Tính đến 18h ngày 6/4, Việt Nam ghi nhận 245 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, đã có tổng cộng 95 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh. 29 bệnh nhân có kết quả âm tính lần một, 23 người âm tính lần hai với SARS-CoV-2.
Tổng số người được cách ly đến 6h ngày 6/4 là 67.273. Trong đó, 1.277 người (2%) cách ly tập trung tại bệnh viện, 42.004 người (62%) cách ly tập trung tại các cơ sở khác và 23.992 người (36%) cách ly tại nhà/nơi lưu trú.
Trước tình hình dịch bệnh nói trên, mới đây chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế xung quanh tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam.
Hiện nay có trạm test virus SARS-Cov-2 nhanh trong 10 phút, phần lớn đối tượng đến tham gia test là những người có liên quan đến BV Bạch Mai. Vậy nếu không có liên quan gì đến Bạch Mai hay các ca F0 nhưng muốn xét nghiệm nhanh có được không?
Theo tôi thì không cần lo lắng thái quá khi chưa có triệu chứng và tiền sử dịch tễ liên quan đến bệnh nhân Covid-19. Hoặc đến những nơi mà Bộ Y tế đã thông báo là có bệnh nhân đã đến đó. Xét nghiệm nhanh chỉ để sàng lọc, nhưng kết quả cũng chỉ đảm bảo 80%. Khi dương tính lại phải xét nghiệm lại bằng máy RT-PCR.
Nhưng nếu bạn có triệu chứng ho, sốt, khó thở và nghi ngờ yếu tố dịch tễ thì đến Bệnh viện MEDLATEC. Kể từ 4/4/2020, nếu cần làm xét nghiệm nhiễm Covid-19, xin mời quý vị và các bạn đến trực tiếp tại Bệnh viện đa khoa MEDLATEC số 42 Nghĩa Dũng - Ba Đình - Hà Nội (chỉ thực hiện tại bệnh viện). Có thể gọi qua Tổng đài 1900565656 để đăng ký, hoặc đặt lịch qua website medlatec.vn.
Nếu xét nghiệm nhanh ra kết quả dương tính thì bước tiếp theo sẽ là gì?
Tiếp theo là xét nghiệm mẫu lấy từ họng, hầu và thực hiện trên máy của cơ sở y tế phương pháp RT-PCR.
Vì sao các ca nhiễm trong những ngày trước đó đều đặn 10-20 ca? Những ngày gần đây lại chỉ còn 1-5 ca?
Thực ra trong 4 ngày liên tiếp có khoảng 10 ca mắc/ngày (không có ngày nào 20 ca). Trong số đó có một nửa là ở nước ngoài về. Rất khó dự báo có tăng lên không vì chúng ta đang tiếp tục xét nghiệm những nơi cách ly tập trung từ nước ngoài về và những người tiếp xúc gần với ca bệnh.
Đặc biệt hiện nay đã có lây lan trong cộng đồng và mất dấu F0. Phải chờ đợi hơn một vài tuần nữa. Tuy nhiên việc mất dấu F0 không làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm cộng đồng mà nó là dấu hiệu cho thấy chúng ta đã bước sang một giai đoạn chống dịch mới, có thể gay go hơn.
Việc cách ly toàn xã hội như lúc này có liên quan thế nào tới đỉnh dịch? Tình trạng nào để đánh giá khi đó là đỉnh dịch?
Cách ly xã hội có thể làm bào mòn (hạ thấp) đỉnh dịch nếu có trong thời gian tới. Đỉnh dịch là khi có dịch trong cộng đồng và số ca mắc trong một thời điểm (ngày hoặc tuần) tăng lên cao nhất, số người nhập viện nhiều nhất, tử vong nhiều nhất và sau đó giảm dần.
Hiện nay thì dịch vẫn tiến triển chậm, trong tầm kiểm soát và chúng ta đã bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội nên dịch sẽ khó có khả năng bùng phát mạnh như ở châu Âu hay Mỹ.
Nếu chúng ta không thực hiện tốt giãn cách xã hội trong 2 tuần tới thì dịch bùng phát và lúc đó sẽ có đỉnh. Nhưng con số đỉnh dịch là bao nhiêu phụ thuộc vào các biện pháp khống chế, dập dịch của ta. Hy vọng là không có đỉnh dịch trong thời gian tới.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga.
Người hồi phục sau khi về nhà thì có kháng thể với SARS-CoV-2 không, nguy cơ tái nhiễm ra sao nếu lại tiếp xúc với F0?
Thông thường một cơ thể sau khi đã có kháng thể chống lại virus sẽ không bị tái nhiễm nữa. Tuy nhiên, với virus corona chủng mới lại có những trường hợp không như vậy. Theo báo cáo tại Nhật, một người đàn ông trên 70 tuổi, nhiễm Virus Sars-CoV-2 vào tháng 2.2020. Ông được chữa khỏi và ra viện, nhưng 2 tuần sau, ông bị sốt cao và đi xét nghiệm lại cho kết quả dương tính. Một trường hợp khác, một hướng dẫn viên du lịch cũng ở Nhật, bình phục sau khi nhiễm Covid-19, nhưng sau 3 tuần, bệnh nhân này lại xét nghiệm dương tính với nó một lần nữa.
Về nguyên tắc nếu vừa bị nhiễm virus và phát bệnh thì sau khi khỏi, cơ thể sẽ chưa thể bị nhiễm bệnh lại ngay. Trong cơ thể người bình thường sẽ có miễn dịch kéo dài một thời gian sau đó, hoặc suốt đời và trên cơ sở đó người ta chế ra vacxin. Nếu không có miễn dịch thì không thể chế ra vacxin ngay, hoặc không khỏi bệnh như trường hợp vi rút HIV. Các nghiên cứu cho thấy sau khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thì cơ thể có kháng thể, nên ở Mỹ người ta đã thử nghiệm chế tạo vacxin. Khoa học phải dựa vào tổng thể chung, chứ không dựa vào một vài trường hợp cá biệt. Nên trong mọi nghiên cứu khoa học đều phải căn cứ vào xác suất thống kê. Không bao giờ có sự chính xác đến tuyệt đối 100%.
Trường hợp nêu trên chưa thấy nói đến sai số khi lấy mẫu, khi vận chuyển mẫu, cá nhân người xét nghiệm và độ chuẩn của máy xét nghiệm nên không thể có kết luận đúng. Bản thân người bệnh có bị mất khả năng miễn dịch với nhiễm khuẩn hay không cũng là một câu hỏi nữa.
Theo tôi tuyệt đại đa số là không tái nhiễm ngay. Nên thấy xét nghiệm dương tính nghĩa là chưa khỏi bệnh. Tôi cho rằng khi có kết quả 3 lần xét nghiệm âm tính theo Real-time PCR thì có thể tin tưởng đã khỏi bệnh. Thực tế cũng đã chứng minh các trường hợp khỏi bệnh ở Việt Nam chưa hề có sự lây nhiễm cho người khác khi họ trở lại cộng đồng.
Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Huy Nga về cuộc trò chuyện này ./.