Phát hiện mỏ vàng lớn nhất vũ trụ trị giá lên tới 700 triệu tỷ USD, NASA lập tức vào cuộc

Y Vân, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 11:00 23/07/2025
Chia sẻ

Các cơ quan vũ trụ đang để mắt tới các mỏ khoáng sản khổng lồ trên các tiểu hành tinh.

Trong nhiều thế kỷ, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) luôn theo đuổi giấc mơ về nguồn tài nguyên chưa được khai thác trong vũ trụ. Với sự tiến bộ của công nghệ không gian và robot, giấc mơ ấy đang dần trở nên khả thi. Không chỉ NASA, nhiều cơ quan vũ trụ và công ty tư nhân hiện cũng đang nhắm đến các tiểu hành tinh, không chỉ để nghiên cứu mà còn để khai thác khoáng sản quý giá bên trong chúng.

Phát hiện mỏ vàng lớn nhất vũ trụ trị giá lên tới 700 triệu tỷ USD, NASA lập tức vào cuộc- Ảnh 1.

Tiêu biểu là 16 Psyche – một tiểu hành tinh khổng lồ giàu kim loại nằm trong vành đai tiểu hành tinh – hiện đang dẫn đầu danh sách các “mỏ khoáng sản vũ trụ” tiềm năng. Một số tiểu hành tinh thậm chí được cho là chứa lượng vàng và kim loại quý còn nhiều hơn tổng trữ lượng trên Trái đất.

Vào năm 2019, các nhà thiên văn học từng khiến công chúng sửng sốt khi công bố ước tính giá trị khoáng sản, gồm sắt, niken, và vàng trên 16 Psyche có thể lên tới 700 triệu tỷ USD. Con số này khiến nhiều tờ báo giật tít “mỗi người trên Trái đất có thể trở thành tỷ phú”. Dù nghe có vẻ viển vông, phát hiện này làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận nghiêm túc về tương lai ngành khai khoáng ngoài không gian, cũng như các rủi ro với hệ thống tài chính toàn cầu nếu nguồn cung kim loại quý tăng đột biến.

Mặc dù tiểu hành tinh Psyche chứa lượng kim loại khổng lồ, việc đưa chúng về Trái đất là một thách thức lớn cả về kỹ thuật, chi phí và quy định pháp lý. Ngay cả khi việc khai thác thành công, việc bơm lượng kim loại quý khổng lồ vào thị trường có thể khiến giá cả sụp đổ, gây ra lạm phát, rối loạn tài chính và cuộc cạnh tranh địa chính trị gay gắt giữa các quốc gia.

Hiện nay, quyền sở hữu tài nguyên ngoài vũ trụ vẫn là một vùng xám pháp lý, trong khi công nghệ khai thác, tinh luyện trong không gian và vận chuyển vật liệu về Trái đất vẫn còn rất sơ khai.

Thay vì khai thác, NASA hiện đang ưu tiên thăm dò. Tàu vũ trụ Psyche, được phóng vào tháng 10/2023, sẽ không tiến hành khai thác mà thực hiện nhiệm vụ khảo sát cấu trúc và thành phần của tiểu hành tinh này. Tàu dự kiến tiếp cận Psyche vào năm 2029, giúp cung cấp dữ liệu quan trọng để đánh giá tính khả thi của việc khai thác kim loại từ không gian.

NASA đã xác định hơn 1,3 triệu tiểu hành tinh trong hệ Mặt trời, trong đó nhiều tiểu hành tinh giàu kim loại quý như bạch kim, cobalt và vàng.

Tiểu hành tinh từng được cho là nguyên nhân dẫn đến tuyệt chủng khủng long, nhưng chúng cũng có thể là nguồn gốc của sự sống. Một số nhà khoa học cho rằng nước, carbon và các axit amin – thành phần tạo nên sự sống – có thể đến từ các vụ va chạm của thiên thạch với Trái đất.

Trong khi đó, nguy cơ va chạm trong tương lai vẫn là mối đe dọa có thật. Năm 2022, NASA đã thực hiện thành công DART, sứ mệnh làm chệch hướng quỹ đạo một tiểu hành tinh nhỏ – đánh dấu bước tiến lớn trong chiến lược phòng vệ hành tinh.

Dù chưa thể khai thác trong thời gian gần, sứ mệnh Psyche sẽ giúp nhân loại hiểu rõ hơn về sự hình thành các hành tinh, cách tài nguyên phân bổ trong vũ trụ và vị trí đặc biệt của sự sống trên Trái đất.

Những tiểu hành tinh này không chỉ chứa kim loại. Chúng mang theo lịch sử, rủi ro và cả những cơ hội chưa từng có trong kỷ nguyên không gian.

(Tham khảo: Ecoportal)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày