Ở La Mã, sự giàu có của Crassus đã trở thành huyền thoại. Tác giả La Mã Pliny the Elder ước tính giá trị tài sản của ông gần bằng toàn bộ ngân sách hàng năm của Cộng hòa La Mã. So sánh với thời điểm hiện tại là rất khó, nhưng để đưa ra ví dụ, ngân sách của Vương quốc Anh vào năm ngoái là hơn một nghìn tỷ bảng Anh.
Theo ước tính, tài sản của ông nếu quy đổi ra ngày nay có thể lên đến 12 tỷ USD - phần lớn là bất động sản, buôn nô lệ và khai thác mỏ.
Tuy nhiên, ngày nay ở phương Tây người ta biết nhiều hơn đến Croesus, một vị vua Lydia sống 500 năm trước thời Crassus. Sự giàu sang của người đàn ông quyền lực và "chúa đất" của cả La Mã dường như đã phai mờ.
Một động lực chính của những thành công thời cổ đại - thời kỳ mà cái chết bất thình lình luôn rình rập với vô số hiểm nguy - chính là việc được ghi danh sử sách cho hậu thế ngàn đời không quên.
Dù thế, Marcus Licinius Crassus, một trong những nhân vật chính trị nổi bật nhất của thời kỳ cuối Cộng hòa La Mã, đã không đảm bảo được vị trí trong lịch sử mà ông mong đợi hoặc sự nghiệp của ông dường như hứa hẹn. Mọi đứa trẻ đều biết tên Julius Caesar và tên của Pompey; nhưng Crassus - thành viên thứ 3 của "Tam Hùng" La Mã dần như đã bị rơi vào lãng quên.
Crassus được khắc họa trong bộ phim Spartacus năm 1960
Nhưng điều đó không làm lu mờ ảnh hưởng của "nhà tài phiệt" đầu tiên trong lịch sử. Với sự kiên trì và kỹ năng xuất chúng, Crassus đã vượt qua nguy hiểm và những mưu mô của nền chính trị La Mã để tiến tới đỉnh cao của nó, để rồi vượt quá sức mình, phát động một chiến dịch quân sự thảm khốc chống lại người Parthia khiến ông phải trả giá bằng mạng sống và danh tiếng của chính mình.
Sự nghiệp chính trị của Crassus không có khởi đầu dễ dàng. Ông sinh ra trong một gia đình gia trưởng: cha ông tiếp bước ông nội, là quan chấp chính, một trong hai người đứng đầu chính quyền La Mã.
Nhưng cha của Crassus đã tự kết liễu đời mình khi trở thành đối thủ của vị tướng Gaius Marius. Crassus trốn sang Tây Ban Nha lưu vong, nơi ông ẩn mình trong một hang động suốt 8 tháng, sống sót nhờ nguồn cung cấp của một người bạn.
Vừa chớm 30 tuổi, ông đã chiêu binh mãi mã ở Tây Ban Nha và tham gia cùng với Sulla, đối thủ hàng đầu của Marius tại Hy Lạp. Đây là thời điểm những phẩm chất xuất sắc của ông bắt đầu nở rộ: kiên cường, táo bạo, tham vọng và dám nghĩ dám làm.
May mắn đến với Crassus khi những năm sau chiến thắng của Sulla trước lực lượng của Marius và việc ông trở thành nhà độc tài đã thúc đẩy Crassus y dựng một thế lực chính trị riêng. Trong cuộc thanh trừng hỗn loạn và đẫm máu diễn ra sau đó, danh sách "tố cáo" những kẻ chống đối Sulla đã được lập ra, kết án họ tử hình và tịch thu tài sản của cho nhà nước.
Crassus đã chớp thời cơ mua số lượng lớn bất động sản này với giá rẻ trong các cuộc đấu giá công khai. Sự giàu có ở La Mã cổ đại chủ yếu đến từ quyền sở hữu đất đai vì nông nghiệp thống trị nền kinh tế. Crassus hiểu điều này và bắt đầu trở thành chủ đất lớn nhất của La Mã.
Điều bất thường là, ông cũng sở hữu vô số đất đai thành thị của La Mã. Đế chế bất động sản của Crassus bao gồm mọi thứ, từ những ngôi nhà lớn đến những khu ổ chuột, và được quản lý với một mức độ chuyên nghiệp khác thường. Ông tập hợp các đội nô lệ được huấn luyện đặc biệt dành riêng cho các chức năng cụ thể, bao gồm cả những thứ tương đương với dịch vụ cứu hỏa tư nhân, đáp ứng "nhu cầu" của La Mã thời đó.
Hỏa hoạn thường xuyên bùng phát giữa các khối tháp dày đặc và thường được xây dựng kém. Người của Crassus sẽ xuất hiện và đề nghị mua lại những tòa nhà đang cháy từ những người chủ tuyệt vọng của họ (hoặc những người hàng xóm của họ) với giá bèo - trước khi bắt tay vào dập lửa.
Giống như Peter Rachman, chủ khu nhà ổ chuột khét tiếng ở London những năm 1950, Crassus không phải là một người đàn ông bị gánh nặng bởi những cân nhắc cỏn con. Điều đó không khiến ông là duy nhất ở La Mã; nhưng hoạt động thương mại có tổ chức cao thì có. Theo nghĩa này, ông đã đi trước thời đại rất nhiều.
Thông qua các khoản vay và hỗ trợ tài chính, Crassus đã biến khối tài sản ngày càng lớn của mình thành một mạng lưới ảnh hưởng. Nhưng ông phải đối mặt với một vấn đề là tiền có được thông qua các giao dịch kinh doanh đã bị các quý tộc La Mã khinh thường. Theo quan điểm của một số người đương thời, sự theo đuổi tài chính của ông là hành vi bất chính.
Crassus còn được miêu tả là thèm khát tài chính đến mức triết gia và nhà hùng biện nổi tiếng thời La Mã Cicero cho biết Crassus sẽ nhảy hết dọc chiều dài của Công trường La Mã chỉ để được nhắc đến trong một di chúc.
Đất đai không phải là hình thức duy nhất của sự giàu có. Vàng và bạc cũng là vật đầu cơ giá trị, giống như nô lệ - và những thứ này có thể được mua một cách hiệu quả nhất thông qua các cuộc chinh phục nước ngoài.
Pompey đã làm điều này một cách thành công rực rỡ với những chiến thắng của mình ở vùng cận đông. Số chiến lợi phẩm mà Pompey mang về sau chiến dịch thành công chống lại Mithridates của Pontus lớn đến nỗi "Crassus không thể phủ nhận rằng Pompey là người giàu hơn".
Crassus đã nhận thức sâu sắc rằng sự giàu có không thể chỉ về tiền bạc, mà còn phải cả về danh dự, điều mà chỉ có một cuộc chinh phạt quân sự mới có thể mang lại. Crassus khao khát được ca ngợi về một chiến thắng - một cuộc diễu hành khải hoàn qua Rome - thứ mà ông đã chứng kiến cha mình giành được và cũng là thứ đã đánh dấu tên tuổi của các đối thủ của mình, Pompey và Caesar, theo cách mà không ai có thể thành công trong kinh doanh.
Đây là lý do khiến ông khởi động một chiến dịch không cần thiết và thảm họa chống lại vua Parthia, một kẻ thù mạnh và bí ẩn.
Kết cục kéo theo nhanh chóng. La Mã dưới sự chỉ huy của Crassus thất bại thảm hại trong cuộc xâm lược, với dấu chấm hết là trận Carhae mà tại đó kỵ binh Parthava đã thắng như chẻ tre trước địch thủ, đánh dấu thất bại cay đắng của cả đế chế và Crassus. Thất bại này cũng dẫn đến hồi cáo chung của "người giàu nhất La Mã" khi ông bị giết sau đó bởi đàm phán thất bại.
Crassus (bên phải) và Ceasar trong một bộ phim truyền hình năm 2010
Câu chuyện của Crassus rất đáng để kể lại. Ông là người có vai trò lớn hơn hầu hết người nào khác, ở một thời điểm quan trọng trong lịch sử La Mã, khi quyền lực của nó được sáp nhập nhưng cấu trúc chính trị cũ đã thất bại.
Thế giới của ông theo một cách nào đó hoàn toàn xa lạ với chúng ta: một cuộc đời bi đát, tàn bạo và ngắn ngủi. Người ta nói rằng người Parthia đã lấp đầy miệng ông bằng vàng nóng chảy như một hình thức sỉ nhục cho sự tham lam của ông.
Nhưng Crassus đồng thời là một nhân vật hiện đại đến kỳ lạ. Kỹ năng của ông với tư cách là một nhà cải cách, nhà đầu tư, nhà tài chính và nhà hoạch định có lẽ sẽ khiến ông trở thành một doanh nhân hoặc giám đốc điều hành xuất sắc. Ông đã sử dụng tài năng của mình để đi theo một lộ trình khác thường gần như lên đến đỉnh cao của nền chính trị La Mã.
Nhưng ông cũng đồng thời không thể thoát khỏi những ràng buộc của thời đại của mình: đỉnh núi đó được dành cho việc chinh phục các anh hùng, đó không phải là vai trò được giao cho một "doanh nhân" hay "tài phiệt".
Nguồn: Telegraph