Có những bộ phim đi vào lòng người bằng sự dịu dàng thuần khiết khiến chúng ta phải ngưỡng mộ, nhưng cũng có những bộ phim để lại dư âm bằng cách chậm rãi mở ra những câu hỏi không dễ trả lời trong tình yêu. Một Nửa Hoàn Hảo nằm ở kiểu thứ hai.
Sau Muôn Kiếp Nhân Duyên từng khiến giới phê bình ngỡ ngàng vì sự lặng thầm đầy sức nặng, Celine Song tiếp tục kể một câu chuyện khác cũng về những lằn ranh mơ hồ trong tình cảm, nhưng lần này là qua góc nhìn của người đang đứng trước những lựa chọn quá thực tế trong cuộc sống hiện đại.
Không tô hồng cảm xúc hay mơ mộng hóa tình yêu, bộ phim của Celine Song tiếp cận chủ đề tình cảm với một ánh nhìn bình thản, trưởng thành với nhiều giằng xé. Thay vì dẫn dắt khán giả bằng xúc cảm cao trào, phim nhẹ nhàng đặt ra tình huống, rằng nếu bạn có thể yêu một người giúp bạn sống một đời hào nhoáng, liệu điều đó có được xem là tình yêu? Và nếu thực sự phải lựa chọn, bạn nên lắng nghe trái tim mình hay chọn những điều an toàn?
Tuy không sở hữu tuyến nhân vật quá mới lạ, Một Nửa Hoàn Hảo vẫn tạo được sự cuốn hút nhờ cách thể hiện đầy tiết chế và tinh tế từ dàn diễn viên. Bộ ba Dakota Johnson, Pedro Pascal và Chris Evans không mang đến những nhân vật lý tưởng đáng ngưỡng mộ, càng không cần khán giả phải đứng về phía mình. Vai diễn của họ đề cao sự chân thật, và chính điều đó khiến người xem buộc phải quan sát họ kỹ hơn, lắng nghe kỹ hơn, từ đó hiểu được những điều nằm sau mỗi lựa chọn tình yêu trong cuộc sống.
Dakota Johnson trong vai Lucy là điểm tựa của toàn bộ câu chuyện. Lối diễn của cô không dựa vào biểu cảm kịch tính hay lời thoại đắt giá mà đặt trọng tâm vào những khoảng lặng, nơi nhân vật suy nghĩ, cân nhắc cùng đôi mắt đầy cảm xúc. Lucy không phải kiểu nhân vật dễ để yêu mến, nhưng chính sự khép kín và tỉnh táo đến mức thực tế của cô lại làm người xem day dứt. Có những lúc, ánh nhìn chậm rãi của Dakota còn nói nhiều hơn cả đoạn hội thoại dài. Cô khiến Lucy trở nên sống động theo cách rất đời, hiện lên như một người phụ nữ hiểu rõ điều mình muốn, những điều mình có và xứng đáng được nhận.
Pedro Pascal mang đến một Harry thành đạt, điềm đạm, không cần đến những lời hứa hay cử chỉ cường điệu để khẳng định bản thân. Anh thuyết phục bằng sự im lặng đúng lúc, cách quan sát tinh tế và sự điềm nhiên của người đã quen với việc được chọn, nhưng lần này lại chờ đợi một lựa chọn đến từ cảm xúc thực sự.
Chris Evans, ngược lại, trong vai John – người đàn ông của quá khứ, mang theo những tình cảm từng rất chân thành nhưng giờ đứng lạc lõng giữa hiện tại. Anh chọn lối diễn mềm mại, hơi vụng về nhưng đầy chân thực, để thể hiện một người vẫn còn yêu nhưng không còn chắc mình có thể níu giữ. Trong ánh mắt và những đoạn đối thoại lửng lơ, John hiện lên như một điều đẹp đẽ mà Lucy buộc phải bước qua.
Điều khiến bộ ba này trở nên lôi cuốn không phải ở những cú cãi vã hay tình huống éo le, mà là ở cách họ hiện diện trước nhau. Cách Lucy im lặng khi John nhắc lại chuyện cũ, cách Harry hỏi một câu đơn giản mà khiến Lucy chững lại, hay cách cả ba người đều yêu, đều lo sợ, đều muốn được chọn nhưng không ai chắc mình là lựa chọn đúng.
Một Nửa Hoàn Hảo không khai thác những bước ngoặt giật gân hay biến cố kịch tính mà được đẩy về bên trong. Từ những cuộc đối thoại tưởng nhẹ nhàng nhưng chạm trúng vết nứt, những câu hỏi đơn giản nhưng thừa sức làm sụp đổ những điều từng chắc chắn. Celine Song để nhân vật nói những điều họ nghĩ, tránh xa mọi kiểu thoại bóng bẩy hoặc kiểu cách. Và chính điều đó càng khiến khán giả thấy mình trong đó. Không sử dụng nhạc nền đẩy cảm xúc, càng không xây dựng những dấu hiệu cho một cái kết đầy tính cao trào, Một Nửa Hoàn Hảo đơn giản chỉ là những điều trần trụi nhất mà ta từng phải đối mặt trong tình yêu.
Phim không cố gắng đưa ra lập luận đúng sai về tình yêu, càng không khuyên người xem nên lựa chọn thế nào. Điều khiến Một Nửa Hoàn Hảo trở nên đặc biệt nằm ở chỗ, nó mang đến sự gợi mở hơn là khẳng định, đặt câu hỏi nhiều hơn là đưa ra những câu trả lời thỏa mãn khán giả. Không ai trong phim bị phán xét, càng không ai được xây dựng làm một hình tượng nhân vật lý tưởng. Cả Lucy, John hay Harry đều mang theo lý do chính đáng để hành xử như họ đã làm. Từ chính sự thẳng thắn ấy khiến bộ phim mang lại cảm giác rõ ràng đến ám ảnh: chúng ta có thể không giống họ nhưng chắc chắn từng nghĩ như họ.
Trong một thời đại mà tình yêu vẫn thường được khen ngợi khi đi ngược lại vật chất, Một Nửa Hoàn Hảo không tìm cách bác bỏ quan điểm ấy, cũng không cổ súy cho điều ngược lại. Bộ phim chỉ đặt Lucy vào một lựa chọn quá đỗi thực tế về một người từng khiến cô rung động sâu sắc và một người có thể cho cô một đời sống đủ đầy. Celine Song không trả lời thay khán giả mà cho thấy một giá trị cao hơn của một người phụ nữ - biết mình có gì, muốn gì và điều gì thực sự phù hợp với chính mình.
Sau Muôn Kiếp Nhân Duyên, nhiều người từng tự hỏi liệu Celine Song có tiếp tục trung thành với lối kể chuyện nhẹ nhàng hay sẽ bước sang một hướng đi kịch tính hơn trong tác phẩm thứ hai. Nhưng Một Nửa Hoàn Hảo đã cho thấy cô vẫn tự tin về cách kể chuyện âm thầm mà đầy dụng ý của mình. Vẫn là một Celine Song với nhịp kể chậm rãi, với những nhân vật đầy cảm xúc và những khung hình lặng đi như một nhịp để giữ khoảng trống cho suy nghĩ. Chỉ khác ở chỗ ở Một Nửa Hoàn Hảo, Celine Song buộc khán giả phải đối diện, tự soi chiếu những giới hạn trong cách yêu của chính mình.
Sự soi chiếu đó phản ánh rõ trong cách cô dàn dựng hình ảnh. Không gian của Một Nửa Hoàn Hảo là New York – một thành phố náo nhiệt quen thuộc trên màn ảnh, nhưng dưới bàn tay Celine Song lại trở nên xa cách và tĩnh lặng đến lạ. Những căn hộ sang trọng với cửa kính lớn, những nhà hàng đắt đỏ với ánh sáng hoàn hảo, những con phố tưởng như chẳng bao giờ ngủ... tất cả được quay lại bằng một cái nhìn tỉnh táo, nơi vẻ đẹp không làm dịu cảm xúc mà chỉ càng nhấn mạnh khoảng cách giữa các nhân vật. Họ đứng trong một thành phố hiện đại và đủ đầy nhưng lại tràn đầy sự cô đơn.
Mọi khung hình trong phim đều mang cảm giác mượt mà, hoài cổ, gợi như đang xem lại những khoảnh khắc đã cũ dù nó vừa mới trôi qua. Máy quay đứng yên hoặc di chuyển chậm, gần như không can thiệp quá nhiều để thể hiện rõ mỗi ánh mắt, mỗi cử chỉ vụn vặt giữa Lucy và hai người đàn ông. Không có hiệu ứng thị giác nào đánh vào người xem, nhưng từng khung hình đều mang lại cảm giác đã được cân đo chính xác – để sự im lặng và trống trải được biểu hiện rõ, để con người trở nên nhỏ bé trong chính không gian họ từng mơ ước.
Một Nửa Hoàn Hảo không hẳn là một phim tình cảm, càng không phải một phim bi kịch. Nó hiện diện như một tấm gương, nơi soi chiếu những lý do khiến mình từng yêu điên cuồng, từng bỏ đi, từng lựa chọn một ai đó thay vì một người khác. Phim không bắt bạn đứng về phía Lucy, John hay Harry, phim chỉ yêu cầu bạn thành thật với chính mình và tự hỏi bản thân những điều bạn từng trốn tránh.
Từ đó, phim âm thầm gieo vào lòng một nỗi băn khoăn rất con người, để rồi khi rời khỏi rạp, mỗi người sẽ mang theo một câu hỏi cho riêng mình. Không tham lam lấy đi nước mắt của khán giả, tác phẩm chọn cách tồn tại lâu hơn bằng những gì chân thực nhất khiến nhiều người tiếc nuối, khiến ta phải soi lại chính mình qua những lựa chọn từng nghĩ là hiển nhiên.