Phát hiện khủng long bên trong bộ xương cá sấu niên đại 95 triệu năm

Quỳnh Chi, Theo VTV 10:48 15/02/2022

Các nhà khoa học Australia đã công bố phát hiện không chỉ về một loài cá sấu mới mà còn cho biết rằng, bữa ăn cuối cùng của con cá sấu này có thể là khủng long.

Phần xương hóa thạch còn lại của con cá sấu, được đặt tên là Confractosuchus sauroktonos, được phát hiện tại một trại cừu ở bang Queensland của Australia và được cho là đã hơn 95 triệu năm tuổi.

Trong khi khớp nối các phần xương hóa thạch của con cá sấu cổ đại lại với nhau, các nhà nghiên cứu đã phát hiện bộ xương của một con khủng long ăn thịt nhỏ ở độ tuổi vị thành niên bên trong dạ dày của cá sấu.

Các nhà khoa học nói rằng, đây là bằng chứng đầu tiên về việc cá sấu ăn thịt khủng long ở Australia.

Bảo tàng Thời kỳ khủng long Australia cho biết: "Việc phát hiện ra một con Ornithopod vị thành niên nhỏ trong dạ dày của cá sấu ở kỷ Phấn trắng là vô cùng hiếm, vì chỉ có một số ít bằng chứng về việc săn mồi của khủng long được biết đến trên toàn cầu".

Hóa thạch lần đầu tiên được phát hiện và khai quật bởi các nhân viên và tình nguyện viên của bảo tàng vào năm 2010.

Phát hiện khủng long bên trong bộ xương cá sấu niên đại 95 triệu năm - Ảnh 1.

Phần còn lại của hóa thạch cá sấu được tìm thấy tại một trại cừu ở bang Queensland (Ảnh: Sky News)

Vì xương quá mỏng và nằm dày đặc trong một khối đá không thể lấy ra được, Tiến sĩ Joseph Bevitt, một nhà khoa học tại Tổ chức Khoa học và Công nghệ Hạt nhân Australia (ANSTO), đã sử dụng công nghệ quét vi X-quang neutron và synctron để xác định vị trí các phần xương được định vị.

Sau đó, ông gửi dữ liệu scan cho Tiến sĩ Matt White, một nhà nghiên cứu cộng sự tại bảo tàng, người đã chuẩn bị công nghệ kỹ thuật số cho mẫu vật, một dự án bao gồm 10 tháng xử lý máy tính để tạo ra một bản tái tạo 3D của xương.

Tiến sĩ White cho biết, số lượng xương hiện nay là đáng kinh ngạc, với 35% xương cá sấu được bảo quản. Bộ xương bao gồm một hộp sọ gần như hoàn chỉnh, nhưng đuôi và chân sau của nó bị thiếu.

Tiến sĩ White cho biết: "Vào thời điểm chết, con cá sấu nước ngọt này dài khoảng 2,5m và vẫn đang phát triển. Dù loài Confractosuchus không chuyên ăn khủng long, nó sẽ không bỏ qua con mồi một cách dễ dàng, chẳng hạn như xác của con khủng long Ornithopod non được tìm thấy trong dạ dày của nó".

Phát hiện khủng long bên trong bộ xương cá sấu niên đại 95 triệu năm - Ảnh 2.

Hộp sọ của Confractosuchus (a và b) so với cá sấu chúa và cá sấu mõm ngắn ngày nay (Ảnh: Sky News)

Các nhà khoa học không thể xác định được loài chim ăn bị ăn thịt còn lại trong dạ dày của cá sấu vì nó đã bị tiêu hóa một phần, nhưng vào lúc chết con chim này là một con non và nặng tới 1,7kg.

Các xương được tìm thấy nguyên vẹn, điều này cho thấy cá sấu có thể trực tiếp giết chết con khủng long non hoặc ăn xác nó một cách nhanh chóng.

Một trong những xương đùi của loài Ornithopod bị cắt làm đôi và xương đùi còn lại bị cắn rất mạnh, để lại dấu răng hằn trên bề mặt xương.

Tiến sĩ White cho biết: "Do không có các mẫu vật toàn cầu dùng để so sánh, con cá sấu thời tiền sử này và bữa ăn cuối cùng của nó sẽ tiếp tục cung cấp manh mối về mối quan hệ và hành vi của các loài động vật sinh sống ở Australia hàng triệu năm trước".