Một lá thư đầy sự hoang mang gửi về tòa soạn từ người chị gái lo lắng cho tương lai của cậu em trai nhỏ. Nội dung bức thư như sau:
"Năm nay em 17 tuổi, đang là học sinh cấp 3 ở một thị trấn nhỏ lẻ vùng núi, gia đình em có 2 chị em và bố mẹ thì bận rộn với công việc của mình nên thường ngày chỉ có 2 chị em chăm sóc nhau. Em trai của em năm nay lên lớp 3, là một đứa trẻ hoạt bát, năng động.
Ngày đầu tiên đi học, em trai được phân vào lớp chọn do một cô giáo có nhiều năm kinh nghiệm dẫn dắt. Những tưởng năm nay sẽ là năm học vui vẻ đối với em nhưng không, ngay ngày đầu tiên em em khóc rất nhiều, từ lúc được đón về em ấy òa khóc nức nở.
Em thấy rất lạ vì em trai của em là một đứa rất vui vẻ, từ lúc đi học đến giờ em chưa từng thấy em ấy như vậy.
Hóa ra hôm nay ở trên lớp cô giáo kiểm tra vở em, sau đó thấy em viết chữ xấu quá nên bắt em đứng dậy và cho cả lớp phê bình em. Em còn kể rõ là các bạn đồng thanh nói "Bạn XXX học dốt!" (XXX là tên của em trai em). Và mỗi lần cô giáo mắng thì đều dí đầu và véo tai em rất đau, em trai kể trong nước mắt. Khi nghe em trai kể đến đây em đã rất sốc, tại sao một giáo viên với hơn 20 năm trong nghề lại có hành vi ứng xử như vậy? Tại sao một người lớn lại có thể nhẫn tâm chà đạp lên nhân phẩm mong manh của trẻ em như vậy?
Em ngay lập tức đi xem vở viết của em trai em, quả thật có vài trang rất bẩn, em có hỏi em trai em, em ấy bảo do bút bị rơi. Cái này em khẳng định là do vô ý mà tất cả các bạn học sinh tiểu học đều thường xuyên bị như vậy chứ không riêng gì em của em. Còn em đánh giá chữ của em em là không đẹp, chắc chắn là thế, nhưng cũng không phải là quá xấu để khiến cho cô giáo sai các bạn phê bình trước lớp như vậy.
Kể từ hôm đó trở đi, em ấy trở nên dễ cáu gắt, thường mất kiên nhẫn, hay gào thét dù chỉ là chuyện rất nhỏ, không chịu ra khỏi nhà.
Có hôm em kể với em rằng hôm nay em lại bị phê bình trước lớp. Là một người chị, em nhận thấy mình phải thông báo chuyện này với bố mẹ càng sớm càng tốt.
Hóa ra cô giáo có thâm niên hơn 20 năm trong nghề này từng là đồng nghiệp của bố em, em không biết bố mẹ đã nói gì với cô giáo nhưng mấy ngày hôm sau cô giáo không mắng, không đánh, không kiểm tra vở, không gọi nữa mà chuyển sang nói với giọng đay nghiến.
"Đấy, xong mày lại về mách bố tiếp đi", hay những câu đại loại vậy.
Các bạn trong lớp thường xuyên trêu em ấy là "Đồ mách lẻo" và "Thôi đừng chơi với nó nữa không nó lại mách bố nó đấy"...
Em của em vừa kể vừa khóc và trách em tại sao lại nói chuyện này với bố mẹ.
Hiện tại em đang rất phân vân và lo lắng liệu em có nên có một cuộc nói chuyện trực tiếp với người giáo viên kia? Nếu như nói thì liệu em của em có bị trù dập hơn nữa hay không? Còn nếu như không nói thì sẽ tạo thành bóng ma tâm lý suốt đời của em trai?
Em còn quá nhỏ để phân tích sâu xa sự việc này, em không biết em nên làm gì để tốt cho em trai em nữa.
Mong anh chị trả lời giúp câu hỏi của em. Cảm ơn anh chị rất nhiều!
Em xin phép giấu tên ạ".
Câu trả lời của nhà văn Hoàng Anh Tú:
Tôi không shock khi đọc bức thư này. Có lẽ vì tôi đã bị chai lỳ cảm xúc khi phải nhận quá nhiều những bức thư thế này trong suốt nhiều năm tôi làm Chánh Văn trên báo Hoa Học Trò. Thậm chí, nhiều em học sinh còn gặp những giáo viên cay nghiệt và phản giáo dục hơn cả cô giáo trong câu chuyện này.
Nhưng tất nhiên, dù chai lỳ cảm xúc đến đâu thì trong tôi vẫn rất đau. Nỗi đau của người luôn tự nhận mình "trông chừng lũ trẻ" trước những người lớn xấu xí khiến tôi thú thực là đôi lần muốn "trừng phạt" họ bằng chính những bài báo của mình. Nhưng tôi sẽ phải "trừng phạt" bao nhiêu thầy cô nữa khi mà mỗi ngày ở đâu đó vẫn có những người thầy, người cô như vậy?
Nó huỷ hoại đi tình nghĩa thầy trò. Nó khiến nhiều đứa trẻ lớn lên trong sự thù ghét giáo viên. Nó khiến môi trường học đường trở thành nơi thầy cô được quyền bạo hành một đứa trẻ mà mình không ưa. Thậm chí, nhiều thầy cô còn sử dụng quyền làm thầy, quyền làm cô để làm giàu cho bản thân bằng việc dạy thêm mà thực chất chỉ là mua điểm.
Là bắt học trò phải đi học thêm nhà mình để được điểm cao hơn. Học trò nào không đi học sẽ bị điểm kém. Ngay thông tư mới nhất của Bộ Giáo Dục về việc bãi bỏ các bài kiểm tra 1 tiết mà thay vào đó sử dụng lời phê của thầy cô, đánh giá của thầy cô thì cũng khiến tôi giật mình sợ hãi. Vì nếu điều đó xảy ra với những thầy cô không có tâm thì đó chính là một "cơ hội" để thầy cô ấy lạm quyền. Chỉ nhận xét tốt cho học sinh biết nghe lời, có bố mẹ "hiểu ý" quà cáp đầy đủ. Đó thực sự là một điều đáng sợ.
Tiêu cực trong giáo dục còn thảm hoạ hơn mọi thứ tiêu cực khác ngoài xã hội. Vì nó trực tiếp biến mỗi đứa học trò hôm nay thành những kẻ cơ hội, gian dối mai này. Khi mà thứ lũ trẻ được học là "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn", khi mà lũ trẻ học thói bạo hành bạn bè từ cách thầy cô bắt chúng lêu lêu bạn như trong bức thư kia. Khi mà những đứa trẻ như em trai của người chị kia sợ đi học, biến chuyển tâm lý một cách tiêu cực.
Tôi không còn muốn "trừng phạt" các thầy cô bằng những bài báo của mình. Bởi tôi hiểu, cũng như việc nhiều cha mẹ sử dụng mạng xã hội để "trừng phạt" thầy cô, dù đúng thế nào cũng đã thành sai hết. Bởi lúc đó, chúng ta đang dùng con trẻ như vũ khí của mình để triệt hạ nhau rồi. Ở một xã hội văn minh, chúng ta cần những cách hành xử văn minh chứ không thể bằng việc "đánh ghen túm tóc" kiểu đường phố hay "tát giáo viên vì đối xử tệ với con mình". Chúng ta không thể dạy con hay bảo vệ con theo cách thổ dân như thế. Một ông bố văn minh, một bà mẹ hiểu biết nhất định không được làm như vậy.
Cụ thể trong trường hợp này, tôi đề xuất bạn gái hãy chọn một trong ba cách văn minh sau:
1. Gửi thư trực tiếp cho giáo viên.
2. Điện thoại trực tiếp cho giáo viên.
3. Đến gặp trực tiếp giáo viên.
Xin hãy dùng 1 trong 3 kênh trên tuyệt đối không dùng đến mạng xã hội. Đó là những kênh chính thống. Hãy chia sẻ với giáo viên về những điều bạn thấy được cũng như những gì đang diễn ra, hậu quả của nó thế nào và bạn cần giáo viên trả lời lại. Hãy chắc chắn với giáo viên rằng đây chỉ là cuộc trao đổi đầu tiên giữa bạn với giáo viên.
Bạn sẽ không đẩy nó đi quá xa nếu như cả hai tìm được sự đồng thuận. Và nhất thiết phải cho giáo viên thấy bước tiếp theo nếu như giáo viên và phụ huynh không tìm ra giải pháp tốt. Đó là bạn sẽ tiến thêm một bước nữa: Đối thoại với nhà trường mà ở đây chính là Ban giám hiệu cũng như Hội phụ huynh. Trong điều kiện Ban giám hiệu và Hội phụ huynh không giải quyết được thì mới là báo chí và Sở giáo dục sở tại. Đó là một lộ trình chính thống mà tôi tin chắc không ai có thể coi thường được.
Khi đối thoại với giáo viên, thay vì khăng khăng con em mình vô tội và đổ lỗi cho giáo viên, tôi nghĩ thứ chúng ta cần là giải pháp chứ không phải phán xét, định tội. Là làm sao để con em mình hạnh phúc khi tới trường. Làm sao để thầy cô tôn trọng phương pháp giáo dục đúng, chuẩn sư phạm. Chứ không phải huỷ hoại nhau hay phán xét nhau.
Cuối cùng, tôi luôn tin rằng số giáo viên quan tâm đến học sinh luôn đông hơn số giáo viên kiểu phản sư phạm như trên. Mỗi giáo viên, nhà trường đều mong điều tốt nhất cho lũ trẻ, cũng như bố mẹ và gia đình vậy. Chỉ là chúng ta phải đi tìm tiếng nói chung, sự đồng thuận để cùng nhau giúp đứa trẻ có một môi trường học tập tốt nhất. Thiếu bất kể bên nào cũng sẽ khiến đứa trẻ trở nên vô dụng trong quá trình học tập và trưởng thành. Gặp giáo viên như bức thư trên hay gặp những gia đình có cha mẹ lăm lăm status mạng xã hội hay xông vào lớp đánh giáo viên đều khiến đứa trẻ trở thành nạn nhân.