Vào khoảng tháng 5 năm 2018, tổ chức ban hành pháp luật ở Hawaii đã có lệnh cấm mua bán các loại kem chống nắng có chứa oxybenzone và octinoxate – hai loại hoá chất được cho là có khả năng gây hại đến các rặng san hô trong vùng biển. Có đến hơn 14.000 tấn kem chống nắng được báo là đã thâm nhập vào các rặng sang hô mỗi năm, và nhiều nhà khoa học đã chứng minh rằng hai chất này có gây hại với sự sinh trưởng và phát triển của rặng san hô. Sự kiện này đã gây nên lo lắng trong lòng nhiều người tiêu dùng: Nếu oxybenzone và octinoxate có thể gây hại đến san hô, thì nó sẽ có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ con người?
Kem chống nắng hoá chất với oxybenzone có thể làm hư hỏng môi trường biển và cụ thể là rặng san hô.
Trên thực tế, theo như trang Huffpost, sự lo lắng về tác hại của oxybenzone trong kem chống nắng đã tồn tại được ít nhất… 10 năm. Ông David Andrews, nhà khoa học dẫn đầu của tổ chức Environmental Working Group (EWG) đã cho biết EWG vẫn luôn kiến nghị người dùng tránh sử dụng kem chống nắng có hai chất này nếu có thể.
Kem chống nắng chứa oxybenzone có thực sự độc hại?
Theo như EWG, oxybenzone đã được phát hiện trong máu của gần như tất cả người Mỹ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất này có thể có khả năng ảnh hưởng đến các nội tiết tố trong cơ thể. Cụ thể, ông Andrews cho rằng lượng oxybenzone nhiều trong cơ thể của các thiếu niên giới tính nam có thể dẫn đến sự giảm sút của testosterone. Octinoxate cũng được cho là có hiệu ứng tương tự, tuy nhiên chính ông Andrews cũng phải thừa nhận rằng có rất ít nguồn học thuật và nghiên cứu để chứng minh điều này 100%. Nhưng ông cũng cho rằng điều này đủ gây quan ngại cho người tiêu dùng để họ chủ động tránh sử dụng những sản phẩm có chứa hai chất này, bởi trên thị trường hiện tại cũng có loại kem chống nắng có thành phần khoáng chất khác.
Những loại kem chống nắng khoáng chất có nguyên lý khác với kem chống nắng hoá học, vì nó hoạt động trên nguyên lí tạo một chiếc "màn" chống nắng, trong khi kem hoá học lại dựa vào sự thay đổi và phản ứng hoá học để làm giảm sự ảnh hưởng của tia cực tím.
Các chuyên gia da liễu và FDA không cho rằng kem chống nắng chứa oxybenzone gây nguy hại đến sức khoẻ con người.
Cho đến hiện tại, vẫn chưa hề có thông tin gì về việc những loại kem chống nắng chứa oxybenzone và octixonate bị cấm sản xuất. Cục quản lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Mỹ (FDA) vẫn đang chấp nhận những sản phẩm này (song vẫn đang tăng cường nghiên cứu và kiểm duyệt về độ thẩm thấu của kem chống nắng lên da cũng như các quan ngại xoay quanh sự ảnh hưởng nội tiết tố). Bác sĩ Jody Levine – trưởng khoa da liễu ở trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ và da liễu của New York cho hay: "Theo như FDA, không có bằng chứng xác thực để chứng minh những sản phẩm này gây hại đến sức khoẻ con người". Bên cạnh đó, bác sĩ Jennifer MacGregor – một chuyên gia da liễu khác ở New York cũng đồng tình với điều này, ông cho biết "không có dữ liệu khoa học chính thống nào chứng minh được điều này."
Bác sĩ Levine cho rằng việc cấm mua bán các sản phẩm kem chống nắng chứa hóa chất có thể khiến người ta không dám sử dụng kem chống nắng nói chung và không tìm kiếm được sản phẩm thay thế. Điều này sẽ dễ dẫn đến nguy cơ ung thư da cao hơn, bởi việc bôi kem chống nắng chính là biện pháp chống ung thư da hiệu quả nhất.
Tuy nhiên cả hai bác sĩ Levine và MacGregor đều đồng tình rằng có những lựa chọn kem chống nắng không chứa hai loại hoá chất kia, và chúng hoạt động tốt hơn trong việc chống tia cực tím. Cụ thể, những loại kem chống nắng khoáng chất có thể ngăn được cả tia cực tím A và B (UVA và UVB) hiệu quả không kém các loại kem có chứa oxybenzone. Mặt khác, kem chống nắng khoáng chất cũng ít gây kích ứng da hơn kem chống nắng hoá học.
Cho đến hiện tại, nhiều nhà khoa học đồng tình rằng oxybenzone là một chất có tiềm năng gây ảnh hưởng đến nội tiết tố, khiến các quy trình sinh lý trong cơ thể trở nên bất thường, ví dụ như sự phát triển ở trẻ em, sự trao đổi chất... Song, đây mới là "tiềm năng" và chưa được chứng minh chắc chắn. Có nhiều bằng chứng cho thấy oxybenzone gây rối loạn nội tiết tố trong động vật nhưng vì một số lý do mà chưa thể xác định được ảnh hưởng của nó trên cơ thể con người.
Cụ thể, một nghiên cứu trên chuột phòng thí nghiệm đã cho thấy hệ quả của việc tiếp xúc với oxybenzone nồng độ cao, tuy nhiên nồng độ này lại cao hơn lượng oxybenzone chúng ta tiếp xúc khi bôi kem chống nắng rất nhiều. Mặt khác, dù không có bằng chứng cho thấy oxybenzone ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hoá chất này dễ gây kích ứng cho da nhạy cảm.
Tuy vậy, cũng cần phải chỉ ra rằng oxybenzone vẫn là một trong những hoá chất chống tia UV tốt nhất cho đến hiện tại, bởi vậy nên nó được sử dụng trong hầu hết kem chống nắng trên thị trường.
Lựa chọn sử dụng loại kem chống nắng là ở bạn, nhưng hãy luôn nhớ bôi kem chống nắng khi ra đường.
Các nhà khoa học kết luận rằng bạn hãy luôn mang kem chống nắng khi ra đường, đây là nguyên tắc "bất di bất dịch". Tuy nhiên bạn có quyền lựa chọn sản phẩm nào tốt nhất cho mình. Lệnh cấm sử dụng kem chống nắng hoá học ở Hawaii hầu hết là để hạn chế ảnh hưởng lên môi trường sinh sống của rặng san hô chứ không phải vì nó có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Bác sĩ MacGregor kết luận: "không có bằng chứng cho thấy kem chống nắng nói chung có hại cho sức khoẻ, nhưng có rất nhiều nghiên cứu chính thống cho thấy việc phơi nhiễm tia UV gây nên ung thư da và việc sử dụng kem chống nắng thường xuyên sẽ bảo vệ bạn khỏi nguy cơ này."