Piranha là loài cá sát thủ của sông Amazon. Dù sự nguy hiểm của chúng có phần bị nói quá và do con người tác động là chủ yếu, nhưng khả năng rỉa sạch thịt của một con bò đến tận xương là có thật. Và hiển nhiên, chúng có nguy hiểm.
Ngoài tự nhiên, Piranha chẳng ngán cá sấu, không sợ trăn anaconda, cũng chẳng ngại báo đốm. Duy chỉ có loài lươn điện - hay cá chình điện - là đủ khả năng khiến chúng trở nên thê thảm. Đã từng có trường hợp cá chình điện khiến hơn 30 con piranha trong phạm vi 6m xung quanh bị sốc chết, ngửa bụng trắng phớ nổi lềnh phềnh trên mặt nước.
Nhưng bạn biết không, một con lươn điện bình thường chỉ phát ra dòng điện với hiệu điện thế (HĐT) khoảng 650V thôi. Mới đây, các nhà khoa học đã tìm ra 2 loài lươn mới, trong đó 1 loài có thể phát ra dòng điện mạnh nhất hành tinh, hơn bất kỳ loài vật nào con người biết đến.
Loài vật có khả năng phát điện kỷ lục có tên Electrophorus voltai (E. voltai), với cú sốc điện đo nhanh rơi vào khoảng 860V. Dòng điện cỡ này đủ để khiến một sinh vật có kích cỡ lớn như con người phải chịu đau đớn nghiêm trọng, thậm chí đau còn hơn cả súng điện, làm ngất xỉu và có khả năng làm trụy tim.
Loài còn lại là E. varii. Dù chỉ sốc điện được khoảng 572V thôi, nhưng cùng với E. voltai, cả 2 loài đã khiến khoa học phải có cái nhìn khác về lươn điện.
Những con lươn thay đổi thực tế lịch sử
Trước khi 2 loài lươn mới được tìm ra, nhân loại đã tin rằng lươn điện chỉ có một loài duy nhất, đó là E. electricus được tìm ra từ 250 năm trước. Với việc phát hiện ra 2 loài lươn mới tại Amazon, chúng cho thấy lươn điện có đa dạng sinh học rất lớn, và còn nhiều điều chưa được phát hiện ra.
"Dựa trên các mẫu gene, dữ liệu di truyền, dữ liệu sinh thái... chúng tôi bác bỏ giả thuyết về việc chỉ có 1 loài lươn tại Amazon." - tác giả nghiên cứu cho biết.
"Phân tích của chúng tôi xác định có 3 dòng lươn đã tách ra trong 2 thế Miocene và Pliocene, với 2 dòng lươn là mới được tìm thấy. Trong đó, một loài có khả năng sốc đến 860V một lần, vượt xa kỷ lục 650V Electrophorus từng làm được. Điều này biến chúng trở thành loài có khả năng phát điện mạnh nhất hành tinh."
Theo James Albert - chuyên gia ngư loại học từ ĐH Louisiana (Hoa Kỳ), con số 860V cũng chưa chắc đã phản ánh được hết khả năng của loài lươn này. "Nếu có thêm dữ liệu, tôi tin rằng chúng ta sẽ có những cú sốc điện mạnh hơn. Dám chắc phải hơn 1 ngàn volt."
Để xác định được 2 loài E. voltai và E. varii, các chuyên gia đã phải phân tích chi tiết ADN của 107 mẫu lươn được cho là tách ra từ E. electricus vào giai đoạn 7,1 triệu - 3,6 triệu năm trước.
Mỗi loài có một khu vực hoạt động riêng, và theo các chuyên gia thì đây có thể là lý do vì sao E. voltai tạo ra được những cú sốc điện gần cả ngàn volt như thế. Đó là vì địa hình: chúng sống ở các vùng nước cao, nơi không thuận tiện để dễ dàng phóng điện.
Được biết, lươn điện thực chất là cá, với 3 cơ quan đặc biệt trong hệ thần kinh cho phép sản sinh dòng điện cao thế. Chúng sử dụng điện để cảm nhận môi trường xung quanh, tấn công con mồi và để tự vệ.
Bản thân lươn điện cũng chính là nguồn cảm hứng để con người tạo ra pin từ năm 1799.
"E. voltai có lẽ sở hữu hệ enzyme riêng với các hợp chất khác biệt so với lươn điện thông thường, và chúng có thể sử dụng để chế tạo thuốc, hoặc áp dụng vào công nghệ mới," - trích lời C David de Santana, nhà động vật học từ bảo tàng tự nhiên Smithsonian.
Và điều quan trọng nhất là nếu các nhà khoa học muốn có được những phát kiến tương tự trong tương lai, thì khu rừng cần được bảo vệ tốt hơn khỏi những tác động của con người, thay vì phải chịu đựng hết cháy rừng đến chặt phá gỗ như hiện nay.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.