Phát sốt vì giá vàng rơi thẳng đứng

Ngọc Mai, Theo Tiền Phong 18:07 13/03/2024

Giá vàng miếng và nhẫn trơn ngày hôm nay liên tiếp giảm mạnh, tới cuối giờ chiều nay (13/3), mỗi lượng "bốc hơi" từ 1,8 - 2 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC còn hơn 80 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn về khoảng 68 triệu đồng/lượng.

Sau hơn hai tuần miệt mài tăng và liên tiếp lập đỉnh cao mới, giá vàng miếng và vàng nhẫn của một số thương hiệu hôm qua đã quay đầu đi xuống. Mặc dù vào cuối giờ chiều, các doanh nghiệp đã chiều chỉnh tăng nhẹ giá vàng nhưng so với đầu giờ sáng vẫn giảm mạnh.

Vào lúc 17h, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng miếng SJC còn 78,2- 80,7 triệu đồng/lượng, giảm 1,8 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng nhẫn còn 67,28 - 68,78 triệu đồng/lượng, giảm 2 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới vẫn đứng im so với buổi sáng quanh mốc 2.159 USD/ounce.

Phát sốt vì giá vàng rơi thẳng đứng - Ảnh 1.

Giá vàng miếng, nhẫn giảm mạnh trước sự ngỡ ngàng của nhiều nhà đầu tư.

Quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank tương đương với 64,55 triệu đồng một lượng. Chênh lệch giữa giá vàng miếng và nhẫn trơn so với thế giới hiện tương ứng 17,5 triệu đồng và 4,5-5,5 triệu đồng.

Hôm nay cũng ghi nhận tỷ giá USD cũng quay đầu giảm sau khi tăng kỷ lục lên 25.700 đồng/USD trên thị trường chợ đen. Giá USD tự do hôm nay được giao dịch phổ biến quanh mức 25.320 - 25.650 đồng/USD mua vào - bán ra. So với hôm qua, giá USD tự do hôm nay giảm 160 đồng ở chiều mua vào và giảm 50 đồng ở chiều bán ra.

Như vậy, sau 2 ngày, giá USD tự do giảm 180 đồng ở chiều mua vào và giảm 150 đồng ở chiều bán ra.Tình trạng găm giữ ngoại tệ trong bối cảnh đồng USD liên tục tăng tại thị trường trong nước lẫn thế giới được cho là nguyên nhân khiến giá USD trên thị trường tự do chênh lệch lớn với ngân hàng. Có thời điểm, mức chênh lệch tới hơn 1.000 đồng.

Trước tình trạng trên, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái ứng phó với biến động tỷ giá trên thị trường tự do, với việc chào bán tín phiếu trở lại trong phiên giao dịch ngày 11/3, sau 4 tháng tạm ngưng.

Sau 2 phiên 11-12/3, Ngân hàng Nhà nước đã hút về gần 30.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng qua kênh tín phiếu. Ngay sau đó, giá USD tự do đã quay đầu giảm mạnh.

Theo giới phân tích, động thái này nhằm hỗ trợ cho tỷ giá đang xuất hiện nhiều áp lực thời gian gần đây. Việc phát hành tín phiếu, hút bớt thanh khoản trên thị trường 2 làm tăng lãi suất VNĐ, giảm áp lực đầu cơ USD trong ngắn hạn.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng nhẹ cuối ngày 13/3 ở mức 23.957 đồng, tăng 2 đồng so với phiên trước. Áp dụng biên độ 5%, các ngân hàng thương mại hôm nay được phép giao dịch với tỷ giá trần là 25.155 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.759 đồng/USD.

Các chuyên gia cho rằng, hiện Ngân hàng Nhà nước chưa có động thái trực tiếp liên quan đến thị trường vàng nhưng gián tiếp qua việc hạ nhiệt tỷ giá.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - cho biết, giá vàng trong nước giảm mạnh ngoài tác động của giá vàng thế giới, yếu tố đồng USD "hạ nhiệt" cũng kéo theo giá vàng giảm. Thời gian vừa qua, giá vàng tăng nóng cũng một phần giá USD "chợ đen" liên tục lập đỉnh.

Tuy nhiên, về lâu dài, ông Hùng cho rằng thị trường vàng cần ổn định. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước nên sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. Có 2 yếu tố then chốt cần sửa là độc quyền vàng miếng SJC và nhập vàng. Nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước không còn cấp hạn ngạch dập vàng miếng SJC.

"Nghị định 24 sửa không còn độc quyền vàng miếng, lập tức vàng miếng SJC sẽ hạ 10 triệu đồng/lượng. Khi nguồn cung vàng tăng khi các doanh nghiệp được nhập, các sản phẩm vàng khác như nhẫn, trang sức cũng giảm theo", ông Hùng nói.