"Ở tuổi 30, tôi đã VỨT luôn ước mơ tậu được một chiếc túi Chanel"

Kiko, Theo Pháp Luật Và Bạn Đọc 15:30 08/04/2022

Dần dà, mơ tưởng đến túi hiệu cũng giống như việc chống mắt nhìn giá nhà đất tăng phi mã và nhận ra dẫu có ở nhà thuê mãi thì tôi cũng đành hài lòng.

Chiếc túi Chanel lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc đời khi tôi chỉ là một đứa nhân viên quèn của tiệm Starbuck. Kề bên cửa tiệm là một vài cửa hàng thời trang xa xỉ, nơi mang đến cho tôi những người khách quen. Trong số khách đó đáng nhớ nhất là một quý cô tóc nâu tốt bụng luôn tips rất hào phóng, thường lấy ra đôi chút tiền lẻ từ chiếc túi xách hai nắp (double flap) với kiểu dáng vô cùng cổ điển. Chiếc túi có thiết kế dây xích hết sức đặc trưng, phần thân được làm từ loại vải chần bông êm ái trông đến là thích mắt, với sắc màu tương đồng với cốc cà phê cappuccino tầm thường mà tôi đang phục vụ cô ấy.

Ở tuổi 30, tôi đã VỨT luôn ước mơ tậu được một chiếc túi Chanel - Ảnh 2.

Được sở hữu một chiếc túi hiệu Chanel là ước mơ của vô số phái đẹp Gen X, Gen Y và giờ là tới Gen Z.

Đôi mắt tôi bị khóa chặt vào 2 chữ C mạ vàng lồng ngược vào nhau, nhưng xin thề rằng trong lòng không dấy lên chút ghen tỵ. Thay vào đó não bộ tôi bật lên một mục tiêu rõ ràng: Tôi tin rằng nếu mình làm lụng chăm chỉ, chịu khó thắt lưng buộc bụng và thêm chút may mắn thì thể nào đến năm 30 tuổi cũng tậu được một chiếc Chanel như thế. Cũng kể từ giờ phút ấy, trong tôi mặc định rằng chiếc túi Chanel chính là một biểu tượng của sự thành đạt và tinh tế của người phụ nữ. Đó là mơ ước hết sức giản đơn của cô nhóc 17 tuổi, khi thời thế vẫn cho thấy rằng chiếc túi hiệu là một mục tiêu có thể với tới nếu bản thân dám nỗ lực.

Bản chất của những chiếc túi hiệu là tính xa xỉ. Tôi từng nghe đâu đó một câu chuyện phiếm về giới tinh hoa ở Manhatan, những con người xem The Row (thương hiệu của chị em nhà Olsen) tương tự như cách dân thường nhìn vào Uniqlo. Tôi chưa bao giờ giống được như họ. Nhưng cả tôi lẫn bạn bè đều nuôi mộng "đầu tư" một chiếc túi hiệu, có thể là Peekaboo của Fendi hay Puzzle của Loewe, với mức giá đủ để mua bữa sáng mỗi ngày trong cả chục năm ròng.

Ở tuổi 30, tôi đã VỨT luôn ước mơ tậu được một chiếc túi Chanel - Ảnh 3.

Không rõ tự bao giờ, chiếc túi Chanel đã trở thành là thước đo cho sự thành đạt và tinh tế của người phụ nữ.

Và 13 năm đánh vèo một cái, giờ đây tôi đã 30 tuổi còn chiếc túi Chanel 2.55 lên tới tận 9.500 USD một chiếc; trong khi vào năm 1955 nó chỉ có giá 220 USD là cùng. Chưa kể thể theo tình trạng lạm phát, mức giá của chiếc túi tăng đến 2.200 USD chỉ trong một thời gian ngắn. Quá chán ngán, tôi quay sang tìm kiếm những chiếc túi Chanel cũ và ngã ngửa khi phát hiện giá trị của chúng chẳng suy suyển tí nào! Tại một cửa hàng ký gửi ở Toronto, mức giá dưới 2.000 USD chỉ dành cho mấy chiếc tote chần bông chẳng mấy ai muốn mua, trong khi kiểu dáng hai nắp cỡ maxi có giá tận 9.000 USD. Hàng second-hand mà còn thế đấy!!!

Lấy lý do ảnh hưởng từ đại dịch, các thương hiệu cao cấp thi nhau tăng giá liên-tùng-tục. Trang WWD cho biết rằng Louis Vuitton đã "điều chỉnh" mức giá ít nhất 2 lần kể từ đầu năm 2021, đến nỗi ngay cả chiếc Pochette Accessories nhỏ nhắn vốn có giá 630 USD giờ cũng nhổng lên thành 1.050 USD.

Ở tuổi 30, tôi đã VỨT luôn ước mơ tậu được một chiếc túi Chanel - Ảnh 4.

Túi hiệu càng tăng giá, dân tình càng "thèm". Thật lạ!

Ừ thì các thương hiệu có thể vin vào Covid-19, vào lạm phát để tăng giá nhằm bù đắp thiệt hại. Nhưng tôi cũng nhận ra họ làm vậy để nuông chiều một lượng khách hàng khác - tiềm năng và trung thành, đồng thời vứt bỏ những kẻ chỉ biết ki cóp như tôi. Họ thiếu nhân lực ư? Tôi đọc được rằng Hermès sẽ mở tận 3 nhà máy da mới tại Pháp trong 2 năm tới, đồng thời thành lập trường dạy chế tác đồ da đầu tiên và thuê thêm hàng trăm thợ thủ công nhằm bổ sung vào lực lượng chế tác túi Birkin đang có 4.300 nhân lực.

Có lẽ đó chính là lý do tại sao túi hiệu lại đắt đỏ đến vậy: những bàn tay nghệ nhân lành nghề nhất, chất liệu thượng thặng nhất và cái tên thương hiệu chói sáng nhất. Thế nên kể cả khi Zara có cho ra đời một chiếc túi với kiểu dáng na ná và mức giá chỉ bằng 1/100 cũng chẳng thể làm những người đã từng nhìn thấy túi xịn như tôi thỏa lòng.

Dần dà, mơ tưởng đến túi hiệu cũng giống như việc chống mắt nhìn giá nhà đất tăng phi mã và nhận ra dẫu có ở nhà thuê mãi mãi thì tôi cũng đành hài lòng. Lạm phát không chỉ ảnh hưởng đến xa xỉ phẩm mà còn tác động tới mọi thứ: từ bữa ăn hàng ngày, xăng đổ đầy bình tới bỉm sữa cho con. Tuổi 30 cũng khiến tôi ngẫm lại rằng, dù là túi đắt hay rẻ, cũng chỉ cốt để đựng đồ là chính. Tôi không dại mà đổ cả đống tiền dành dụm cho tương lai của gia đình, con cái vào một tấm da thuộc hay vài cái chiếc logo sáng chói, bất kể nó hấp dẫn tới cỡ nào.

Ở tuổi 30, tôi đã VỨT luôn ước mơ tậu được một chiếc túi Chanel - Ảnh 5.

"Tuổi 30 cũng khiến tôi ngẫm lại rằng, dù là túi đắt hay rẻ, cũng chỉ cốt để đựng đồ là chính."

Tôi cũng nhận thấy là đồ hiệu - cho dù là túi xách, giày dép hay quần áo cũng không giúp người ta nặn ra được một cái phong cách thật sự cho bản thân - chí ít là dưới góc nhìn của tôi. Tôi chưa bao giờ thấy cô nào xách theo một chiếc túi với giá trên trời mà nghĩ: "Ôi, cô ấy thật sành điệu". Thay vào đó, điều đầu tiên nảy ra trong đầu tôi là: "Ôi, cô ấy thật giàu!". Tôi không hứng thú với việc phô ra những con số lố bịch mỗi khi mua sắm chỉ để người khác nhìn vào và giả định về tài sản ròng của mình. Với phần đa người khác thì hẳn động thái khoe của ấy thật đáng ngưỡng mộ, hoặc tôi chỉ phản đối bởi đang cố ve vuốt khát khao của chính mình.

Chẳng có gì trái với luân thường đạo lý khi thèm muốn những thứ đẹp đẽ, phủ đầy ao ước như túi hiệu. Chúng tôi sẵn sàng quăng bản thân vào tình trạng thèm đến phát rồ, bởi thương hiệu nào cũng rất xuất sắc trong khoản lựa chọn những gương mặt xinh đẹp và ưu tú để khơi dậy ước mơ trong chúng tôi. Cũng thành thật mà nói, tôi chẳng thể ngừng muốn có được chúng. Nhưng may thay tôi đã tìm ra được một vài thứ khác để khỏa lấp. Đó có thể là vài món đồ Y2K từ cửa hàng đồ si, những chiếc túi bị ngủ quên từ nhiều thập niên trước (và nay lại được tái sản xuất với giá cao hơn 1000%). Tôi từng vớ được một chiếc túi Gucci thời Tom Ford với giá chỉ 99 USD, tuy đầy trày xước hư hao nhưng vẫn khiến tôi tự hào gìn giữ như bảo vật.

Ở tuổi 30, tôi đã VỨT luôn ước mơ tậu được một chiếc túi Chanel - Ảnh 6.

"Ở tuổi 30, tôi đã vứt luôn ước mơ tậu được một chiếc túi Chanel."

Ở tuổi 30, tôi đã vứt luôn ước mơ tậu được một chiếc túi Chanel. Tôi không thể có nó và cũng chẳng cần nó. Bù lại, tôi nhận ra giá trị lớn nhất ở tuổi này: thái độ thảnh thơi của một đứa trưởng thành dám bỏ hẳn sau lưng bao lo âu từng có ở tuổi niên thiếu - cái lo âu chỉ vì sợ người ta đánh giá mình qua chiếc túi mình đang đeo. May quá, tôi đã không còn như thế!

Nguồn: The Star