Khi ăn cơm cùng trẻ nhỏ, không thể tránh khỏi những tình huống khó xử xảy ra, ví dụ như có côn trùng hoặc tóc rơi vào thức ăn. Trong trường hợp này, bạn sẽ làm gì?
Vài ngày trước, có 2 bà mẹ ở Trung Quốc đã gặp phải vấn đề tương tự khi ăn cùng con. Một sợi tóc xuất hiện trong bát và 2 bà mẹ đã có những phản ứng khác nhau, điều này phần nào nói lên EQ và cả IQ của họ.
Khi mẹ của Tiểu Linh phát hiện có sợi tóc trong bát đồ ăn của con mình, cô đã gào lên và gọi ngay nhân viên nhà hàng tới. Sau đó, cô bắt đầu lớn tiếng chỉ trích về việc tại sao có tóc xuất hiện trong đồ ăn của khách hàng. Cô còn kết luận nhà hàng không đảm bảo vấn đề vệ sinh trong khâu chế biến, còn hù dọa kiện ra tòa.
Phản ứng của mẹ Tiểu Linh cũng là điều dễ hiểu, nhiều người mẹ cũng sẽ làm như vậy vì họ rất chú trọng tới đồ ăn của con mình, vấn đề vệ sinh cần ưu tiên hàng đầu. Khi có một sợi tóc xuất hiện, thông thường chúng ta sẽ có cảm giác gì đó rất kinh khủng, chỉ muốn đổ bỏ tất cả đồ ăn còn lại. Tuy nhiên, phản ứng này sẽ tạo ra một thói quen ảnh hưởng tới trẻ, đó là chúng có thể trở nên rất khó tính và dễ mất bình tĩnh sau này.
Trong khi đó, một người mẹ khác cũng gặp vấn đề này khi ăn, đó mẹ của Khải Khải, nhưng phản ứng của cô lại trái ngược.
Mẹ của Khải Khải lấy đũa gắp sợi tóc ra ngoài, nói một cách bình tĩnh với con mình: "Có lẽ sợi tóc không may rơi vào đồ ăn, chẳng ai cố ý làm như vậy cả. Đầu bếp phải nấu rất nhiều món cho mọi người, sơ suất nhỏ như vậy chúng ta có thể thông cảm mà bỏ qua được đúng không con".
Sau đó, cô vứt sợi tóc đi và tiếp tục ăn. Phản ứng của mẹ Khải Khải có ảnh hướng lớn tới cách nhìn nhận sự việc khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn, thậm chí những người xung quanh còn tỏ ra ngưỡng mộ cách hành xử của cô.
Phản ứng của mẹ Khải Khải giúp con mình hiểu được công sức của người khác, thậm chí khi gặp khó khăn hay cảm thấy bị tổn thương cũng sẽ tỏ ra hiểu và thông cảm. Điều này giúp trẻ lớn lên biết cách chấp nhận và tha thứ người khác.
Giáo dục gia đình của trẻ không phải là những lời sáo rỗng bắt ép con phải nghe theo mà thông qua các tình huống thực tế trong cuộc sống, phản ứng của cha mẹ sẽ là chiếc gương phản chiếu để trẻ bắt chước theo.
Cải thiện EQ (trí thông minh cảm xúc) cho trẻ là một quá trình phát triển từng bước và đòi hỏi sự đầu tư và hỗ trợ từ cha mẹ. Dưới đây là một số cách để cải thiện EQ cho trẻ:
- Xây dựng mối quan hệ ấm áp và hỗ trợ
Tạo ra một môi trường gia đình yêu thương, nơi trẻ cảm thấy an toàn và tự tin để thể hiện cảm xúc của mình. Cha mẹ hãy lắng nghe và hiểu những gì trẻ muốn truyền đạt, cung cấp sự hỗ trợ khi cần thiết.
- Làm gương
Cha mẹ nên trở thành tấm gương tích cực trong việc quản lý cảm xúc và giải quyết xung đột. Hãy cho trẻ thấy cách bạn điều chỉnh cảm xúc khi có một vấn đề nào đó xảy ra.
- Khuyến khích sự tự nhận thức
Giúp trẻ nhận ra và hiểu cảm xúc của mình bằng cách đặt câu hỏi như "con đang cảm thấy như thế nào?" hoặc "tại sao con cảm thấy như vậy?" để khuyến khích trẻ thể hiện cảm xúc và suy nghĩ về những điều đã xảy ra.
- Phát triển kỹ năng quản lý cảm xúc
Hướng dẫn trẻ cách nhận ra, chấp nhận và điều chỉnh cảm xúc của mình. Cha mẹ nên dạy trẻ cách sử dụng các kỹ năng tự điều chỉnh như thở sâu, tập trung vào tích cực, bình tĩnh giải quyết vấn đề.
- Khuyến khích khả năng đồng cảm
Hãy dạy trẻ cách đặt mình vào vị trí của người khác và cảm thông với cảm xúc của họ. Khuyến khích trẻ chia sẻ và hỗ trợ từ bạn bè khi trẻ cần.
- Xây dựng kỹ năng giao tiếp
Cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ cách diễn đạt ý kiến, nguyện vọng, cảm xúc của mình một cách rõ ràng và tôn trọng người khác.