Thời gian gần đây, tin đồn về việc virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây nên đại dịch Covid-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc đang rộ lên, nhất là sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump có những phát ngôn thể hiện rõ mối nghi ngại này.
Cùng với việc nguồn gốc của virus chưa được làm sáng tỏ, nhiều người đã hướng sự nghi ngờ vào phòng thí nghiệm của Viện virus học Vũ Hán (WIV). Tuy nhiên theo Jonna Mazet - một chuyên gia dịch tễ từ ĐH California, Davis, thực sự có "rất rất ít" khả năng virus là sản phẩm nhân tạo.
Phòng thí nghiệm virus
Được biết, Mazet từng làm việc cùng các chuyên gia tại Vũ Hán trong quá khứ. Bà nhận định: "Chúng tôi đã cùng nhau xây dựng các tiêu chuẩn an toàn cực cao. Thực sự có rất ít khả năng virus rò rỉ từ đây," đồng thời đưa ra 4 lý do để củng cố cho quan điểm này.
Theo Mazet, phòng thí nghiệm tại Vũ Hán có chuẩn an toàn sinh học cấp 4. Các chuyên gia tại đây nghiên cứu về phần lớn các chủng bệnh nguy hiểm nhất nhưng đã được biết tới, bao gồm cả virus corona.
Một trong số các chuyên gia tại đây có nhà virus học Shi Zhengli. Shi đã thu thập mẫu và nghiên cứu về các loại virus corona tồn tại trên dơi của Trung Quốc. Năm 2013, Shi chỉ ra rằng dơi dường như là thủ phạm chính chịu trách nhiệm cho việc làm lây lan dịch SARS.
Sau khi lập được bộ gene của Covid-19, Shi nhanh chóng kiểm tra ghi chép tại phòng thí nghiệm để xác nhận xem có tai nạn rò rỉ nào không. Cô kiểm tra thông tin di truyền từ mọi mẫu virus corona thu thập được, và không thấy bất kỳ sự trùng khớp nào.
"Đó là một khối lượng công việc cực lớn. Tôi đã không dám ngủ trong nhiều ngày," - Shi chia sẻ.
Mazet đã làm việc cùng Shi qua chương trình PREDICT - chương trình cảnh báo đại dịch sớm do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ khởi xướng. Chương trình có nhiệm vụ đào tạo chuyên gia và tài trợ cho các phòng thí nghiệm tại hơn 30 quốc gia - bao gồm cả phòng thí nghiệm tại Vũ Hán.
"Tôi mới trao đổi với cô ấy," - Mazet cho biết. "Shi hoàn toàn chắc chắn rằng chưa từng thấy virus chủng mới trước khi đại dịch bùng phát."
Năm 2018, nhà chức trách Hoa Kỳ từng bày tỏ lo ngại về độ an toàn của phòng thí nghiệm Vũ Hán. Tuy nhiên theo Mazet, quy chuẩn an toàn tại đây là cực kỳ nghiêm ngặt.
"Khi thực địa, tất cả đều được bảo hộ kỹ càng, bao gồm những lớp găng tay, kính phòng hộ, trang phục và mặt nạ phòng độc," - cô cho biết. Các mẫu vật thu thập được từ dơi sẽ lập tức được đưa vào ống nghiệm chứa hóa chất làm bất hoạt virus, và được bảo quản trong nitrogen lỏng trước khi chuyển vào phòng thí nghiệm.
Khi nghiên cứu, họ chỉ sử dụng các virus đã không còn hoạt động và không có khả năng lây lan. Các virus còn hoạt động sẽ được bảo quản trong những khu vực cực kỳ đặc biệt.
Hay còn gọi là "lây nhiễm chéo loài" - hiện tượng gây ra dịch Ebola và SARS. Cả hai dịch bệnh trên đều đến từ virus có nguồn gốc là loài dơi, và nhiều chuyên gia dịch tễ cho rằng Covid-19 cũng như vậy, với 96% mã gene trùng khớp với virus corona trong quần thể dơi Trung Quốc.
Cứ 4 dịch bệnh của loài người, có ít nhất 3 loại lây từ các loài khác. Trong đó, Covid-19 là dịch bệnh thứ 7 xảy ra với loài người trong 1 thế kỷ qua.
Năm 2009 - 2010, dịch bệnh H1N1 - còn gọi là dịch cúm lợn bùng phát và giết chết 300.000 người. Con người cũng từng nhiễm cúm từ gia cầm. Như dịch "cúm châu Á" năm 1957 và đại dịch Hong Kong 1968 cũng đến từ các loài chim. Và trong vòng 45 năm qua, ít nhất 4 dịch bệnh có nguồn gốc từ dơi.
Các hang động và một số môi trường tương tự, nơi giới khoa học thu thập mẫu nghiên cứu thực chất là rất nguy hiểm đối với người thường. Bởi lẽ, người dân khi vào đây có thể tiếp xúc với virus mà không hề hay biết, trong khi các nhà nghiên cứu đã được bảo hộ từ đầu đến chân.
Peter Daszak - chủ tịch hội EcoHealth, nơi kết nối PREDICT với phòng thí nghiệm Vũ Hán ủng hộ quan điểm này. Ông cho biết các đồng nghiệp đã chỉ ra rằng có khoảng "1-7 triệu người tiếp xúc với virus trên động vật tại châu Á mỗi năm."
Một hang động có dơi tại Trung Quốc
Một nghiên cứu từ tháng 3/2019 thậm chí đã dự đoán sẵn rằng dơi sẽ là nguồn gốc gây bùng phát một chủng virus corona mới tại Trung Quốc. Âu cũng bởi đa số các chủng virus corona hiện nay đều được tìm thấy ở Trung Quốc, và bởi "dơi sống quá gần người ở Trung Quốc, tạo ra rủi ro lan truyền virus trên người và gia súc," - tác giả nhận định.