Lực lượng đối lập Phong trào Papua tự do (OPM) đã đề xuất ngừng bắn với chính phủ Indonesia do lo ngại sự bùng phát của đại dịch này tại đây.
Phó Thống đốc tỉnh Papua, ông Kleme Tingal công bố tỉnh này quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp do Covid-19 từ ngày 9/4-6/5/2020. Việc nâng trạng thái từ sẵn sàng ứng phó sang tình trạng khẩn cấp được thiết lập do sự gia tăng của các ca mắc Covid-19 tại đây. Hiện tại, tỉnh Papua ghi nhận 45 ca mắc Covid-19, trong đó có 5 trường hợp tử vong.
Papua ban bố tình trạng khẩn cấp do Covid-19. Ảnh: Papua.go.id.
Trước đó, Papua đã yêu cầu người dân học tập và làm việc tại nhà từ 14-23/4.
Chính quyền Papua cũng mở rộng lệnh cấm ra vào thông qua các chuyến bay thương mại, tàu biển và đường bộ chỉ trừ di chuyển với mục đích hậu cần, y tế, mặt hàng chủ lực, ngân hàng, khẩn cấp an ninh trong khi duy trì các hoạt động y tế. Giờ hoạt động của trung tâm thương mại cũng được hạn chế từ 6h00-14h00 (Giờ địa phương).
Chính phủ đóng cửa tất cả các khu du lịch, vui chơi, giải trí. Người phát ngôn chính phủ Indonesia chuyên biệt về Covid-19, ông Achmad Yurianto cho biết, tỉnh Sorong và Fakfak, Tây Papua và Mimika và Papua đã đề xuất áp dụng Giới hạn xã hội quy mô lớn tới Bộ trưởng Bộ Y tế Terawan Agus Putranto. Cho đến nay, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ cấp phép cho thủ đô Jakarta để áp dụng hình thức giới hạn này.
Cùng ngày, nhóm phiến quân thuộc Phong trào Papua tự do (OPM) đã đề xuất ngừng bắn với chính phủ Indonesia do lo ngại về sự bùng phát của dịch Covid-19 tại một số khu vực ở Papua. Lời kêu gọi ngừng bắn này được đăng tải trên các phương tiện truyền thông của lực lượng này. Người phát ngôn nhóm phiến quân cho biết, đây là một hành động nhân đạo. Lực lượng này yêu cầu chính phủ Indonesia rút tất cả quân đội và cảnh sát ở Papua. Nếu có sự đồng ý từ chính phủ Indonesia thì nhóm phiến quân này sẽ thực hiện ngừng bắn cho đến khi dịch Covid-19 kết thúc. Nhóm phiến quân cũng yêu cầu công ty khai thác vàng PT Freeport phải tạm thời đóng cửa cho đến khi hết dịch Covid-19.
Vài tháng qua, nhóm phiến quân thuộc Phong trào Papua tự do (OPM) đã tăng cường các cuộc tấn công ở vùng núi Papua, chủ yếu nhằm vào công ty khai thác vàng lớn nhất thế giới Freeport Indonesia khiến hơn 2.000 người phải sơ tán, nhiều người dân và các thành viên quân đội cùng cảnh sát Indonesia thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ./.