Omicron có thể đã lưu hành ở nhiều nước trước khi Nam Phi phát đi cảnh báo

Mai Trang, Theo VOV 21:08 03/12/2021

Khi các ca nhiễm Omicron xuất hiện ở nhiều nơi trên khắp thế giới, các chuyên gia cho rằng có khả năng biến thể này, lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi vào tuần trước, đã lưu hành được một thời gian.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 1/12 cho biết, ít nhất 23 quốc gia và vùng lãnh thổ ở 5 trong số 6 khu vực của WHO đã báo cáo các ca nhiễm biến thể Omicron. “Chúng tôi dự đoán con số này sẽ tăng lên”, WHO nói.

Sau đó, Mỹ đã trở thành quốc gia thứ 24 ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, các ca mắc bệnh là những người đã tiêm chủng đầy đủ.

Các nơi khác đã ghi nhận biến thể Omicron là Anh, Pháp, Israel, Bỉ, Hà Lan, Đức, Italy, Thụy Điển, Đan Mạch, Australia, Canada, Hong Kong (Trung Quốc) và một số quốc gia ở miền Nam châu Phi.

Trước sự xuất hiện của biến thể đáng lo ngại Omicron, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu tuần trước đã tạm thời đình chỉ các chuyến bay từ miền Nam châu Phi hoặc áp dụng biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với bất kỳ ai đến từ khu vực này.

Động thái này đã khiến Nam Phi thất vọng và vấp phải sự chỉ trích từ WHO. WHO cho biết, những phản ứng như vậy có thể khiến các quốc gia dè chừng trong việc giải trình tự gen và báo cáo về sự xuất hiện của biến thể mới trong tương lai.

Biến thể Omicron đã lưu hành được một thời gian?

Biến thể Omicron được xác định vào ngày 22/11 tại Nam Phi, từ mẫu xét nghiệm thu thập của một bệnh nhân vào ngày 9/11.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy biến thể Omicron đã lưu hành ở nhiều quốc gia khác trước khi cơ quan y tế của Nam Phi đưa ra cảnh báo với thế giới về sự xuất hiện của nó. Có nhiều ca nhiễm biến thể Omicron được phát hiện không có lịch sử di chuyển ở những khu vực xuất hiện biến thể. Điều này cho thấy biến thể này đang lây truyền nhanh chóng trong cộng đồng.

9 ca nhiễm biến thể Omicron tại Scotland không có lịch sử di chuyển gần đây đến miền Nam châu Phi. Tất cả chỉ có điểm chung là cùng tham dự một sự kiện vào ngày 20/11.

Ngày 30/11, Hà Lan đã phát hiện biến thể Omicron trong hai mẫu xét nghiệm được lấy từ ngày 19/11 và 23/11, thời điểm trước khi Nam Phi đưa ra cảnh báo về biến thể này. Ban đầu, các quan chức cho rằng hai chuyến bay từ Nam Phi đến Amsterdam hôm 28/11 đã đưa những người nhiễm biến thể Omicron về nước. Tới nay, Hà Lan ghi nhận 14 ca nhiễm biến thể Omicron.

Ngày 30/11, Đức báo cáo một ca nhiễm biến thể Omicron là người đàn ông ở thành phố Liepzig. Người này không có lịch sử di chuyển quốc tế cũng như không tiếp xúc với bất kỳ ai đi nước ngoài gần đây.

Tiến sĩ Angelique Coetzee, chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, nói rằng bà đã đưa ra cảnh báo việc xuất hiện biến thể mới sau khi thấy các bệnh nhân xuất hiện “các triệu chứng bất thường”, khác so với triệu chứng liên quan đến biến thể Delta.

Botswana hôm 26/11 cho biết họ phát hiện các ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên là 4 công dân nước ngoài nhập cảnh vào nước này với nhiệm vụ ngoại giao vào ngày 7/11. Đây là thời điểm sớm hơn nhiều so với báo cáo của Nam Phi.

Truy tìm nguồn gốc của Omicron

Tại một cuộc họp báo do văn phòng châu Phi của WHO tổ chức hôm 2/12, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc nói rằng chưa rõ nguồn gốc của biến thể Omicron, đồng thời chỉ trích các biện pháp hạn chế đi lại được áp dụng đối với các nước miền Nam châu Phi.

“Hệ thống giám sát biến thể mới trên toàn cầu của chúng tôi vẫn chưa hoàn thiện. Chúng tôi sẽ phát hiện ra một biến thể mới vài tuần sau khi nó bắt đầu tiến hóa. Khi một quốc gia phát hiện ra biến thể mới, điều này chứng tỏ hệ thống giám sát của nước đó hoạt động tốt. Đó là những gì đã diễn ra ở miền Nam châu Phi, vì vậy, điều này không khuyến khích ban hành các lệnh hạn chế đi lại vì nó như một biện pháp chống lại hệ thống giám sát biến thể tốt”, Tiến sĩ Abdou Salam Gueye, giám đốc khu vực khẩn cấp tại văn phòng châu Phi của WHO, nói.

“Không có gì bất ngờ khi châu Âu ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron. Chỉ khi có kết quả về các cuộc điều tra, chúng ta mới hiểu thêm về nguồn gốc của biến thể này”, ông Gueye nói thêm.

Tiến sĩ Nicksy Gumede-Moainsti, nhà virus học tại văn phòng châu Phi của WHO, nói rằng số lượng các quốc gia ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đang tăng lên hàng ngày.

“Có vẻ như phần lớn các quốc gia đang báo cáo ca nhiễm Omicron đến từ nước ngoài chứ không phải ở châu Phi. Vì vậy, chúng tôi không biết biến thể này bắt nguồn từ đâu và chúng tôi cần bằng chứng khoa học để nghiên cứu sự tiến hóa của Omicron”, chuyên gia Nicksy Gumede-Moainsti cho biết.

Các chuyên gia tại châu Âu dường như cũng đồng tình với quan điểm rằng biến thể Omicron có thể đã lưu hành từ lâu và rộng rãi hơn so với suy nghĩ ban đầu.

“Nguồn gốc của biến thể Omicron vẫn chưa biết rõ, bao gồm cả địa điểm nơi nó lây lan lần đầu tiên. Điều này một phần do mức độ giám sát biến thể mới ở một số quốc gia còn hạn chế. Tôi nghĩ rằng biến thể đã lưu hành rộng rãi trong một thời gian rất dài mà không bị phát hiện”, Moritz Kraemer, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford, cho hay.

Các chuyên gia dự đoán rằng biến thể mới sẽ lây lan nhanh chóng từ khi có cảnh báo từ Nam Phi, nơi 74% mẫu giải trình tự gen trong tháng 11 cho kết quả là biến thể Omicron.

“Không có gì ngạc nhiên nếu biến thể Omicron đã lưu hành rộng rãi và lâu hơn so với những gì đã được báo cáo. Khi một biến thể mới được xác định, đặc biệt là một biến thể có khả năng lây truyền cao hơn, nó sẽ lan rộng sang nhiều quốc gia. Đó là bản chất của bệnh truyền nhiễm trong một thế giới mà việc di chuyển quốc tế rất phổ biến”, Lawrence Young, nhà nghiên cứu về ung thư phân tử tại Đại học Warwick, nhận định.