Có lẽ, từ lâu hình ảnh một cậu bé ngày qua ngày đạp xe dạo khắp các tuyến đường lớn, nhỏ ở Đà Nẵng và bới lục từng thùng rác để nhặt vài chiếc lon, chai nhựa người ta vứt đi… đã trở nên quen thuộc với nhiều người.
Đó là em Đỗ Văn Thịnh (16 tuổi), nhà ở trong một con hẻm nhỏ tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Nhìn gương mặt khôi ngô, tuấn tú và nụ cười hồn nhiên của Thịnh thì chắc chẳng ai dám nghĩ rằng em mắc căn bệnh giảm trí nhớ quái ác.
Dưới cái nắng gay gắt ngoài đường phố Đà Nẵng lên đến gần 40 độ C, cậu bé Đỗ Văn Thịnh vẫn cần mẫn nhặt từng thứ đồ phế thải với mong muốn có thể kiếm được vài chục ngàn để phụ giúp gia đình.
Hình ảnh một cậu bé đạp xe chở theo một đống ve chai từ lâu đã trở nên quen thuộc với người dân sống tại một số tuyến đường ở TP Đà Nẵng.
Không may mắn như những đứa trẻ thành phố khác, Thịnh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, cả bố và mẹ đều không có việc làm ổn định. Thêm vào đó, bố mẹ không hòa thuận nên đã quyết định ly hôn vào năm 2012.
Kể từ đó, mẹ của em chuyển đi nơi khác sinh sống, ông Đỗ Văn Khương (SN 1974, cha Thịnh) phải một mình lam lũ nuôi 2 con đang tuổi ăn, tuổi học.
Vốn mắc chứng giảm trí nhớ bẩm sinh, đến năm Thịnh học lớp 6 thì căn bệnh càng trở nên trầm trọng hơn. Em học trước quên sau. Ai nói gì, dặn gì Thịnh đều "dạ dạ vâng vâng" nhưng chỉ sau đó chừng 5 phút là lại quên ngay.
Thịnh có khuôn mặt khôi ngô và trên môi lúc nào cũng nở nụ cười lạc quan.
... nhưng cậu bé này lại mắc phải chứng bệnh kém trí nhớ khiến tâm trí em không được bình thường như bạn bè cùng trang lứa.
Ham học nhưng căn bệnh khiến em không thể tiếp tục theo đuổi giấc mơ con chữ, đầu năm 2014, Thịnh quyết định xin cha cho nghỉ học. Thấy cha một mình vất vả lo cái ăn, cái mặc cho 2 con nên Thịnh quyết định xin bố nghỉ học. "Thằng bé hiếu thảo lắm, nó cũng ham học nữa nhưng khổ nỗi mắc căn bệnh giảm trí nhớ nên đầu óc cứ nhớ trước quên sau... Ngày cu Thịnh xin tôi nghỉ học, hắn nói tội lắm. Hắn vòng tay, lí nhí: 'Thưa ba, con không học được, ba cho con nghỉ học đi làm kiếm tiền phụ ba và nuôi cho cu em được ăn học đến nơi đến chốn'. Tôi nghe hắn nói mà đứt ruột…", nói đến đây, đôi mắt người cha rơm rớm lệ.
Sau khi nghỉ học, Thịnh bắt đầu cuộc sống mưu sinh phụ cha. Vì sức khỏe yếu, lại nhỏ tuổi nên đâu ai dám thuê Thịnh làm gì. Không xin được việc gì ổn định, Thịnh quyết định đi… nhặt rác.
Hằng ngày, từ sáng sớm, em đã ra khỏi nhà với chiếc xe đạp lọc cọc cùng đủ thứ bao bì để đựng ve chai. Khắp các con đường lớn nhỏ ở khu vực Hòa Khánh đều có dấu chân em đi qua. Đôi tay gầy guộc, nhỏ nhắn moi móc từng thùng rác để lượm lặt những chiếc vỏ chai, vỏ lon người ta vứt bỏ.
Thịnh bảo mình rất thương em và yêu quý cha mẹ. Em luôn mong ước một ngày mẹ sẽ trở về và gia đình mình lại được đoàn tụ, sống hạnh phúc bên nhau...
Thịnh đã có "thâm niên" 4 năm trong cái nghề nhặt rác đầy cực nhọc ấy. Thịnh cứ đạp xe đi dọc các con đường, thấy thùng rác nào em cũng đều dừng lại với hy vọng tìm kiếm được thứ gì đó có thể bán được. Khi thì vài vỏ chai nhựa, khi thì thùng giấy các tông, em không bỏ sót bất cứ thứ gì từ những vật nhỏ nhất.
Nhiều người dân sống trong khu vực, thấy em ngày nào cũng vất vả đi nhặt rác nên có vỏ chai, vỏ lon, giấy báo cũ đều gom lại đợi em đi ngang qua gọi cho.
Thịnh từng ước mơ trở thành một thầy giáo nhưng căn bệnh hay quên khiến em không thể tiếp tục đến trường nên em mong muốn cậu em ruột hiện đang học lớp 8 của mình sẽ được học thành tài.
"Em đi nhặt rác, nhiều người thấy vậy thì chọc em, cười cợt em nhưng em không xấu hổ đâu. Mình đi làm việc chân chính, kiếm tiền chân chính thì không sợ xấu hổ gì cả. Miễn mình không đi ăn cắp, ăn trộm là được. Việc mình thì mình làm, ai nói gì mặc kệ" – Thịnh khẳng định chắc nịch với chúng tôi như thế.
Mỗi ngày, Thịnh đi nhặt rác nhiều thì được sáu, bảy chục; ít thì ba, bốn chục. Số tiền ấy, em gom lại cứ 2 – 3 ngày em lại đưa cho bố tầm 100 nghìn đồng để mua gạo, mắm muối. "Cứ khoảng 2 đến 3 ngày, cu Thịnh lại đưa tôi 100 nghìn đồng bảo tôi dùng mua gạo, mua thức ăn. Nhưng tôi nỡ lòng nào dùng số tiền ấy để mua gì cả. Tôi cứ góp lại, để dành riêng ra đấy, khi nào cần dùng gì đó cho Thịnh thì sẽ dùng. Tiền bạc tiêu rồi cũng hết. Tôi nào dám dùng những đồng tiền hồ hôi nước mắt của con để mua thức ăn…" – người cha nghèn nghẹn giọng.
Khi chúng tôi hỏi về ước mơ của Thịnh, em chỉ khẽ cười, còn đôi mắt hướng về một nơi nào đó xa xôi lắm. Em bảo, mong ước hiện tại của em là cả gia đình đều khỏe mạnh, yên ổn. Còn ước mơ tương lai, em vẫn chưa nghĩ đến…
Buổi trưa kiêm buổi sáng của Thịnh chỉ là một ổ bánh mỳ ăn vội bên góc đường.
Thịnh bảo: "Ba không cho em đi nhặt rác vì sợ em cực nhưng do đầu óc hay quên nên không ai nhận em vào làm việc khác được nên em năn nỉ ba cho em đi làm việc này để kiếm tiền phụ gia đình".
"Trí nhớ của Thịnh rất kém, cộng với sức lực yếu nên tôi không biết tương lai sẽ cho Thịnh theo học nghề gì cho phù hợp. Tôi chỉ sợ, sau này tôi già yếu, không ai chăm lo cho Thịnh tới nơi tới chốn khi mà công việc tôi bây giờ không ổn định, tiền công cũng chỉ vừa đủ lo chi phí sinh hoạt trong gia đình, không có dư giả gì…", ông Khương đắn đo chia sẻ.
Đà Nẵng những ngày đầu hè thời tiết oi bức đến điên đầu, ấy thế mà cậu bé hiếu thảo vẫn chăm chỉ đạp xe dọc theo các con đường lớn, nhỏ ở Đà Nẵng, bới lục từng thùng rác với hi vọng kiếm được thêm vài chiếc lon, chai nhựa.
Nếu vô tình gặp cậu bé này trên đường thì mọi người cũng đừng cho tiền làm chi, bởi tôi dám chắc rằng em sẽ không lấy đâu, bởi theo Thịnh: "Em có thể lao động được mà, em không lấy tiền ai cho không đâu". Bạn có thể mời em một ổ bánh mỳ, chai nước hay cho em vài đồ ve chai bỏ đi, bảo đảm em sẽ thích lắm, người Đà Nẵng vốn hào hiệp là thế cơ mà!