ và ăn lan rộng khắp châu Á.

Theo thời gian, trộn đồ thừa thành một nghệ thuật và người trộn cũng là nghệ sĩ. Người ta nghĩ ra đủ cách để món trộn bớt "hổ lốn", ngon hơn và nóng sốt hơn. Ví dụ cơm trộn của Hàn Quốc  thường được để trong cối đá và tương ớt Gojuchang nhằm giảm đi sự nhạt nhẽo của cơm nguội, trứng nóng đập vào cùng với hành xanh để thêm thơm. Hay như món lẩu mì phô mai với một đống tinh bột nào cơm, mì, bánh gạo, thịt thà, sẽ đi cùng nước dùng thật canh nóng để át mùi đồ thừa nguội ngắt, nhạt nhẽo.

Cửa hàng tiện lợi – thánh đường ăn uống

Đỉnh cao của việc ăn vội, ăn nhanh là mình không ăn ở nhà nữa, tấp vào cửa hàng bên đường luôn cho tiện! Cứ thế, những cửa hàng tiện lợi ngày càng phát triển, trở thành thánh địa ăn uống ở Hàn và sản sinh ra biết bao trend ẩm thực làm chao đảo châu Á.

Ở đấy bạn có thể tìm thấy đồ đóng hộp gồm mì gói, cơm hộp, cơm cuộn, bánh mì đến những món nóng sốt bán tại quần như xúc xích ngô, bánh gạo phô mai, lẩu mini cho một người. Lò vi sóng có, ổ sạc điện thoại có, wifi ba vạch cũng có. Giới trẻ Hàn "cắm rễ" tại những cửa hàng tiện lợi không chỉ vì ăn uống nữa, mà rất nhiều người trong số đó xem nơi đây như "căn nhà thứ hai", nơi thỏa mãn mọi nhu cầu cá nhân cơ bản với giá thành rất rẻ. Ở một xã hội đắt đỏ và cạnh tranh như Hàn Quốc, đây quả thực là thánh địa cho giới sinh viên và viên chức bình dân.

Nỗi cô đơn trên bàn tiệc

Có một sự thật là người Hàn Quốc rất ghét ăn một mình. Nhìn vào bàn ăn từ xa xưa đến hiện đại, chúng ta đều thấy rõ sự phong phú, phức tạp và đông vui của những món ăn góp mặt. Từ xa xưa, người Hàn tuyệt đối không có phần ăn một người, bàn ăn cơm bình thường cũng nhìn như bàn tiệc với chục món lớn nhỏ, cả gia đình quay quần dùng cơm với nhau. Tới thời hiện đại, người Hàn vẫn không bỏ được tất thích… "bù khú". Họ mê lẩu và thịt nướng số một thế giới, say đắm cảm giác được thưởng thức nhâm nhi thức ăn nóng hổi với chiến hữu, bê nó lên phim ảnh như một nét văn hóa đáng tự hào.

Phong cách ăn uống của giới trẻ Hàn có thể tóm bằng ba chữ vội, nhiều và vui, nhưng sự thật sau đó là gì? - Ảnh 4.

Có thể bỏ gần chục triệu cho mỗi bữa thịt nướng cùng nhóm bạn vẫn chưa đủ, họ còn sẵn sàng bỏ tiền nuôi những nghệ sĩ muk-bang – ăn trên truyền hình và trò chuyện cùng mình khi ở nhà. Dẫu muk-bang đã quá phổ biến, nhưng người ta vẫn không hết tò mò lẫn khó hiểu về động cơ đằng sau nó: Có gì hay ho khi nhìn và nghe người khác ăn? Tuy nhiên, nếu bạn thuộc 500.000 người Hàn trẻ tuổi còn độc thân, bạn sẽ sâu sắc thấu hiểu điều này.  Người đầu tiên làm muk-bang là một cô gái trẻ tuổi, cảm thấy quá cô đơn khi phải ăn tối một mình, bèn lên mạng vừa ăn vừa kiếm bạn… nói chuyện cùng. Sự thành công của muk-bang đã mở ra thực trạng cô đơn của người trẻ Hàn Quốc, với áp lực học hành, sự nghiệp, cuộc sống tiếp xúc với máy móc nhiều hơn cả người thật.

Vì thế, ăn uống với người Hàn vốn là một hình thức kết nối và giao tiếp, nhưng ở một mặt nào đó, lại là phản ảnh cho nỗi cô đơn đỉnh điểm trong lòng đô thị phồn hoa. 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày