* Bài viết của mẹ Cà Chua (Trung Quốc)
Có lần tôi đi siêu thị mua đồ. Khi xếp hàng tính tiền, phía trước tôi có 3 người mẹ, mỗi người đều dẫn theo một đứa con. Bọn trẻ trông khoảng bảy tám tuổi, nhảy nhót tưng bừng, rất hiếu động.
Mấy người mẹ này có vẻ là bạn bè, vừa trò chuyện vừa thanh toán, cười nói vui vẻ, giúp nhau xách đồ. Mấy đứa trẻ cũng rất thân thiết, tụm năm tụm ba ríu rít nói chuyện không ngớt, lại còn nhanh nhẹn, luẩn quẩn quanh kệ hàng, lúc sờ thứ này, lúc mó thứ kia.
Sau khi thanh toán xong, tôi xách túi bước ra, đợi tàu ở ga tàu điện ngầm. Ai ngờ một lúc sau, lại gặp họ, cũng cùng đi tàu điện.
Bọn trẻ quây quần một góc, vẫn đang chơi trò đuổi bắt. Đột nhiên, một người mẹ quát lên: "Mấy đứa cầm cái gì trên tay thế?".
Ảnh minh hoạ
Tôi theo ánh mắt cô ấy nhìn lại – ba đứa trẻ, mỗi đứa đều cầm một thanh sô-cô-la, lại còn xé bao bì rồi, có đứa đã cắn một miếng. Lúc này, các bà mẹ mới giật mình, vội vàng hỏi dồn: "Cái này lấy ở đâu ra?".
Bọn trẻ đều cúi đầu, không đứa nào lên tiếng.
Một cậu bé lí nhí nói: "Tụi con lấy từ kệ hàng trong siêu thị ạ".
Ba người mẹ nghe xong, đều đờ người ra, nụ cười trên mặt lập tức đóng băng.
Họ đều không mua sô-cô-la, rõ ràng bọn trẻ tự lấy đồ.
Vậy chẳng phải là ăn trộm sao?
Chỉ trong vài giây, không khí vui vẻ ban nãy lập tức trở nên căng thẳng.
Mấy phút sau đó, tôi đứng một bên, quan sát cách ba người mẹ phản ứng với con mình.
Khoảnh khắc ấy, tôi chợt nhận ra, điều thực sự ảnh hưởng đến cả đời trẻ, đôi khi không phải một kỳ thi, cũng chẳng phải một bài học đạo đức, mà là cách người lớn xử lý khi phát hiện ra một lỗi lầm.
1. Người mẹ thứ nhất
Người đầu tiên lên tiếng là một bà mẹ nóng tính. Vừa nghe con thú nhận, cô lập tức nổi giận, bước vội đến, giật phắt thanh sô-cô-la trên tay con, rồi vả luôn một cái vào tay trẻ trước mặt mọi người: "Mày còn nhỏ đã không học điều hay, sao dám ăn trộm?".
Cậu bé giật mình, nước mắt giàn giụa: "Con... con chỉ muốn ăn một miếng thôi...".
"Muốn ăn cũng không được lấy! Chưa dạy mày phép tắc à? Đây là ăn trộm, mày biết không?". Rồi cô buông thêm một câu: "Nhỏ đã hư, lớn lên làm nên trò trống gì?".
Đứa trẻ đứng nguyên tại chỗ, mặt đỏ bừng, nước mắt lã chã rơi, không dám thốt nên lời. Lòng tôi chùng xuống, nghĩ rằng lần sau đứa bé này chắc không dám thừa nhận nữa. Không phải vì nó hiểu lỗi sai, mà vì sợ bị đánh, sợ xấu hổ.
2. Người mẹ thứ hai
Người mẹ thứ hai đứng một bên, nhìn đứa con gái cũng cầm sô-cô-la. Ánh mắt cô thoáng dừng lại, nhưng không nói gì. Cô liếc nhìn hai người mẹ kia, lại nhìn con, cuối cùng xuề xòa: "Ôi, trẻ con biết gì, có một thanh sô-cô-la thôi mà, lần sau không lấy nữa là được. Cất nhanh đi, tàu sắp đến rồi".
Rồi cô kéo con gái về phía mình, quay đi không nhắc đến chuyện này nữa.
Cô bé hớn hở liếm sô-cô-la, mặt mày vô tư lự. Tôi đứng nhìn, không biết nên nói gì. Rõ ràng con làm sai, mẹ thấy rồi, lại làm ngơ. Thậm chí không thốt nổi câu "không được lấy đồ của người khác".
Tôi tự hỏi, đứa bé này sau này sẽ nghĩ gì? Có lẽ nó nghĩ, không bị bắt quả tang thì không phải trộm; hoặc nghĩ rằng, mẹ không nói gì thì không có lỗi.
Liệu sau này nó có tiếp tục lấy đồ không? Lòng tôi lo lắng.
3. Người mẹ thứ ba
Người mẹ thứ ba bước đến, ngồi xổm ngang tầm mắt con trai, hỏi nhẹ: "Con lấy thanh sô-cô-la này, đã trả tiền chưa?". Đứa trẻ lắc đầu từ từ, cúi mặt nói khẽ: "Dạ chưa...".
Người mẹ không quát mắng, chỉ kiên quyết nói: "Con thèm sô-cô-la, mẹ hiểu. Nhưng dù thèm đến mấy, chưa được phép, chưa trả tiền, thì không được lấy, đúng không?".
Cậu bé gật đầu: "Mắc lỗi không sao, quan trọng là biết sửa. Nào, mình trả lại, nói 'xin lỗi', lần sau muốn ăn, nhớ bảo mẹ nhé". Nói rồi, cô nắm tay con, quay về hướng siêu thị.
Đứa trẻ dù ngượng ngùng nhưng ngoan ngoãn theo mẹ. Đứng từ xa nhìn hai bóng lưng lớn nhỏ, lòng tôi chợt ấm áp. Không một lời trách nặng, nhưng con hiểu lỗi sai; không bao che, nhưng con cũng không bị tổn thương.
Tôi nghĩ, sau này mỗi khi gặp tình huống tương tự, đứa trẻ này sẽ nhớ bài học hôm nay, tự biết điều nên làm.
Cùng một sự việc, ba người mẹ, ba cách phản ứng.
Người mẹ đầu dùng cách "dọa", đứa trẻ sợ thật, nhưng là sợ chứ không phải hiểu. Lần sau có thể nó không dám lấy trước mặt, nhưng liệu có giấu giếm, dối trá?
Người mẹ thứ hai im lặng, như thể chuyện chưa hề xảy ra. Đứa trẻ nghĩ rằng lấy đồ không có gì sai, thậm chí tự phụ vì mình khôn ranh.
Người mẹ thứ ba không hề mắng chửi, nhưng dạy con "sai ở đâu", "vì sao sai", và cả "cách sửa", lại còn đồng hành cùng con sửa lỗi.
Dạy trẻ, không phải chỉ cần câu "đừng làm thế", hay một trận đòn roi. Trẻ nhỏ nhưng không ngốc. Điều chúng nhớ, không phải bao nhiêu bài học ta giảng, mà là cách ta hành xử.
Rất nhiều khi, một việc nhỏ tưởng chừng vô thưởng vô phạt, lại quyết định sau này khi gặp chuyện tương tự, đứa trẻ sẽ tiếp tục sai lầm, hay biết hướng về lẽ phải.