(Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim. Khán giả lưu ý trước khi đọc.)
Với đoạn trailer gây tò mò cùng sự góp mặt của nữ chính Get Out là Allison Williams, The Perfection (Tạm dịch: Sự Hoàn Hảo) của Netflix đã khiến người xem hết mực mong đợi. Nhưng thực tế thì bộ phim lại lạm dụng quá nhiều yếu tố tình dục và những nút thắt bất ngờ mà chẳng có bất kì sự hù dọa hay ghê rợn cần thiết với cái mác kinh dị.
Trailer "The Perfection"
Nhân vật chính của phim là nữ sinh viên âm nhạc tài năng Charlotte Willmore (Allison Williams). Vì mẹ bị ốm, cô nàng buộc phải bỏ dở khóa học tại học viên Bachoff nổi tiếng ở Boston. Sau khi mẹ qua đời 10 năm sau đó, Charlotte liên hệ lại với người thầy cũ Anton (Steven Weber) và được mời tới buổi tuyển chọn học sinh mới tại Thượng Hải.
Tại đây, cô gặp Lizzie (Logan Browning) - ngôi sao nổi tiếng nhất của Bachoff lúc bấy giờ. Hai cô nàng nhanh chóng nảy sinh tình cảm và có một đêm "cháy bỏng". Sáng hôm sau, Lizzie rủ Charlotte đi một chuyến khám phá Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là lúc mọi rắc rối ập đến khi Lizzie liên tục bun nôn và có cảm giác những con bọ đang bò trong cơ thể.
Thừa nút thắt thiếu kịch tính
"The Perfection" có nhiều pha "lật mặt" nhưng chẳng mấy kịch tính.
Netflix có thể làm phim nhiều tập rất hay nhưng các tác phẩm điện ảnh của hãng thì hiếm khi nào xem được. Điểm yếu chung của chúng là việc chứa đựng rất nhiều nút thắt bất ngờ theo kiểu Christopher Nolan nhưng lại thiếu hẳn sự đầu tư về mặt nội dung, tính logic hay cảm xúc đi kèm. The Perfection cũng tương tự khi sở hữu đến 3 màn "lật mặt" xuyên suốt thời lượng nhưng tuyệt nhiên chẳng mang lại tí kịch tính nào.
Ngay từ đầu phim, khán giả đã dễ dàng nhận ra Charlotte có mục đích khác khi liên hệ với thầy giáo cũ chứ không đơn thuần là muốn trở lại học viện cũ. Những hình ảnh hồi ức ghê rợn xuất hiện thoáng qua không chỉ gây tò mò mà còn khiến âm mưu của cô nàng thêm rõ nét. Không những thế, mối quan hệ với Lizzie ngay trong đêm đó cũng đậm tính sắp đặt khi Charlotte khéo léo dùng mọi cách thu hút sự chú ý của đối phương.
Nhịp phim không đủ mạnh để tạo nên cao trào cần thiết.
Do đó mà ngoại trừ sự khó hiểu về mục đích thật sự của Charlotte, những gì diễn ra ngay sau đó không mang đến quá nhiều bất ngờ. Các tính tiết cứ thế tiếp nối nhau một cách nhàm chán mà thiếu hẳn sự kịch tính. Đạo diễn Richard Shepard không có sự điều tiết nhịp phim để đẩy những mâu thuẫn lên cao trào. Yếu tố ghê rợn của tác phẩm cũng chủ yếu đến từ những hình ảnh kinh tởm đến buồn ói chứ không có bất kì sự hồi hộp hay mang đến cảm giác nghẹt thở.
Như bao bộ phim thất bại của khác của Netflix, The Perfection cứ thế trôi tuột trong đầu khán giả mà chẳng để lại bất kì ấn tượng gì trừ cái kết có chút ám ảnh, vài cảnh nóng chả cần thiết cùng những màn "lật mặt" có thể đoán trước từ nhiều phút trước. Có lẽ, trang phim trực tuyến khổng lồ này nên xem lại cách thực hiện các tác phẩm nếu không muốn hụt hơi khi các đối thủ khác lần lượt ra mắt.
Phần nội dung phim có thể dễ dàng đoán được nếu khán giả quá quen với các tác phẩm Netflix.
Lên án sự tàn khốc của giáo dục, nhưng có đúng vậy không?
"The Perfection" mang hàm ý lên án sự giáo dục hà khắc
Sau tất cả, The Perfection, với bối cảnh hơn nửa đầu phim ở Trung Quốc, là một tác phẩm lên án cách giáo dục hà khắc, nhất là ở các nước châu Á. Quan điểm đậm chất phương Đông này xuất hiện trong lời thoại của Anton xuyên suốt bộ phim khi ông luôn muốn học trò của mình là đứa giỏi nhất. Đối với nhiều bậc phụ huynh, hoặc con mình phải ở vị trí đầu tiên hoặc sẽ là nỗi ô nhục của cả gia đình.
Điều này vô tình khiến những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi bị ép vào một khuôn khổ khắc nghiệt và dường như chẳng còn biết đến những niềm vui thơ dại là gì. Dưới con mắt của người ngoài, chúng không khác gì "tra tấn" và "tẩy não" khi chính những đứa trẻ này khi trở thành phụ huynh lại làm điều tương tự với con cái mình. Tất cả trở thành một vòng quay khổng lồ xoay đều qua nhiều thế hệ và những ai không chạy theo kịp hiển nhiên sẽ bị hất văng ra xa.
Nhưng góc nhìn lại khá phiến diện.
Như Charlotte hay Lizzie trong phim, họ chỉ có thể được "khai sáng" khi đã mất hết "tài năng" và chẳng còn đủ sức để trở thành một bánh răng trong guồng quay khổng lồ ấy nữa. Tuy nhiên, cách nhìn của The Perfection dường như hơi quá lố và phiến diện khi dựa trên một ngành đặc thù như âm nhạc vốn đề cao không chỉ tài năng mà còn là sự tập luyện chăm chỉ.
Đơn cử như trong các môn thể thao, mọi vận động viên đều phải tuân thủ quy trình ăn uống và luyện tập nghiêm ngặt từ bé để giữ được phong độ tốt nhất. Chẳng phải tất cả đều bị tẩy não sao? Nguyên nhân dẫn đến việc các nhân vật trong phim muốn thoát ra là bởi Anton và các thầy giáo trong học viện "hiếp dâm" họ theo đúng nghĩa đen mà thôi. Chi tiết này chẳng hề liên quan đến việc giáo dục hay các bài tập hà khắc chút nào cả.
Phim là một thất bại khác của Netflix trong thời gian gần đây.
Tạm kết
Có thể thấy, The Perfection là một tác phẩm có ý tưởng tốt nhưng cách thực hiện của các nhà làm phim chưa thực sự ổn. Bên cạnh việc khai thác chủ đề khá phiến diện, yếu tố kịch tính hay kinh dị trong phim cũng không mấy ấn tượng. The Perfection hiện đang chiếu trên Netflix.