Phát hiện kháng thể có khả năng vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2

Kông Anh, Theo VTC News 01:11 06/05/2020

Các nhà nghiên cứu tại Hà Lan vừa phát hiện ra kháng thể có khả năng ngăn chặn sự lây nhiễm của virus corona chủng mới trong các tế bào.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Utrecht, Trung tâm Y khoa Erasmus và Harbor BioMed (HBM), Hàn Lan đã phát hiện một loại kháng thể có thể ngăn chặn virus corona chủng mới nhiễm vào các tế bào.

Phát hiện này được công bố trên tạp chí Nature Communications. Đây là bước khởi đầu hướng tới việc phát triển một kháng thể để điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 mới gây ra.

Phát hiện kháng thể có khả năng vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 - Ảnh 1.

Các nhà nghiên cứu tại Hà Lan vừa phát hiện ra kháng thể có khả năng vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2. Ảnh: Scitechdaily

Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã thực hiện việc tiêm vào tế bào của chuột thí nghiệm những phiên bản tinh lọc những protein tăng đột biến trong các chủng virus corona khác nhau, trong đó bao gồm cả những chủng gây Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).

Sau đó, nhóm nghiên cứu đã theo dõi để xem liệu các kháng thể sẽ vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 – gây ra dịch COVID-19 và SARS-CoV - virus gây ra SARS, trong các mẫu phòng thí nghiệm và đã phát hiện kháng thể 47D11 có thể ngăn chặn được cả mầm bệnh và nguồn bệnh nhiễm vào tế bào. Kháng thể 47D11 được sử dụng để xâm nhập vào cơ thể và ngăn chặn SARS-CoV-2 theo cách trung hòa mầm bệnh.

Berend-Jan Bosch, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Utrecht, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, nghiên cứu này dựa trên công trình mà nhóm của ông đã thực hiện trước đó về việc thử nghiệm các kháng thể nhằm kháng virus SARS-CoV.

"Sử dụng bộ kháng thể SARS-CoV này, chúng tôi đã xác định được một loại kháng thể cũng vô hiệu hóa sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong các tế bào. Một kháng thể trung hòa như vậy có khả năng ngăn chặn nguồn bệnh và bảo vệ cá nhân không bị nhiễm virus”, ông Berend-Jan Bosch cho hay.

(Nguồn: Sciencedaily, Newsweek)