Thời gian gần đây, trên tuyến tàu điện ở thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) đã xảy ra một tình huống thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
Một cô gái đeo kính dùng tiếng Anh hét lớn đến khàn tiếng để cãi nhau với một người ngoại quốc.
Được biết, thời điểm đó đang trong giờ cao điểm, tàu điện chen chúc đông đúc, một người đàn ông ngoại quốc vô tình thốt ra câu: "Đừng đẩy nữa".
Sau đó, cô gái đeo kính cảm thấy khó chịu trước câu nói của người đàn ông nên đã phát sinh mâu thuẫn.
Cô gái bắt đầu công kích bằng lời lẽ mạnh bạo: "Cút khỏi nước tôi. Ông không thuộc về nơi đây".
Người đàn ông vô cùng khó hiểu với tư duy của cô gái: "Chỉ vì cô là người ở đây nên có thể đuổi tôi sao? Vì sao?".
Anh nói tiếp: "Người ở đây không phải như vậy, chỉ có cô là ngoại lệ".
Câu đáp trả của cô gái khiến nhiều người không khỏi thảng thốt: "Ông không phải là đàn ông, giống như đàn bà vậy. Ông là đàn bà".
Người đàn ông vô cùng khó hiểu trước lập luận của cô gái nên đã nhỏ giọng nhẹ lời. Anh nói rằng bản thân được mẹ dạy dỗ đàng hoàng nên không thể bất lịch sự như cô.
Nhưng cô gái lại bắt đầu chuyển sang công kích mẹ của người đàn ông: "Ông là đồ vô văn hóa. Mẹ của ông không biết dạy dỗ ông. Bà ta chắc chắn sẽ chết sớm".
Hai người cự cãi không hồi kết.
Dưới phần bình luận của video được đăng tải, nhiều người vô cùng bất bình trước lời lẽ của cô gái kia:
"Cô này đã dùng chiêu 'ông là đàn bà' để công kích một người đàn ông. Logic kiểu này không hợp tình hợp lý".
"Vì sao cô gái này lại chửi rủa bằng cách ví đàn ông như đàn bà".
"Rốt cuộc là đang chửi đàn ông hay chửi phụ nữ?".
"Đàn bà" từ lúc nào đã trở thành tiếng nói bậy dùng để mắng nhiếc người khác?".
Từ miệng của cô gái trên tàu điện kia, "ông là đàn bà" còn nặng nề hơn cả lời mắng của người đàn ông ngoại quốc.
Trong cuốn "Misogyny" (tạm dịch: Chứng kỳ thị nữ giới) của nhà văn Nhật Bản - Chizuko Ueno có một đoạn thế này:
"Chứng kỳ thị nữ giới tồn tại một cách âm thầm, đến mức khiến người ta không thể nhận ra… Nó không chỉ diễn ra nam giới, mà nữ giới cũng mắc phải".
Nữ giới khi mắc phải chứng tâm lý này càng ghê gớm hơn cả đàn ông, bởi lẽ họ đang tự ghét bỏ chính mình.
Một cô nàng nổi tiếng tiếng mạng xã hội tham gia chương trình đàm thoại chia sẻ cách nam giới theo đuổi nữ giới như sau:
"Hẹn với con gái phải chọn ngày có mưa. Vì nếu trời mưa không mang ô, bạn có thể nhìn thấy gương mặt thật sau lớp trang điểm của cô ấy, còn chiêm ngưỡng được cơ thể khi quần áo bị nước mưa làm dính vào da thịt".
"Cô ấy tức giận rất giống với chú chó hoang bên đường. Thế thì anh còn nỡ lòng mắng cô ấy nữa không?".
Những lời được cho là bí quyết nắm bắt tâm lý phụ nữ này nghe thì có vẻ đầy kinh nghiệm. Nhưng cách cho ví dụ và dẫn chứng của cô là biểu hiện của Chứng kỳ thị nữ giới. Nếu là một người phụ nữ khi nghe những câu này, bạn có khó chịu không?
Trong "Đại hội Talkshow", một nữ tuyển thủ đã bàn luận về vấn đề liên quan đến Chứng kỳ thị nữ giới được nhiều người đồng tình:
"Tôi từng học lớp của một thầy giáo. Nếu nam sinh thi Toán được 100 điểm, thầy sẽ nói rằng: 'Bản chất của con trai là thông minh'. Nhưng khi nữ sinh đạt 100 điểm tối đa thì ông chỉ nói: 'Một số cô gái cũng thông minh phết nhỉ!'".
Cứ thế, xã hội này vô hình trung tạo nên một định kiến: "Nam giới về bản chất luôn thông minh hơn nữ giới, thích hợp với khoa học tự nhiên".
Thế nhưng theo kết quả nghiên cứu của Đại học Carnegie Mellon công bố trên tạp chí NPJ Science of Learning, não bộ của nam và nữ không có sự khác biệt trong hoạt động tiếp nhận, phân tích vấn đề toán học.
Ngẫm nghĩ lại kỹ hơn, từ nhỏ đến lớn, chúng ta thường nghe những nhận xét mang biểu hiện của Chứng kỳ thị nữ giới như:
Nữ giới không giống nam giới. Con trai dũng cảm hơn, kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn, có tính quyết đoán hơn. Ngược lại, nữ giới lại bị gắn mác: nhu nhược, yếu ớt, vô năng, không thể làm chủ cuộc đời.
Nhà văn, nhà triết học và một nhà đấu tranh cho nữ quyền người Pháp - Simone de Beauvoir từng nói: "Một người tuy không phải sinh ra là nữ, nhưng đang dần trở thành nữ".
Mỗi nhân tố trong quá trình trưởng thành của nữ giới đều đang hạn chế họ, khiến họ dần trở nên tầm thường.
Nhưng nguyên nhân không phải vì họ sinh ra đã là nhóm người thuộc thế yếu, mà là họ dần trở nên bị động.
May mắn thay, xã hội càng hiện đại, phụ nữ càng ý thức được điểm bất hợp lý này, từ đó cố gắng đấu tranh giành lấy quyền chủ động.
Trong cuốn "The Moment of Lift" (Thời điểm cất cánh) của Melinda Gates có nói rằng:
"Nếu phụ nữ có thể nghe thấy tiếng nói của mình trong câu chuyện của người cùng giới, thì cô ấy sẽ trở nên dũng cảm, chất giọng mỏng manh biến thành mạnh mẽ hòa âm như dàn hợp xướng" (tạm dịch).
Hy vọng ngày càng nhiều phụ nữ thoát khỏi vòng trói buộc của Chứng kỳ thị nữ giới, tháo gỡ định kiến, giành lấy năng lượng chân chính của riêng mình.
Nguồn: Zhihu