Phát hiện khó tin: Thiên thạch từng hủy diệt khủng long có tiềm năng diệt được cả ung thư

J.D, Theo Helino 16:39 06/02/2019

Tảng thiên thạch hủy diệt xưa kia lại chứa một kim loại siêu hiếm, với tiềm năng tiêu diệt cả ung thư.

Theo những gì khoa học biết đến ngày nay, loài khủng long từng một thời thống trị Trái đất đã bị hủy diệt vì một tảng thiên thạch khổng lồ vào 66 triệu năm trước. Tảng thiên thạch có tên là Chicxulub, đã khiến khí hậu Trái đất biến đổi theo cái cách cực đoan nhất có thể, tạo ra một sự kiện đại diệt chủng tầm cỡ thế giới.

Phát hiện khó tin: Thiên thạch từng hủy diệt khủng long có tiềm năng diệt được cả ung thư - Ảnh 1.

Tảng thiên thạch từng hủy diệt khủng long (ảnh minh họa)

Tóm lại, Chicxulub có thể xem là cái tên tượng trưng cho sự hủy diệt. Vậy nên chẳng ai ngờ rằng tảng thiên thạch này lại đang nắm giữ bí mật để con người có thể điều trị ung thư cả.

Cụ thể theo các chuyên gia từ ĐH Warwick (Anh Quốc), tại miệng hố nơi thiên thạch Chicxulub rơi xuống có tồn tại Iridi - một kim loại có nguồn gốc ngoài hành tinh. Là một kim loại từ vũ trụ, nên trên Trái đất nó là nguyên tố hiếm bậc nhất thế giới. Và khi bắn phá nó bằng tia laser, chúng ta sẽ thu được một loại oxy kỳ lạ có khả năng tấn công các tế bào ung thư.

Theo thí nghiệm của các chuyên gia, iridi có thể bám vào các protein albumin trong máu, qua đó xâm nhập và tiêu diệt cả tế bào ung thư. Thông qua quá trình oxy hóa, các tế bào ung thư sẽ bị phá hủy mà không gây tổn hại đến các mô khỏe mạnh lân cận.

Thực ra, iridi không thể tự tìm tới các tế bào ung thư, mà phải dựa vào albumin. Giáo sư Cinzia Imberti cho biết protein này có vai trò như một máy bay ném bom, thả iridi chính xác vào các tế bào ung thư để tiêu diệt chúng.

Phát hiện khó tin: Thiên thạch từng hủy diệt khủng long có tiềm năng diệt được cả ung thư - Ảnh 2.

Như đã nêu, iridi trên Trái đất vẫn còn rất hiếm. Theo ước tính, lượng kim loại có trong Chicxulub còn cao hơn toàn bộ trữ lượng iridi trên toàn Trái đất. Tuy nhiên do công nghệ vũ trụ ngày càng phát triển, chúng ta hoàn toàn có thể khai thác kim loại này nhiều hơn, miễn là nó chứng minh được tác dụng.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Angewandte Chemie International Edition

Tham khảo: IFL Science