(Xem phần một tại đây)
15. The Girl Who Leapt Through Time (Đạo diễn: Hosoda Mamoru, 2006)
“Mỗi lần cháu sử dụng năng lực này, đều có thể gây thương tổn cho người khác” – Dì Kazuko đã nói như vậy với Makoto khi cô bé biết mình sở hữu sức mạnh vượt thời gian. Tuy nhiên, niềm vui khám phá năng lực siêu nhiên mới dường đã cuốn đi lời cảnh báo ấy, để rồi cuối cùng chỉ còn lại nỗi nuối tiếc khôn nguôi.
Cô Gái Vượt Thời Gian là anime thể loại khoa học viễn tưởng lãng mạn được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Tsutsui Yasutaka. Nội dung xoay quanh nữ sinh Konno Makoto 17 tuổi có khả năng “nhảy cóc” thời gian, cô bé hào hứng sử dụng năng lực đó để sửa chữa những sai lầm nhỏ nhặt cho đến thành tích học tập của bản thân. Cuộc sống của Makoto và hai cậu bạn thân Chiaki và Kousuke cũng từ đó mà thay đổi. Mãi cho đến khi nhận ra mặt trái của sức mạnh này, Makoto mới cố hết sức dùng số lần vượt thời gian còn lại để cứu vãn những sai lầm đã vô tình gây ra.
Ba người bạn thân thiết: Makoto, Kousuke và Chiaki
Đề tài tuy không mới, thậm chí phần sau có chút phức tạp, nhưng chỉ cần bắt đầu xem, bạn sẽ dễ bị thu hút bởi các khung hình đẹp cùng màu sắc tươi sáng của phim. Cảm xúc nhân vật thay đổi rất tự nhiên theo diễn biến câu chuyện, đan xen giữa hài hước, lãng mạn và những đoạn cao trào vừa hồi hộp vừa cảm động.
Khi Makoto nhận ra mình thích Chiaki, cũng là lúc cô bé biết được cậu vốn không cùng thời đại với mình. Chiaki ngao du ở nhiều giai đoạn thời gian, vậy mà cậu đã dừng lại rất lâu bên cạnh Makoto. Thế nhưng năng lực xuyên không vốn là hữu hạn. Dẫu cho Makoto có rơi bao nhiêu nước mắt, cũng không cải biến được sự thật: khi thanh xuân vẫn còn đây, chúng ta luôn vô tình lãng phí nó và có một số người, đã đánh mất đi sẽ không tìm lại được.
Đến lúc nhìn lại, thời gian quý giá đã trở thành hồi ức
Vẫn là địa điểm quen thuộc, vẫn là bầu trời hoàng hôn sau tan trường, vẫn là Chiaki dịu dàng như ngày đầu gặp gỡ, nhưng Makoto không cách nào nghe được lời tỏ bày của cậu thêm lần nữa. Chính trong lúc đó, Chiaki đã níu Maokoto lại, thì thầm vào tai cô lời hứa hẹn “Mình đợi cậu ở tương lai”. Tất nhiên, người xem sẽ đặt câu hỏi: 2 người vốn không cùng thời đại, chờ đợi sẽ có kết quả sao?
Tuy nhiên chính tại giây phút đó, tình cảm của Makoto và Chiaki đã vượt qua giới hạn thời gian và không gian, vượt qua nỗi buồn li biệt. Điều cả hai ước hẹn không phải một cuộc gặp gỡ, mà là lời hứa sẽ luôn giữ một vị trí mãi mãi dành cho đối phương trong tim mình.
Thành công của Cô Gái Vượt Thời Gian chính là không giảng giải chân lý này như một bài học, mà nhẹ nhàng lồng ghép nó qua cảm nhận của nhân vật: trân trọng hiện tại, cũng đừng cố chấp với quá khứ hay tương lai. “Time waits for no one” – thời gian không chờ ai cả, thế nhưng “But time only waits for you” – thời gian của em chỉ đợi riêng mình anh.
Trailer anime "The Girl Who Leapt Through Time""(Cô Gái Vượt Qua Thời Gian)
14. The Secret World of Arrietty (Đạo diễn: Yonebayashi Hiromasa, 2010)
Do Yonebayashi Hiromasa đạo diễn với cốt truyện viết bởi Miyazaki Hayao và Niwa Keiko dựa trên tiểu thuyết The Borrowers của Mary Norton, anime kỳ ảo Thế Giới Bí Ẩn Của Arrietty đã đoạt giải Phim Hoạt Hình Của Năm tại Lễ trao giải Viện Hàn lâm Nhật Bản lần thứ 34 và được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Studio Ghibli. Ngoài ra doanh thu của phim còn thắng lớn ở thị trường thế giới, trở thành phim có doanh thu phòng vé cao nhất Nhật Bản năm 2010.
Câu chuyện cảm động về cuộc kỳ ngộ giữa hai thế giới
Cậu bé Sho mắc phải căn bệnh tim hiểm nghèo, trước khi tiến hành cuộc phẫu thuật quan trọng thì Sho được đưa đến tĩnh dưỡng ở một căn biệt thự cạnh rừng. Ở đây, Sho gặp được cô bé tí hon Arrietty và phát hiện ra bộ tộc chuyên “mượn đồ” đang sinh sống dưới sàn nhà. Những người tí hon này rất hiền lành, họ sợ hãi thế giới to lớn xung quanh, chỉ khi đêm xuống mới lẻn vào bếp trộm đi vài thứ lặt vặt của con người.
Luật lệ của bộ tộc quy định nếu bị loài người bắt gặp thì nhất định phải dọn nhà, nhưng khi Sho dịu dàng đặt một viên đường lên cửa sổ và nói “Đừng sợ”, Arrietty đã quyết định mở lòng mình cho chàng trai này. Lòng quả cảm của một Arrietty bé nhỏ chính là bài học lớn về sự kiên cường cho những “người khổng lồ” như chúng ta. Nhờ cuộc gặp gỡ kì diệu này, cậu bé Sho đã có thêm niềm tin và sự mạnh mẽ đối diện với ca phẫu thuật sắp tới.
Chiếc cặp tóc của Arrietty tiếp thêm sức mạnh cho Sho
Thế Giới Bí Ẩn Của Arrietty là cơ hội để chúng ta nhìn thế giới của mình bằng một góc độ khác. Phim nhận được sự khen ngợi về phối màu cũng như phóng đại những sự vật quen thuộc xung quanh (giọt nước, ấm trà, âm thanh đồng hồ...) một cách vô cùng tinh tế. Câu chuyện của Arriety phảng phất chút hồn nhiên của trẻ thơ và cách nhìn của người lớn về thế giới với một góc độ hoàn toàn khác, góp phần giúp phim có thể chạm đến trái tim của nhiều lứa tuổi.
Điểm đặc biệt của Studio Ghibli nói chung và những tác phẩm được trau chuốt dưới bàn tay của Miyazaki Hayao nói riêng chính là: từ những nhân vật hết sức bình thường, vẫn có thể viết nên những câu chuyện giản dị mà phi thường; trong đó, không có nhân vật phản diện điển hình, cũng chẳng tồn tại một kết thúc có hậu mang tính cố định.
Mỗi nhân vật đều có “kẻ địch” của riêng mình, với Arrietty là những sinh vật to lớn đe dọa gia đình của cô, với Sho là căn bệnh tim đang đe dọa tính mạng từng ngày. Hai chủng tộc, hai thế giới, Sho và Arrietty đã gặp nhau để thay đổi đối phương và cả bản thân mình. Tuy vậy, cuối cùng họ vẫn không thể đến với nhau. Lúc chia tay, cô tặng anh cái cặp tóc, món quà đó thay Arrietty ở bên Sho trong cuộc phẫu thuật quan trọng nhất.
Đoạn kết của phim, cậu bạn hàng xóm đưa Arrietty và gia đình của cô đi tìm một thế giới mới rộng lớn hơn. Thế nhưng Sho từng nói “Em đã là một phần của trái tim anh rồi”, vì vậy trái tim của Sho cũng là thế giới của Arrietty. Có vay ắt có trả, đêm đó cô gái tí hon vốn chỉ muốn trộm đi một viên đường, cuối cùng cô đã tặng lại chàng trai tình yêu của mình. Thế Giới Bí Ẩn Của Arrietty cũng nhắc nhở chúng ta rằng: chẳng phải cứ yêu thì sẽ đến được với nhau. Đôi khi, mỗi người đều được sống hạnh phúc đã là một kết thúc có hậu rồi, chỉ là không cùng với đối phương mà thôi.
Trailer anime The Secret World of Arrietty" (Thế Giới Bí Ẩn Của Arrietty)
13. Steamboy – Cậu Bé Hơi Nước (Đạo diễn: Otomo Katsuhiro, 2010)
Với tổng kinh phí 2,6 tỷ Yên, Cậu Bé Hơi Nước là anime tốn kém nhất cho tới thời điểm mà nó phát hành. Phim thuộc thể loại khoa học viễn tưởng thực hiện trong vòng 10 năm sử dụng 180.000 bản vẽ và 440 cảnh đồ họa tĩnh, với nhiều hiệu ứng hoành tráng được thiết kế công phu. Cậu Bé Hơi Nước đoạt giải Phim Hoạt Hình Hay Nhất Năm 2004 trong Liên hoan phim quốc tế tổ chức tại Catalonian. Một số nhà phê bình nhận xét rằng: điều đáng tiếc nhất của phim là chưa được trình chiếu rộng rãi ở các nước phương Tây, nếu không nó sẽ còn gặt hái được thành công xứng đáng hơn nữa.
Cậu Bé Hơi Nước vượt trội về mặt hình ảnh
Phim lấy bối cảnh thế kỷ 19 khác với thực tế: thay vì tiến lên thời đại xăng dầu và điện tử mới có các tiến bộ khoa học lớn thì nhân loại đã có những tiến bộ khoa học vượt trội nhờ phát triển những thiết bị khoa học mang trên mình thiết kế của những cỗ máy hơi nước.
Nhân vật chính Ray là một nhà phát minh trẻ tuổi sống tại Vương quốc Anh vào giữa thế kỉ 19. Ngay trước triển lãm Great Exhibition, Steam Ball (quả cầu hơi nước) – một phát minh kì diệu với nguồn năng lượng khủng khiếp ẩn bên trong, đột ngột được gửi cho Ray từ Lloyd, người ông đang ở Hoa Kỳ của cậu. Trong khi đó, tập đoàn Ohara Foundation cũng cử người đến đoạt lại Steam Ball để có thể sử dụng nó phục vụ các mưu đồ đen tối.
Ray và tiểu thư Scarlett
Có thể nói Cậu Bé Hơi Nước là một bản giao hưởng đầy góc cạnh của khoa học kỹ thuật và tư tưởng triết học. Con người đam mê và muốn xây dựng tham vọng trên nền tảng phát triển cơ khí, thế nhưng cơ khí cũng là con dao hai lưỡi lạnh lùng. Phim đặt ra vấn đề ảnh hưởng của khoa học đối với nhân loại, tuy nhiên đến cuối cùng, nhân vật Ray cũng chưa thể đưa ra cách giải quyết triệt để. Chính bởi vì trong thực tế vốn không tồn tại bất kì câu trả lời triệt để nào, cuối cùng Ray lựa chọn hành động theo trái tim của mình: khoa học kỹ thuật được sinh ra không phải để chứng minh trí tuệ và sức mạnh, mà là đem lại hạnh phúc cho con người.
Có lẽ những ai đã quen với phong cách tươi sáng, hình ảnh đơn giản mềm mại của anime sẽ khó lòng “cảm” được phần nền u ám, sắc lạnh của Cậu Bé Hơi Nước. Tuy nhiên, nếu bạn vốn hâm mộ phong cách của đạo diễn Otomo hay đam mê những khung hình đồ sộ, tỉ mỉ đến từng chi tiết (kiến trúc thành phố, bầu trời in bóng xuống dòng nước, cảm giác tinh tế của hơi nước...) thì tác phẩm này sẽ khiến cho bạn mãn nhãn. Cậu Bé Hơi Nước cũng là lời chào đầy kiêu ngạo của Nhật với lĩnh vực phim hoạt hình khoa học kỹ thuật – một thể loại trước đây chỉ dành cho hoạt hình Mỹ.
Trailer anime "Steamboy" (Cậu Bé Hơi Nước)
12. The Place Promised in Our Early Days – Bên Kia Đám Mây, Nơi Ta Hẹn Ước (Đạo diễn: Makoto Shinkai, 2004)
Trong buổi chiều đầy gió, anh chợt biết rằng màu sắc cũng tỏa hương và phát ra những âm thanh tĩnh lặng. Nhìn mái tóc của cô gái ấy tung bay, địa cầu dường như cũng mất đi khái niệm trọng lượng. Vốn dĩ hồi ức có thể đẹp đến nhường này, đủ khiến cho người ta nghẹn lời, vạn vật im tiếng, sợ đánh thức sự tĩnh lặng của nó, đẹp đến mức bi thương.
Bên Kia Đám Mây, Nơi Ta Hẹn Ước ngập tràn một cảm giác ấm áp và buồn bã. Đó là lời hứa bị bỏ quên của ba người bạn về việc chế tạo chiếc máy bay vượt qua ngọn tháp đang chia cắt Nhật Bản. Đó là đan xen nhập nhằng giữa hiện thực và giấc mơ. Đó là tình yêu thời niên thiếu dẫu bị chia cắt bởi thời gian, không gian nhưng vẫn luôn tồn tại, chờ ngày tỉnh giấc.
Bộ ba Sayuri, Hiroki và Takuya
Phim được đặt trong bối cảnh giả tưởng: sau Thế Chiến thứ II, nước Nhật bị chia cắt làm 2 phần, Mỹ chiếm giữ đảo Honshu và Kyushu, còn Quân đồng minh chiếm giữ Hokkaido và xây dựng một ngọn tháp kỳ lạ cao chọc trời. Takuya và Hiroki đã có ước mơ chế tạo chiếc máy bay Valecia có thể cùng đưa Sayuri bay qua đỉnh tháp. Đây không chỉ là lời hứa mà còn là tình yêu chân thành của 2 chàng trai dành cho cô bạn hiền lành.
Cho đến một ngày Sayuri đột ngột biến mất, ước muốn đó cũng tan thành mây khói. Takuya trở thành nhà nghiên cứu làm việc cho Quân đồng minh, còn Hiroki mắc chứng trầm cảm, tự nhốt mình lại trong nỗi cô độc và hồi ức về Sayuri. Thật ra, Sayuri đang hôn mê vì sự sống của cô liên quan đến ngọn tháp, nếu cô và ngọn tháp cùng tỉnh dậy thì nhân loại sẽ bị tiêu diệt. Tiềm thức của Hiroki và Sayuri xuyên qua các tầng không gian để liên lạc với nhau trong giấc mơ. Biết được nếu được đưa qua ngọn tháp Sayuri sẽ tỉnh lại, Hiroki quay trở về cùng Takuya chế tạo lại Valecia để cứu tình bạn của mình.
Valecia thách thức ngọn tháp cao chọc trời
Đồng đạo diễn với anime nổi tiếng 5 Centimet Trên Giây; Bên Kia Đám Mây, Nơi Ta Hẹn Ước cũng là một bộ phim đong đầy những âm thanh buồn da diết, sự chênh vênh giữa bầu trời và mặt đất, cũng như nỗi cô đơn hằn in những dấu chân hồi ức.
“Nghĩ mà xem, giữa thành phố hơn 30 triệu người này, tôi lại chẳng muốn nói chuyện với bất cứ một ai” – Hiroki đã nhấn chìm mình trong sự trống trải, day dứt vì chưa kịp thổ lộ tình cảm với Sayuri. Trái tim anh chỉ thực sự sống lại khi tìm được cách cứu người mình yêu tỉnh dậy. Giây phút Valecia bay qua tháp và vạn vật bắt đầu thay đổi, Hiroki cho phóng tên lửa phá hủy tháp ngăn chặn sự thay đổi vật chất của nó, tạo tiền đề cho việc thống nhất Nhật Bản. Vài phút trước khi kết thúc giấc ngủ dài, Sayuri biết nếu tỉnh lại sẽ đánh mất ký ức 3 năm qua cũng như tình yêu dành cho Hiroki nên cô khóc. Hiroki hứa sẽ cùng Sayuri bắt đầu lại từ đầu.
Không đơn giản chỉ là một bộ phim tình cảm khoác áo khoa học viễn tưởng Bên Kia Đám Mây, Nơi Ta Hẹn Ước là bản giao hưởng của hồi ức và ước mơ. Có những hoài bão, có những con người mà hễ mất đi sẽ để lại những khoảng trống không thể lấp đầy. “Nỗi buồn này, hẳn là cô đơn, là lẻ loi giữa hành tinh rộng lớn này. Thế nhưng anh không quên lời ước hẹn, thế nhưng anh vẫn chưa bao giờ ngừng tìm kiếm em”.
11. The Cowboy Bebop: The Movie – Cánh Cổng Thiên Đàng (Đạo diễn: Watanabe Shinichiro, Okiura Hiroyuki, 2001)
Cowboy Bebop là anime kinh điển có nội dung xoay quanh những cuộc phiêu lưu, những bất hạnh và bi kịch trong cuộc đời của một nhóm người bắt tội phạm săn tiền thưởng, tức "cao bồi" trên con tàu vũ trụ mang tên Bebop. Phiên bản movie chiếu rạp với độ dài 120 phút được công chiếu ở Nhật vào năm 2001.
Vài ngày trước lễ Halloween năm 2071, một chuyến xe đã bị bọn tội phạm làm nổ tung chuyến xe chở hàng trên Đại lộ số 1, khiến một loại virus hết sức nguy hiểm bị phát tán ra ngoài, lấy đi sinh mạng của hàng trăm người. Một phần thưởng lớn được đưa ra với hi vọng tìm được kẻ đứng đằng sau những vụ tấn công nói trên để ngăn chặn những thảm họa tương tự, và phi hành đoàn Bebop vào cuộc.
Nhân vật chính Spike Spiegel - bậc thầy bắn súng, đấu tay đôi
Nếu đã từng yêu thích thể loại phim hành động của Hollywood, hay thậm chí chưa xem bất cứ tập nào của Cowboy Behop trước đây, bạn vẫn có thể xem phiên bản movie và bị nó cuốn hút như thường. Không chỉ có những màn đấu súng, những pha hành động đẹp mắt, phim ghi điểm bởi cách đặt ra những triết lý sâu sắc thông qua thể nghiệm của nhân vật. Hình tượng người anh hùng Spike Spiegel cũng rất khác biệt: một chiến binh cừ khôi, một gã bê bối bất cần đời, cũng là một con người có nội tâm vô cùng phức tạp.
“Tôi có đang tồn tại trong một thế giới thật sự không?”
Anime Cowboy Bebop đi sâu khám phá và thể hiện nhiều ý niệm triết học, cụ thể là nỗi cô đơn, chủ nghĩa hiện sinh và phản hiện sinh. Trong khi đó, xu hướng nghệ thuật của anime tập trung chủ yếu vào âm nhạc Mỹ và các giá trị văn hóa đối nghịch của nó (phản văn hóa), đặc biệt là các trào lưu văn hóa xã hội như thế hệ Beat và nhạc jazz những năm 1940 - 1960 cũng như thời kỳ nhạc rock mới thập niên 1950 - 1970. Mỗi một người trên con tàu Behop đều có một câu chuyện riêng, họ khiếm khuyết, nên họ truy cầu. Xuyên qua giai điệu chán chường của nhạc jazz, Spike xoay lưng, để tất cả hồi ức chìm xuống đáy lòng. Anh rít một hơi thuốc dài rồi thong thả nhả khói, trong một chốc, quá khứ và tương lai cũng trở nên mơ hồ.
Được đánh giá là một trong những kiệt tác anime kinh điển, Cowboy Bebop đồng thời cũng rất thành công về mặt thương mại ở cả trong nội địa Nhật Bản lẫn trên thị trường quốc tế, nhất là ở Mỹ. Cho đến nay, những lời thoại và khung hình được trích từ phim vẫn được khán giả phương Tây yêu thích trên mạng xã hội tumblr. Giống như anime gốc, phiên bản movie này cũng được giới chuyên môn đánh giá rất cao. Cowboy Behop: The Movie – Cánh Cổng Thiên Đàng đã được đề cử ở hạng mục Phim Hoạt Hình Hay Nhất của Hội phê bình phim online năm 2004.
Trailer anime The Cowboy Bebop: The Movie (Cánh Cổng Thiên Đàng)
(Còn tiếp)