“Phản ứng mạnh tay” giúp Việt Nam thành công trong chống dịch COVID-19

Nguyễn Mai, Theo VTV 12:59 17/05/2020

Hãng truyền thông BBC của Anh hôm 15/5 đã đăng tải bài viết, trong đó đưa ra nhận định về những nguyên nhân thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Bài phân tích chỉ ra rằng mặc dù Việt Nam có chung đường biên giới dài với Trung Quốc và có dân số 97 triệu người, tuy nhiên, nước ta hiện chỉ ghi nhận hơn 300 ca mắc COVID-19 và không có ca nào tử vong.

“Phản ứng mạnh tay” giúp Việt Nam thành công trong chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Việt Nam bắt đầu mở cửa trở lại sau nhiều tuần không có ca nội địa. (Nguồn: BBC)

BBC đưa tin gần một tháng nay, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, và mọi hoạt động đang dần trở lại bình thường. Bài báo của BBC nhận định rằng, theo các chuyên gia, trong khi nhiều quốc gia khác có số ca nhiễm và tử vong trên quy mô lớn, Việt Nam đã nhận thấy phải tranh thủ từng giây từng phút để hành động sớm, và có những quyết định triệt để để không bỏ lỡ "cánh cửa hẹp" chống dịch.

Các biện pháp "cực đoan nhưng hợp lý"

Tiến sĩ Todd Pollack thuộc chương trình hợp tác Tăng cường Sức khỏe ở Việt Nam thuộc Đại học Havard nói rằng: "Khi bạn phải đương đầu với những loại mầm bệnh mới và có thể rất nguy hiểm thì phản ứng thái quá là tốt hơn".

Nhận thấy rằng hệ thống y tế địa phương sẽ nhanh chóng bị quá tải ngay cả khi virus chỉ lây ở mức độ nhẹ, chính phủ Việt Nam chọn con đường đề phòng sớm, và trên phạm vi rất rộng. Kể từ đầu tháng Một, trước khi có ca nhiễm nào được xác nhận, chính phủ Việt Nam đã có những hành động mạnh để chuẩn bị đối phó với căn bệnh nguy hiểm - lúc này, nó đã khiến 2 người ở Vũ Hán tử vong.

“Phản ứng mạnh tay” giúp Việt Nam thành công trong chống dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Một bức tranh cổ động phòng dịch được treo trên đường phố ở Hà Nội. (Nguồn: BBC)

Bài báo của BBC nhắc đến thời điểm Việt Nam ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên, ngày 23/1, khi một người đàn ông đi từ Vũ Hán tới thăm con trai ở Thành phố Hồ Chí Minh - kế hoạch khẩn cấp của Việt Nam bắt đầu được triển khai.

"Việt Nam đã hành động rất rất nhanh, điều có vẻ như khá cực đoan ở thời điểm đó nhưng sau đó được chứng tỏ là rất hợp lý", Giáo sư Guy Thwaites, giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tại thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị hợp tác với chính phủ Việt Nam về các chương trình bệnh truyền nhiễm, bình luận.

Việt Nam thực hiện các biện pháp mà các nước khác phải mất hàng tháng mới làm được như hạn chế đi lại, theo dõi chặt chẽ và cuối cùng đóng cửa biên giới với Trung Quốc và tăng cường kiểm tra sức khỏe tại các cửa khẩu và những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.

Các trường học, đóng cửa để nghỉ Tết Nguyên đán hồi cuối tháng một, kéo dài như vậy cho tới giữa tháng Năm. Mặt khác, chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, truy tìm và cách ly trên diện rộng đối với những người tiếp xúc với nguồn bệnh.

Giáo sư Thwaites nhận xét: "Việt Nam là một quốc gia đã đối phó với rất nhiều dịch bệnh trước đây", từ dịch SARS năm 2003 cho tới cúm gia cầm năm 2010 và nhiều đợt bùng phát dịch sởi và sốt xuất huyết khác. "Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã rất rất quen với việc đối phó với các bệnh truyền nhiễm và rất coi trọng việc này, có lẽ là hơn rất nhiều so với những quốc gia giàu có hơn".

“Phản ứng mạnh tay” giúp Việt Nam thành công trong chống dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Người từ nước ngoài về được xe bus chở thẳng từ sân bay tới các khu cách ly. (Nguồn: BBC)

Đến giữa tháng 3, Việt Nam đưa tất cả cá nhân nhập cảnh từ nước ngoài và bất cứ người dân nào trong nước có tiếp xúc với những ca mắc bệnh được xác định vào các khu cách ly bắt buộc trong 14 ngày.

Các chi phí phần lớn do chính phủ chi trả.

Tránh lây lan từ người không có triệu chứng

Giáo sư Thwaites cho rằng việc cách ly trên diện rộng như vậy là hết sức quan trọng vì bằng chứng cho thấy có tới một nửa số người mắc bệnh không xuất hiện triệu chứng.

Tất cả những ai đi cách ly đều được xét nghiệm, cho dù họ có triệu chứng hay không, và theo giáo sư Thwaites, có tới 40% các ca nhiễm được xác nhận ở Việt Nam sẽ không hề biết họ mang virus hay không nếu họ không được xét nghiệm.

Bài báo cũng nhắc đến việc dù Việt Nam chưa bao giờ áp dụng lệnh đóng cửa tuyệt đối trên cả nước nhưng áp dụng khoanh vùng, dập dịch ở từng ổ dịch.

Tháng hai, sau khi có một vài ca dương tính virus SARS-CoV-2 được xác định ở xã Sơn Lôi, gần thủ đô Hà Nội, hơn 10.000 người sống trong khu vực đã được cách ly. Điều tương tự cũng xảy ra với 11.000 người ở thôn Hạ Lôi gần thủ đô, và với các bác sĩ – nhân viên y tế - bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Nội bất xuất, ngoại bất nhập cho tới khi những địa điểm này được xác nhận không có ca nhiễm mới nào sau 2 tuần cách ly. Biện pháp này đã chứng minh được sự hiệu quả khi giúp khoanh vùng và kiểm soát được những ca bệnh.

Thông điệp rõ ràng cho dân chúng

Chính phủ Việt Nam cũng chú trọng nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự phòng dịch cho bản thân. Các tin nhắn SMS được gửi đến thường xuyên qua điện thoại từ giai đoạn rất sớm chỉ dẫn người dân họ cần phải làm gì. Việt Nam tận dụng nguồn lực truyền thông sẵn có, dùng những hình ảnh và khẩu hiệu phong cách thời chiến để đoàn kết người dân trong cuộc chiến chống kẻ thù chung. Tiến sỹ Pollack nhận định chính phủ Việt Nam đã làm "rất tốt việc truyền thông cho dân chúng" về những việc cần làm.

Điều này được người dân Việt Nam đồng lòng hưởng ứng!

Tiến sỹ Pollack nhận định người dân Việt Nam hưởng ứng chính phủ vì họ "nhận thấy chính phủ đang làm tất cả những gì có thể và đang thành công, chính phủ đang làm tất cả để bảo vệ người dân".

Còn giáo sư Thwaites thì cho rằng một số nước chưa bị nặng có thể học từ Việt Nam. Ông nói: "Phòng thì luôn tốt hơn chữa và thường là ít tốn kém hơn… Không gì có thể sánh được với lợi ích về sức khỏe và kinh tế từ việc làm theo những gì Việt Nam đã làm".

(Theo BBC)