Ông cụ trong bộ ảnh "Tình già" bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội khi đi nhặt ve chai: "Mong ông được về sớm để bà đỡ buồn, đỡ khóc"

Minh Nhân, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 21/08/2018

"Những ngày này, bà muốn ăn gì thì mình mua. Giờ chỉ mong ông được về sớm để bà đỡ buồn, đỡ khóc" - anh Phạm Tuấn Dũng (41 tuổi, quê Kiến An, Hải Phòng) nói về vụ việc vừa xảy ra với bố mẹ nuôi của mình.

Bãi giữa sông Hồng ngay dưới chân cầu Long Biên vốn là khu ở tạm của nhiều hoàn cảnh neo đơn. Trước đây người ta chẳng mấy quan tâm tới những căn chòi, con thuyền ở đó. Nhưng từ ngày có người đặt nền móng khai sinh, những người lang thang, cơ nhỡ tụ về đây thành xóm ngụ cư ven sông. Cuộc sống về cơ bản lênh đênh và trôi nổi. Mỗi ngày trôi qua, kiếp người vẫn thắc mắc không biết ngày hôm sau sẽ thế nào. 

Lối vào xóm ngụ cư hai bên rậm rạp cây như một khu sinh thái thu nhỏ. Hỏi nhà bà Thuỷ, nhiều người chỉ điểm ngay cái chòi nhỏ heo hắt ngay giữa bãi. Nước vừa rút, trồi lên nguyên một vùng sình lầy, vài tấm gỗ chắn ngang làm lối đi từ bờ xuống chòi. Hàng xóm xung quanh chẳng một bóng người, chỉ nghe tiếng nói nhanh lẹ vọng từ đằng sau.

"Chỉ mình bà ấy dưới chòi thôi, ông Thành đi đâu mấy hôm nay chưa thấy về!"

Ông Thành là chồng bà Thuỷ. Năm 2016, hai ông bà được biết đến nhiều hơn thông qua bộ ảnh "Tình già" của nhiếp ảnh gia Lê Cao Hải. Chuyện tình ngỡ như cổ tích của cặp đôi thất thập từng khiến biết bao con tim thổn thức. Bẵng đi một thời gian, dạo gần đây người ta không thấy ông Thành đâu nữa, hỏi ra mới biết ông vắng nhà chừng 10 ngày nay.

Ông cụ trong bộ ảnh Tình già bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội khi đi nhặt ve chai: Mong ông được về sớm để bà đỡ buồn, đỡ khóc - Ảnh 1.

Niềm hạnh phúc trên khuôn mặt ông Thành bà Thuỷ.

Đi nhặt ve chai, ông cụ trong bộ ảnh "Tình già" gây sốt bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội. Thực hiện: Minh Nhân

"Thế có về chung nhà với tôi không?" 

Bà Thuỷ nhặt nhạnh từng khúc củi ướt, ì ạch đưa từ đất liền xuống căn chòi lênh đênh của mình. Tên đầy đủ của bà là Nguyễn Thị Thuỷ (81 tuổi), bà tự nhận mình mắc chứng hay quên. Thế nhưng khi hỏi về bộ ảnh "Tình già" cách đây 2 năm, bà Thuỷ nhớ rõ lắm.

"Anh Hải chụp cho tụi tui đó!".

Ông Nguyễn Văn Thành là người dân tộc thiểu số gốc Thanh Hoá, còn bà Thuỷ là người Thái Bình. Cả hai đều mồ côi cha mẹ. 49 năm trước, ông bà tình cờ gặp nhau ở bãi rác trong tình huống khá "oái ăm". Vì nhặt tranh rác của nhau, ông Thành bèn nghĩ ra cách để đỡ phải tiếp tục giành đồ. 

Ông cụ trong bộ ảnh Tình già bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội khi đi nhặt ve chai: Mong ông được về sớm để bà đỡ buồn, đỡ khóc - Ảnh 3.

Con đường dẫn vào xóm ngụ cư ở bãi giữa sông Hồng.

Ông cụ trong bộ ảnh Tình già bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội khi đi nhặt ve chai: Mong ông được về sớm để bà đỡ buồn, đỡ khóc - Ảnh 4.

Căn chòi nhỏ của cặp vợ chồng già.

"Thế có về chung nhà với tôi không?" - ông Thành vốn chẳng lời hay ý đẹp, chỉ biết hỏi người phụ nữ "tranh rác" với mình câu hỏi chân chất nhất từ tận đáy lòng. Thời đấy chưa gọi là yêu, đơn giản là cảm và thương nhau. 

"Xong luôn! Ông bà yêu nhau theo kiểu "đồ cổ" từ đấy, không phải như bây giờ" - bà Thuỷ nhoẻn một nụ cười móm mém. Từ đầu buổi trò chuyện, đây là giây phút hiếm hoi người phụ nữ già dám vui, dám cười. 

Ông bà chính thức nên vợ nên chồng từ ngày 29/6/1969. Không kèn, không trống, mọi thứ giản đơn đúng kiểu về-chung-một-nhà. Thiếu thốn, khó khăn đủ bề, cái thời mà ăn còn chưa no nói gì tới tổ chức đám cưới. Để kỷ niệm "ngày cưới", ông Thành xăm ngày hai người gặp nhau lên tay. Cuộc sống mới cứ thế bắt đầu, mặc dù vẫn đói, vẫn khổ, vẫn phải phiêu bạt nhiều nơi, nhưng dẫu sao 2 người vẫn vui hơn là một.

Ông cụ trong bộ ảnh Tình già bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội khi đi nhặt ve chai: Mong ông được về sớm để bà đỡ buồn, đỡ khóc - Ảnh 5.

Bà Thuỷ cười thoáng chốc khi nhắc về chuyện tình ngày xưa.

Căn nhà đơn sơ, dung dị.

Đi mãi kiếp người hơn 40 năm, ông bà "lạc" đến bãi giữa sông Hồng tìm nơi trú ngụ. Mênh mông sông nước chỉ toàn những cây với cỏ, không có tiền đóng một con thuyền cho khang trang, 2 người tìm bãi chuối gần đấy sống qua ngày. 

Tốt tính, hiền lành lại chăm chỉ làm ăn, nhiều người thương cảm tìm đến góp tiền đóng cho đôi vợ chồng già cái chòi nhỏ. Vẫn hoàn kiếp lênh đênh nhưng ngày nắng có chỗ che nắng, ngày mưa có chỗ che mưa, ông Thành bà Thuỷ mừng đến bật khóc. 

"Sáng sớm tỉnh dậy lúc nào thì ông đi nhặt ve chai lúc đó, bà sức khoẻ yếu, mắt lại kém chỉ ở "nhà" thôi. Hai vợ chồng mong đủ tiền mua gạo sống qua ngày. Mùa hè ở đây mát lắm chứ" - bà Thuỷ hớn hở.

Căn nhà trên sông chẳng có cái gì đáng giá, nhưng không bao giờ thiếu hai chiếc điếu cày, ông một cái và bà một cái. Ông Thành bảo: "Đỡ phải tranh nhau!". Đến nay khi tuổi đã xế chiều, ông bà chỉ thích có người đến thăm cho đỡ buồn. 

Ông cụ trong bộ ảnh Tình già bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội khi đi nhặt ve chai: Mong ông được về sớm để bà đỡ buồn, đỡ khóc - Ảnh 7.

Bà Thuỷ vẫn giữ thói quen hút điếu cày từ ngày yêu ông Thành.

Ông cụ trong bộ ảnh Tình già bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội khi đi nhặt ve chai: Mong ông được về sớm để bà đỡ buồn, đỡ khóc - Ảnh 8.

Mâm nước tiếp khách trong nhà.

Ông cụ trong bộ ảnh Tình già bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội khi đi nhặt ve chai: Mong ông được về sớm để bà đỡ buồn, đỡ khóc - Ảnh 9.

Bộ quần áo bà Thuỷ phơi tạm.

Đúng như câu chia sẻ của ông Thành: "Tôi vẫn yêu bà như hồi còn trẻ". Tình yêu ấy không chỉ thể hiện bằng lời nói, mà còn qua cái nắm tay, ánh mắt trìu mến,... được lột tả chân thật qua bộ ảnh "Tình già". Bộ ảnh cưới được xem như để đánh dấu và lưu giữ kỉ niệm trong suốt gần 50 năm qua giữa 2 con người vốn xa lạ. Là niềm vui mà trước đó ông bà chưa bao giờ dám nghĩ tới. 

- "Thế nếu chụp lại bộ ảnh khác ông bà có chụp không?

- "Thôi, bây giờ già sắp chết rồi!" - bà Thuỷ lại cười. Một cách ngại ngùng, e ấp như thiếu nữ đôi mươi. 

"Chồng tôi đi làm xa rồi!"

Cuộc sống trong cái chòi nhỏ tuy thiếu thốn trăm bề nhưng ấm cúng bởi tình người, tình thương lẫn cả tình yêu. Trên đó, ông bà chia hẳn 2 "phòng": phòng khách để tiếp khách tới chơi, phòng ngủ có 2 cái gối kèm cái cửa sổ nhìn thẳng ra phía cầu Long Biên. 

Nhưng dạo gần đây, người dân không còn thấy ông Thành đi nhặt ve chai nữa. Nhiều người thắc mắc, bà Thuỷ chỉ đáp: "Chồng tôi đi làm xa rồi!". Bà né tránh mọi ánh nhìn, lời hỏi thăm của bất cứ ai. Một mình bà lủi thủi đi nhặt củi ướt. Cái chòi bếp hôm bữa bị nước lên đánh bật ngửa ra giữa sông. Bà Thuỷ một mình, cô đơn và tự xoay xở mọi việc.

Ông cụ trong bộ ảnh Tình già bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội khi đi nhặt ve chai: Mong ông được về sớm để bà đỡ buồn, đỡ khóc - Ảnh 10.

Ánh mắt buồn rầu của bà Thuỷ khi nhắc tới chồng mình.

Rít một hơi điếu cày thật sâu, khói toả nghi ngút quanh miệng. Người phụ nữ 81 tuổi quay lưng nhìn về phía con đường nối lên bờ. Đã 10 ngày nay chồng bà không về nhà...

"Ông ấy đi làm ở gần hồ Gươm bị đưa về Trung tâm Bảo trợ Xã hội vì không có giấy tờ. Một mình bà ở nhà khổ quá". 

Từ ngày ông Thành xa nhà, bao nhiêu chuyện không vui "lũ lượt" kéo tới. Căn bếp bị đổ, đồ đạc rơi xuống sông, củi ướt hết không có đốt, nhà chòi bị nước đẩy lên bãi. May có nhiều người, họ thương, họ kéo xuống cho. 

"Bữa đó ông nhà đi làm đến 12h đêm vẫn không thấy về. Đến sáng hôm sau, hàng xóm báo tin ông bị đưa về Trung tâm. Bà và mấy người trên bãi có lên thăm ông một lần, nhưng cũng không có giấy tờ bảo lãnh nên họ không cho ông ra".  

Ông cụ trong bộ ảnh Tình già bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội khi đi nhặt ve chai: Mong ông được về sớm để bà đỡ buồn, đỡ khóc - Ảnh 11.

Bà Thuỷ xem lại bức ảnh cưới thuở nào của 2 vợ chồng.

Theo quy định, ông Thành bị giữ lại Trung tâm tầm một tháng. Nghe thấy vậy, bà Thuỷ bật khóc. "Bà cầu xin để họ thả ông ấy về, nếu không có ông chắc bà chết mất!". Cũng vì xung quanh khu vực không còn gì để nhặt nhạnh, ông Thành mới đánh liều lên phố tìm kiếm ve chai. Ai ngờ ông bị đưa về Trung tâm mà chẳng kịp nói một lời với vợ. 

Bếp bị sập không còn chỗ để nấu cơm, bà ngồi chờ đứa con nuôi của mình tới trông nom. Đó là một người đàn ông cao, gầy, đen nhẻm. Anh tên Phạm Tuấn Dũng (41 tuổi, quê Kiến An, Hải Phòng). 

Ông cụ trong bộ ảnh Tình già bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội khi đi nhặt ve chai: Mong ông được về sớm để bà đỡ buồn, đỡ khóc - Ảnh 12.

Cuộc sống khốn khó giờ càng thêm khó đối với người phụ nữ lớn tuổi.

Thấy bóng dáng anh Dũng thấp thoáng từ trên bờ, bà Thuỷ đã vươn người ra khỏi chòi hét lớn: "Con ơi!". Bữa trưa hôm nay của bà là một bát cháo không thịt. Bà già rồi, không còn răng để nhai thịt nữa.

"Hàng ngày mình ra xem có gì thì lo lắng giúp đỡ, coi ông bà như cha mẹ đẻ dù không sinh thành. Năm ngoái mọi người gom tiền làm cái bè mới thay bè cũ cho ông bà ăn Tết. Giúp được gì thì mình giúp. Nay mình ra xem nước rút được nhiều chưa để sửa sang lại bè. Gần đây bà yếu không đi lại được. Mình nhiều lúc bận quá không thể ghé qua, bà phải tự canh chừng mực nước" - anh Dũng tâm sự.

Tháng 4/2017, ông Thành bà Thuỷ nhận anh Dũng làm con nuôi. Từ đó mỗi ngày 2 lần, những lúc rảnh rỗi không phải bán hàng trong chợ, anh ra trông thuyền bè cho bố mẹ. "Những ngày này, bà muốn ăn gì thì mình mua. Giờ chỉ mong ông được về sớm để bà đỡ buồn, đỡ khóc". 

Ông cụ trong bộ ảnh Tình già bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội khi đi nhặt ve chai: Mong ông được về sớm để bà đỡ buồn, đỡ khóc - Ảnh 13.

Anh Dũng - người con nuôi của hai ông bà.

Ông cụ trong bộ ảnh Tình già bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội khi đi nhặt ve chai: Mong ông được về sớm để bà đỡ buồn, đỡ khóc - Ảnh 14.

Bà nheo mắt ngắm nhìn mình ngày xưa.

Bát cháo anh Dũng mua bà Thuỷ vẫn để tạm trên chạn, chưa buồn nâng bát. Nhìn căn "nhà" nhỏ bé của ông bà phía trên có vài chiếc đèn lồng. Bà bảo, cứ hễ đi nhặt được gì đẹp, ông lại mang về trang trí thêm trong nhà. Ấy vậy mà căn nhà nhìn bề ngoài thì tuềnh toàng nhưng bên trong ấm cúng, đầy ắp kỉ niệm giữa 2 ông bà. 

Trưa muộn, chúng tôi xin phép ra về. Bà Thuỷ vẫn buồn buồn ngồi lủi thủi một góc. Anh Dũng ra vườn hái vội chùm nhãn. Khi chúng tôi đặt chân lên bờ, tiếng anh Dũng văng vẳng từ xa.

"Thôi, mẹ ăn cháo đi cho nóng. Con sẽ cố để ông ra sớm. Nếu ông bà bất trắc không ở đây nữa thì con sẽ bảo quản thuyền bè cho ông bà". 

Ông cụ trong bộ ảnh Tình già bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội khi đi nhặt ve chai: Mong ông được về sớm để bà đỡ buồn, đỡ khóc - Ảnh 15.

Giờ chỉ còn mỗi đôi dép của bà Thuỷ trong nhà.

Ông cụ trong bộ ảnh Tình già bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội khi đi nhặt ve chai: Mong ông được về sớm để bà đỡ buồn, đỡ khóc - Ảnh 16.

Những 20 ngày nữa ông Thành mới được cho về.

Trả lời trên báo Pháp luật TPHCM, ông Nguyễn Văn Lưu – Giám đốc Trung tâm BTXH I (nơi đang tiếp nhận, chăm sóc cho ông Thành) giải thích ông Thành bị đưa vào trung tâm thuộc diện những người lang thang xin ăn, vô gia cư, đi lạc…

Hỏi về thủ tục để ông Thành được trở về với vợ, ông Lưu nói: “Nếu có người thân bảo lãnh ra và bảo đảm cho cụ không tiếp tục đi lang thang với lý do chính đáng, chúng tôi sẽ báo cáo với Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, nếu được Sở đồng ý cụ sẽ được cho ra trước”.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày