Nhiều loài và nhiều cá thể động vật đang phát triển ung thư, vì những thay đổi đáng kể trong môi trường sống của chúng mà nguồn gốc là do con người gây nên.
Theo các chuyên gia tại Đại học bang Arizona, ô nhiễm đại dương, bức xạ từ các nhà máy điện và thuốc trừ sâu của các trang trại có thể làm cho động vật hoang dã phát triển nhiều dạng khối u.
Ô nhiễm ánh sáng và việc động vật ăn thức ăn của con người từ các thùng rác cũng có thể dẫn đến ung thư.
Nghiên cứu cho thấy ung thư ảnh hưởng đến tất cả các loài động vật, từ các khối u trên mặt quỷ Tasmania, đến khối u ác tính ở cá hoang dã. Chó và thậm chí cả trai cũng có thể bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này.
Nhà nghiên cứu Tuul Sepp, thuộc Đại học bang Arizona, nói: “Chúng ta biết rằng một số loại virus có thể gây ung thư ở người bằng cách thay đổi môi trường sống của chúng, là các tế bào người - để làm cho nó phù hợp hơn với bản thân chúng hơn. Về cơ bản, chúng ta đang làm điều tương tự [với môi trường sống và các loài động vật]”.
“Chúng ta đang thay đổi môi trường theo hướng phù hợp hơn cho chính chúng ta, trong khi những thay đổi này đang có tác động tiêu cực đến nhiều loài khác, ở nhiều cấp độ khác nhau, bao gồm cả xác suất phát triển ung thư cho chúng”.
Viết trên tạp chí Nature Ecology & Evolution, các nhà nghiên cứu có kế hoạch thử nghiệm lý thuyết của họ bằng cách so sánh tỷ lệ ung thư ở động vật sống trong khu vực có người ở, với những quần thể khác trong môi trường được bảo tồn.
Con người đang gây ung thư cho các loài động vật khác
Ngay cả ánh sáng từ đèn đường ban đêm cũng có thể dẫn tới ung thư.
“Đối với con người, chúng ta biết rằng ánh sáng vào ban đêm có thể gây ra những thay đổi hormone và dẫn đến ung thư”, ông Sepp nói. “Những động vật hoang dã sống gần thành phố và các con đường phải đối mặt với cùng một vấn đề giống nhau vậy - không còn bóng tối cho chúng nữa”.
Ví dụ, ở chim, hormone của chúng - cũng có liên quan đến ung thư như ở người - là một yếu tố bị ảnh hưởng bởi ánh sáng vào ban đêm. Con người đang gây ung thư cho các loài động vật khác.
“Ung thư đã được tìm thấy ở tất cả các loài mà các nhà khoa học khảo sát. Và chính các hoạt động của con người cũng ảnh hưởng mạnh đến tỷ lệ ung thư ở người", ông Sepp cho biết.
Vì vậy, tác động của con người đối với môi trường hoang dã có thể ảnh hưởng mạnh đến tỷ lệ ung thư trong quần thể động vật, và gây ra các hậu quả bổ sung đối với chức năng hệ sinh thái.
KHI NHỮNG LOÀI ĐỘNG VẬT BỊ UNG THƯ
Ung thư dường như ảnh hưởng đến tất cả các loài động vật, nhưng rất khó để nghiên cứu căn bệnh này trong quần thể hoang dã, bởi động vật thường xuyên di chuyển.
Hiện nay, chúng ta đã biết các loài thường bị ảnh hưởng nhất bởi ung thư bao gồm:
Quỷ Tasmania
Hình ảnh cho thấy một con quỷ Tasmania bị ảnh hưởng bởi một khối u trên khuôn mặt.
Một dạng ung thư bất thường đã khiến quỷ Tasmania trở thành một loài có nguy cơ tuyệt chủng ở Australia, môi trường sống bản địa của chúng.
Không giống như hầu hết các bệnh ung thư, phát sinh thông qua các đột biến di truyền, những khối u ở mặt những con quỷ Tasmania (DFTD) có thể được lây truyền thông qua những vết cắn hoặc ăn chung thức ăn.
DFTD thường xảy ra nhất trên mặt hoặc miệng, nhưng có thể lan rộng khắp nơi trong cơ thể quỷ Tasmania.
Gần như tất cả các cá thể mắc DFTD sẽ chết trong vòng sáu tháng, do không còn khả năng ăn hoặc khi các khối u lan rộng.
Chó
Ung thư vú là dạng ung thư phổ biến nhất thường gặp ở chó cái. Các khối u ung thư gần như 100% sẽ gây ra cái chết cho chúng, ngay cả khi được điều trị.
Phần lớn ung thư vú ở chó được phát hiện trong quá trình kiểm tra định kỳ với bác sĩ thú y. Tuy nhiên, những người chủ nuôi chó cũng có thể tự chẩn đoán bằng các triệu chứng: sờ thấy khối u hoặc vết sưng quanh núm vú của chó, dịch tiết bất thường từ vú, các hạch bạch huyết sưng to dưới nách hoặc xung quanh háng…
Nếu ung thư đã lan rộng, ví dụ di căn đến phổi, chó có thể thấy khó thở. Nguyên nhân gây ung thư ở chó có thể bắt nguồn từ sự thay đổi hormone, di truyền hoặc chế độ ăn uống. Những con chó béo phì dường như dễ bị ung thư vú hơn.
Cá
a) một con cá có khối u ác tính dạng ung thư da ở bên cạnh mình; b) gần như toàn bộ cơ thể con cá này bị bao phủ trong các khối u ác tính; c) da cá bình thường dưới kính hiển vi; d) da cá nơi có khối u ác tính
Cá hồi san hô, sống dọc theo Rạn san hô Great Barrier, có thể phát triển những khối u ác tính. U ác tính là dạng ung thư da nguy hiểm nhất
Rạn san hô Great Barrier nằm ngay bên dưới lỗ thủng tầng ozone nổi tiếng nhất, khiến những con cá ở đây có mức độ phơi nhiễm tia cực tím cao.
Tia cực tím cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ung thư da ở người.
Trai
Nghiên cứu cho thấy trai có thể phát triển một dạng bệnh bạch cầu, giống với ung thư máu ở người. Tệ hơn nữa, các con trai nhả ra tế bào ung thư có thể khiến chúng lây nhiễm cho đồng loại sống trong vùng lân cận.
Con người có thể đặt động vật vào nguy cơ tuyệt chủng
Quỷ Tasmania đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì ung thư
Nếu con người gây ra nhiều trường hợp ung thư ở động vật, chúng ta có thể đưa nhiều loài dễ bị tổn thương vào nguy cơ bị tuyệt chủng. Tiếc là chúng ta biết vậy nhưng vẫn cứ làm. “Đối với tôi, điều buồn nhất là chúng ta đã biết phải làm gì "để ngăn chặn điều đó, nhưng chúng ta không thực hiện"”, ông Sepp nói.
“Chúng ta không nên phá hủy môi trường sống của động vật hoang dã, gây ô nhiễm môi trường, và cho động vật hoang dã ăn thức ăn của con người. Thực tế là mọi người đều biết phải làm gì, nhưng chúng ta lại không làm những điều đó, khiến cho viễn cảnh có vẻ còn vô vọng hơn".
Tuy nhiên, ông Sepp lạc quan rằng tình hình có thể được cải thiện trong tương lai: “Tôi đã nhìn thấy niềm hy vọng trong giáo dục. Những đứa trẻ của chúng ta đang học hỏi nhiều hơn về các vấn đề xung quanh việc bảo tồn thiên nhiên, so với cha mẹ của chúng. Vì vậy, có hy vọng rằng những người [lãnh đạo, có quyền] ra quyết định trong tương lai sẽ chú ý hơn đến các tác động của con người đối với môi trường”.
Tham khảo Dailymail