“Cô gái ấy đã gây một sự choáng váng lớn cho những người làm công việc xét nghiệm ADN như chúng tôi”, bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền, mở đầu câu chuyện của mình.
Theo bà Nga, hôm đó, khi trung tâm vừa mở cửa thì cô gái đến. Đó là một người còn rất trẻ, khá xinh đẹp nhưng dù mặc chiếc váy rộng cô cũng không thể che được cái bụng đã lùm lùm sau áo.
Cô gái trẻ tâm sự, cô mang thai đã ở tháng thứ 4 nhưng người yêu cô nhất quyết không chịu nhận trách nhiệm. Anh ta cho rằng, cô yêu đương lăng nhăng nên không chắc cái thai trong bụng là “sản phẩm” của anh ta. Bởi vậy, cô muốn xét nghiệm ADN để yêu cầu chàng trai và gia đình anh ta chấp nhận.
Một thủ tục trong ca xét nghiệm ADN cho khách hàng.
Tuy nhiên cô gái trẻ mang đến 2 mẫu của 2 người đàn ông để xét nghiệm. Để tiết kiệm chi phí cho khách hàng, tôi khuyên cô gái: “Cháu nên xét nghiệm với một mẫu thôi. Sau đó, mình dùng phương pháp loại trừ “không phải con người này sẽ là con người kia” để đỡ mất thời gian và tốn chi phí”.
Nhưng đề xuất của bà Nga không được cô gái trẻ đồng thuận. Sau phút giây ngập ngừng, cô cho biết: "Thật ra cháu nghi ngờ 3 người có khả năng là bố của con cháu. Thế nên muốn "chắc ăn", phải xét nghiệm 2 người, nếu không phải 2 người này thì mới là của người thứ 3".
Bà Nga chia sẻ thêm: “Kết quả ADN cho thấy, 2 người đàn ông được xét nghiệm không có quan hệ huyết thống với cái thai trong bụng”. Tôi cũng tưởng cô gái sẽ chắc chắn người thứ 3 là cha của đứa trẻ vậy mà gương mặt cô gái vẫn lộ rõ sự băn khoăn".
Đúng như bà Nga dự đoán, thời gian ngắn sau đó, cô gái trẻ trên lại quay lại trung tâm. Lần này, cô đưa thêm một mẫu nữa và ngại ngùng nói: “Cháu nghi ngờ 4 người đàn ông là bố của con cháu. Nếu lần này không phải nữa thì chắc chắn cái thai trong bụng là con của người thứ 4 kia”.
Cuối cùng, sau nhiều ca xét nghiệm, nhiều lần đi lại cô gái cũng đã xác định được bố của con mình.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền, trung tâm này đã thực hiện không dưới 1.000 ca chọc ối để lấy mẫu xét nghiệm ADN cho các thai phụ.
Trong đó, có một trường hợp khác khiến bà Nguyễn Thị Nga ấn tượng là vụ việc đứa trẻ trong bào thai là con của người bố, không phải con của người mẹ.
Bà Nga kể lại, tìm đến trung tâm của bà hôm đó là một người vợ Việt và chồng nước ngoài. Họ làm xét nghiệm ADN cho đứa trẻ trong bụng, hoàn tất thủ tục để người vợ được theo chồng sang nước ngoài.
“Sau khi xét nghiệm, kết quả bào thai trong bụng là “con của người bố, không phải con của mẹ” này đã khiến nhiều nhân viên chúng tôi cực kỳ kinh ngạc. Các nhân viên lo lắng đã có khâu nào sai sót khiến sai lệch kết quả.
Tuy nhiên sau khi kiểm tra lại nhân viên của tôi không phát hiện sai sót nào. Chúng tôi lại nghĩ đến trường hợp nhầm mẫu. Vậy nhưng sáng đó trung tâm chỉ lấy mẫu xét nghiệm cho 2 trường hợp là 1 bé trai và 1 bé gái, trong đó con của sản phụ này là con trai nên chuyện nhầm lẫn mẫu không thể xảy ra.
Sau khi suy nghĩ tôi quyết định gọi một cuộc điện thoại để làm sáng tỏ vấn đề", nữ Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền kể lại.
Theo đó, bà Nga gọi điện cho người vợ và hỏi: “Em làm thụ tinh ống nghiệm tại bệnh viện nào?”. Khi nghe người phụ nữ trẻ xác nhận, bà đã có được câu trả lời của mình.
Bà Nga cho biết: “Cặp đôi đó khó có con nên làm thụ tinh ống nghiệm. Họ lấy tinh trùng của người chồng cấy vào trứng của một người khác để tạo phôi. Sau đó phôi này được cấy vào người vợ Việt để chị mang thai”.Khi nhận được kết quả, cặp vợ chồng trên cũng hết sức bất ngờ. Người vợ nằng nặc khẳng định trung tâm làm sai nên họ không chấp nhận. Tuy nhiên, sau khi được giải thích cặp đôi mới vỡ lẽ ra mọi chuyện.
Khi người phụ nữ trẻ nói: “Cháu cứ tưởng con trong bụng mình sẽ là của mình?”, bà Nga đã nhấn mạnh: “Về mặt tình cảm người mẹ mang nặng đẻ đau suốt 9 tháng 10 ngày dành nhiều tình cảm cho đứa trẻ nên nó sẽ là con của em. Tuy nhiên về mặt sinh học thì không phải”.
Người vợ này đang muốn làm xét nghiệm AND để theo chồng sang nước ngoài nên rất lo lắng. Chị tha thiết nhờ trung tâm thay đổi kết quả để hoàn chỉnh hồ sơ một cách hợp pháp. Tuy nhiên lời đề nghị này của người phụ nữ trẻ đã không được đáp ứng.
Chuyện oái oăm như trên không phải hiếm tại trung tâm xét nghiệm ADN. “Có lần hai mẹ con một gia đình còn lớn tiếng cãi nhau ngay tại trung tâm sau khi nhận tờ kết quả, bà Nga chia sẻ.
Bà kể, đến trung tâm xét nghiệm hôm đó là một cô gái đang mang thai. Đưa cô gái đến là một chàng trai, người yêu cô gái và mẹ của cô.
Sự chán nản hiện rõ trên gương mặt chàng trai trẻ. Tuy nhiên ngay từ lúc lấy mẫu cô gái đã khăng khăng: “Anh không phải phí công làm xét nghiệm làm gì, bé trong bụng em là con anh chứ con ai”.
Mặc dù vậy họ vẫn tiến hành chọc ối để xét nghiệm AND. Sau khi lấy mẫu, cô gái muốn sau 7 ngày lấy kết quả vì: “Em phải về nhà nghỉ dưỡng, ngồi chờ đây em rất mệt, không tốt cho con”. Tuy nhiên chàng trai đi cùng tỏ vẻ sốt ruột. Anh ta trả thêm phí để lấy kết quả luôn.
Trong khi cô gái trẻ và người mẹ ở lại trung tâm để chờ kết quả thì chàng trai lấy xe đi thẳng. Anh ta nói đi uống cốc cà phê, hút điếu thuốc để giết thời gian. Trong lúc ngồi chờ, cô gái và mẹ nói chuyện rất to khiến người ngoài dù không muốn nghe cũng phải chú ý. Trong câu chuyện đó, người mẹ bày tỏ kết quả người đàn ông trên là bố của cháu ngoại mình bởi anh ta giàu có. Cô gái trẻ khẳng định chắc chắn với mẹ: “Con đã tính ngày cả rồi, thai là của anh đó không lẫn đi được”.
Tuy nhiên, kết quả cho thấy chàng trai không phải là bố của đứa trẻ. Vừa thấy kết quả, mặt anh ta giãn ra, đầy nhẹ nhõm. Anh ta phóng xe đi về để mặc cô người yêu đang thẫn thờ thất vọng.
Bà mẹ liên tục trách móc con gái để lỡ mất “con cá sộp”, cô gái thì cứ khăng khăng: “Con tính ngày rồi, không lệch đi đâu được chắc là kết quả sai rồi. Con sẽ đi trung tâm khác để xét nghiệm cho ra nhẽ”. Bà mẹ mắng cô gái, hai mẹ con họ cãi nhau ỏm tỏi ở giữa trung tâm khiến chúng tôi cũng ngao ngán.