Những năm gần đây, chống nắng dạng xịt rất được ưa chuộng. Bản thân kem chống nắng dạng xịt không nguy hiểm nhưng nếu dùng sai cách thì có thể gây hại cho sức khỏe hoặc gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
Mới đây, một bé gái 7 tuổi ở Chiết Giang (Trung Quốc) suýt tử vong vì viêm phổi quá mẫn cấp tính khi dùng xịt chống nắng của mẹ. Hân Hân (tên nhân vật đã được thay đổi) thấy mẹ thường dùng xịt chống nắng trước khi ra ngoài nên cũng làm theo.
Kết quả, cô bé bắt đầu có cảm giác buồn nôn và bị ho sau đó không lâu. Nhưng gia đình cho rằng bé bị ốm vặt hoặc do ngoài trời nhiều bụi bẩn, nắng nóng. Vài tiếng sau đó, Hân Hân ho dữ dội và nôn mửa. Người nhà cho bé uống một vài loại thuốc thông thường nhưng không thấy đỡ. Đến khi cô bé khó thở, rơi vào hôn mê với vội vã gọi xe cấp cứu tới Khoa Nhi của Bệnh viện Nhân dân tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc).
Sau khi khám bệnh, chụp X-quang ngực của Hân Hân thấy nhiều mảng bóng lớn ở cả hai phổi, phổi gần hư chuyển sang màu trắng xóa. Xét nghiệm máu chỉ ra bạch cầu tăng cao và protein phản ứng C bình thường. Dựa trên bệnh sử và biểu hiện lâm sàng, bác sĩ kết luận cô bé bị viêm phổi quá mẫn cấp tính do hít phải xịt chống nắng. Cụ thể, cô bé phạm phải sai lầm mà không ít người mắc khi dùng xịt chống nắng: xịt thẳng vào mặt và há miệng dẫn tới nuốt phải các hóa chất.
Tình trạng của cô bé nguy hiểm do đến bệnh viện chậm trễ, viêm phổi tiến triển nặng và có dấu hiệu suy hô hấp. Đội ngũ y bác sĩ kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau, thành công đưa Hân Hân thoát khỏi nguy kịch. Sau hai ngày tại phòng cấp cứu, các triệu chứng ho và khó thở của cô bé biến mất hoàn toàn. Hân Hân được chuyển sang phòng bệnh thường để tiếp tục điều trị.
Bác sĩ điều trị của Hân Hân cho biết, có hai nguy cơ mất an toàn chính khi sử dụng xịt chống nắng. Đó là nguy cơ hít phải và nguy cơ cháy nổ.
Nguy cơ hít phải xuất hiện khi chúng ta dùng xịt chống nắng lên da và có thể vô tình hít phải. So với mỹ phẩm dạng bôi thoa, mỹ phẩm dạng xịt có giọt tương đối nhỏ hơn nên nguy cơ hít phải trong quá trình sử dụng tương đối lớn hơn. Nhất là nếu xịt ở khu vực gần miệng, mũi hoặc há miệng khi xịt. Hoặc xịt chống nắng trong không gian hẹp và kín như ô tô, phòng vệ sinh kín…
Những hạt bắn từ xịt chống nắng có thể chứa nhiều thành phần mỹ phẩm khác nhau như chất chống nắng, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, nước hoa và chất bảo quản. Chúng an toàn với bề mặt da nhưng nguy hiểm với hệ hô hấp và một vài cơ quan khác trong cơ thể. Có thể gây ra khó chịu nhất thời cho tới nguy hiểm tính mạng. Đặc biệt là với người bị dị ứng, hô hấp kém, trẻ nhỏ.
Tình trạng phổi trắng hay chính là viêm phổi quá mẫn cấp tính do hít phải xịt chống nắng giống như Hân Hân không hề hiếm gặp. Một số thành phần hóa học trong đó có thể kích thích và gây ra một loạt phản ứng dị ứng, dẫn đến khí quản, phế quản lan rộng và thậm chí là phù phổi, khiến phổi không thể hoạt động bình thường. Thậm chí gây nguy hiểm tính mạng do viêm phổi nặng, suy hô hấp…
Nguy cơ thứ hai khi dùng xịt chống nắng là rủi ro dễ cháy nổ. Vì chất đẩy được sử dụng trong các sản phẩm bình xịt có thể là những chất dễ cháy như butan và propan. Đồng thời ở trạng thái hóa lỏng áp suất cao nên có thể dễ dàng xảy ra tai nạn cháy nổ khi gặp nguồn lửa.
Vì vậy, có một số lưu ý khi dùng xịt chống nắng để đảm bảo an toàn bất cứ ai cũng cần phải biết:
- Không xịt chống nắng trực tiếp lên mặt.
- Khi xịt chống nắng, tốt nhất hãy tạm nín thở, không há miệng và nhắm mắt.
- Tuyệt đối không dùng xịt chống nắng cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ dễ dị ứng.
- Luôn để xịt chống nắng xa tầm tay trẻ em, xa các vật bắt lửa, dễ cháy nổ, nguồn điện…
- Chọn không gian rộng rãi, thoáng khí khi xịt chống nắng.
- Không nên xịt quá xa da, khoảng cách 10 - 15cm là đủ an toàn. Nên xịt lên tay sau đó mới bôi lên vùng mặt, cổ.
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào như ho, khó thở, buồn nôn, dị ứng da… sau khi sử dụng, cần tới cơ sở y tế ngay. Tốt nhất là mang theo loại xịt chống nắng đã sử dụng và thông báo với bác sĩ lịch sử sử dụng để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời.
Nguồn và ảnh: HK01, ETtoday