Quốc hội Pháp tuần này bắt đầu thảo luận một dự luật trong lĩnh vực giao thông vận tải, trong đó có đề xuất cấm các chuyến bay chặng ngắn trong nước Pháp, nhằm mục đích bảo vệ môi trường và di chuyển sinh thái.
Pháp đề xuất cấm các chuyến bay chặng ngắn để bảo vệ môi trường. Ảnh: UPI.
Bắt đầu từ ngày 3/6, Quốc hội Pháp tiến hành xem xét Dự luật về định hướng lưu động (LOM). Dự luật này đề xuất nhiều cải cách quan trọng trong lĩnh vực giao thông, vận tải nhằm cải thiện các lựa chọn di chuyển cho người dân, đồng thời hướng tới các mục tiêu bảo vệ môi trường, trong bối cảnh đây là lĩnh vực gây phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất tại Pháp (chiếm khoảng 30%).
Theo dự luật này, nước Pháp sẽ tiến dần tới việc loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng ô tô chạy bằng xăng và dầu từ nay đến năm 2040, thay thế bằng các loại ô tô điện; khuyến khích người dân đi bộ nhiều hơn, đặt mục tiêu đưa số lượng người sử dụng xe đạp lên khoảng 9% (hiện là 3%) vào năm 2024, hay đầu tư nhiều hơn vào các phương tiện công cộng, đặc biệt là tàu điện.
Trước khi được đưa ra Quốc hội, dự luật này đã được Thượng viện Pháp thông qua. Đồng thời, vào cuối tháng 5/2019, một số nghị sỹ trong Quốc hội Pháp đã đề xuất các điều khoản sửa đổi, trong đó đáng chú ý là đề xuất cấm toàn bộ các chuyến bay chặng ngắn, trong phạm vi nước Pháp.
Các nghị sỹ này cho rằng, máy bay là phương tiện giao thông gây ô nhiễm nhất, với mức phát thải khí CO2 cao gấp hàng chục lần so với các phương tiện giao thông khác. Chẳng hạn, một chuyến bay khứ hồi Paris – Marseille phát thải khoảng 195 kg khí CO2 trên mỗi hành khách, nhưng cùng lộ trình đó nếu di chuyển bằng tàu cao tốc (TGV), thì lượng phát thải khí CO2 chỉ là 4,14 kg trên mỗi hành khách, có nghĩa là thấp hơn khoảng 50 lần so với di chuyển bằng máy bay.
Dự luật trong lĩnh vực giao thông vận tải này đang nhận được sự quan tâm lớn của người dân Pháp, đặc biệt là giới trẻ. Trong suốt nhiều tháng qua, các cuộc tuần hành vì môi trường liên tục được tổ chức, thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn học sinh, sinh viên các trường đại học với mục tiêu kêu gọi chính phủ có các hành động cụ thể hơn để thực hiện các cam kết trong lĩnh vực môi trường.
Mối quan tâm này đã được cụ thể hóa thông qua cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua, khi Đảng sinh thái Pháp (EELV) đã giành được tới hơn 13% phiếu bầu của cử tri, vượt qua các chính đảng truyền thống như Đảng Xã hội (PS) hay Đảng Những người Cộng hòa (LR). Đáng chú ý, đây cũng chính là lực lượng chính trị được những cử tri trẻ tuổi bỏ phiếu nhiều nhất./.