Ở Kenya, người ta đã biến những cậu bé nghèo khổ thành huyền thoại điền kinh như thế nào?

THANH ĐÌNH (SPORT5), Theo Trí Thức Trẻ 23:01 16/03/2020
Chia sẻ

Không ngẫu nhiên khi Kenya được biết đến là nơi sản sinh ra vô số huyền thoại điền kinh. Từ khi còn là những cậu bé, tất cả đã bị ném vào các “trại nuôi gà nòi” với điều kiện sống kham khổ, sau đó được gieo rắc giấc mơ trở thành nhà vô địch.

Bây giờ là 4h30 sáng. Gió lặng và một làn sương đậm, hệ quả của cơn mưa ngày hôm trước, di chuyển chậm chạp quanh bầu trời đen kịt.

Kemboi đi bộ dưới ánh đèn đường lạnh lẽo trong khuôn viên trường. Ra tới cổng, nơi bóng tối bủa vây, anh dừng lại và chờ đợi đám bạn trước khi bắt đầu cuộc chạy bộ buổi sáng. Tất cả trở lại trường sau hành trình kéo dài 45 phút. Họ cố điều hòa nhịp thở và nghỉ ngơi chút đỉnh rồi tiếp tục các bài tập nâng cao và kéo dài.

Buổi tập kết thúc để Kemboi và đám bạn kịp tắm rửa, ăn sáng để vào lớp lúc 7 giờ. Bữa ăn diễn ra rất nhanh, một phần vì nó quá đơn sơ, chỉ một tách trà và mẩu bánh mỳ nhỏ.

"Những bữa ăn kiểu này không đủ cho cơ thể của tôi", Kemboi nói, "Tôi phải tập luyện nặng 2 lần mỗi ngày, mỗi lần kéo dài khoảng 45 đến 60 phút. Tôi thực sự mệt mỏi, đôi khi rất khó chịu. Tuy nhiên điều kiện của trường chỉ có thế và tôi phải chấp nhận".

Ở Kenya, người ta đã biến những cậu bé nghèo khổ thành huyền thoại điền kinh như thế nào? - Ảnh 1.

Kemboi trước khi bước vào buổi chạy buổi sáng vào lúc 4 giờ rưỡi.

Đó là lý do vào buổi trưa, Kemboi sẽ chạy về nhà để ăn bữa cơm mẹ nấu. Thói quen này được anh duy trì từ năm 10 tuổi. Quãng đường đất gập ghềnh dài khoảng 2 cây số và mất 10 phút, Kemboi đã có mặt ở nhà, lấp đầy dạ dày sau đó chạy trở lại trường cho buổi học chiều.

Tại Olympic 2016 ở Rio, Kenya là quốc gia châu Phi thành công nhất với 13 huy chương, bao gồm 6 Huy chương Vàng, 6 Bạc và 1 Đồng. Điều đáng nói, tất cả các huy chương này đều thuộc về môn điền kinh.

Kenya không phải cường quốc thể thao, nhưng riêng về điền kinh, họ thống trị sân chơi Olympic ở các nội dung trung bình và đường trường. Các huyền thoại mà họ sản sinh ra Catherine Ndereba, David Rudisha, Paul Tergat, John Ngugi và David Rudisha.

Rudisha đã từng giành HCV Olympic tại London 2012 và Rio 2016, cũng là nhà vô địch thế giới 2 lần (2011 và 2015) đồng thời giữ kỷ lục thế giới ở nội dung 800 mét. Anh là cựu học sinh của trường St Patrick’s, nơi Kemboi đang theo học.

Ở Kenya, người ta đã biến những cậu bé nghèo khổ thành huyền thoại điền kinh như thế nào? - Ảnh 2.

Quang cảnh bữa ăn sáng trong trường nội trú St Patrick.

Trường trung học nội trú St Patrick nằm ở Iten, phía tây Kenya, cách thủ đô Nairobi khoảng 350 km về phía tây bắc, là nơi sinh sống và học tập của 1.210 cậu bé. Danh tiếng của nó được tạo dựng bởi về thành công trong học tập, thành tích trong thể thao và kỷ luật thép.

St Patrick được thành lập năm 1976 bởi Colm O’Connell. Người đàn ông đáng kính đến từ Ireland được mệnh danh là "Bố già của điền kinh Kenya" khi đã biến vô số cậu bé nghèo khổ của đất nước Đông Phi thành các VĐV lẫy lừng trên đường chạy.

Tuy nhiên, bằng sự khiếm tốn, O'Connell nói rằng "ông không cố gắng tạo nên những VĐV tốt, mà chỉ cố gắng tạo nên những con người tốt".

Tất cả học sinh được phân bổ trong các căn phòng ký túc chật hẹp và ẩm thấp, cùng những chiếc giường tầng rỉ sét. Không gian riêng của mỗi học sinh gói gọn trong tấm nệm, cộng chiếc hòm sắt đựng đồ cá nhân được nhét dưới gậm giường.

Hàng ngày, các cậu bé bắt đầu những bài học từ lúc 4 rưỡi sáng, sau đó kết thúc khi đồng hồ điểm 10 giờ tối. Xen kẽ là giờ nghỉ giải lao, 3 bữa ăn và 1 tiếng rưỡi dành cho hoạt động thể thao. Mọi vi phạm, như chậm giờ hoặc gian dối, đều phải nhận những hình phạt nghiêm khắc bằng roi.

Ở Kenya, người ta đã biến những cậu bé nghèo khổ thành huyền thoại điền kinh như thế nào? - Ảnh 3.

Các học sinh như Kemboi sống trong những chiếc giường tầng.

Kemboi không lo lắng về những đòn roi, bởi chỉ tập trung vào hai thứ, học và chạy. Hai anh chị của Kemboi được nhận học bổng tại Mỹ nhờ khả năng chạy, cùng với những hàng cây chạy dọc con đường từ ký túc đến lớp được trồng bởi các VĐV từng giành huy chương điền kinh là động lực để anh cố gắng.

"Trong vòng 10 năm, tôi muốn trở thành một người mà toàn thế giới biết đến, một nhà vô địch thực sự và giương cao quốc kỳ Kenya trên bục vinh quang. Đó là một người thành công, khiến những người khác ngưỡng mộ không thôi", Kemboi nói đầy tự tin.

Trước năm 15 tuổi, Kemboi chỉ chạy để giải trí và không theo đuổi chương trình huấn luyện bài bản nào. Nhưng anh có được tài năng thiên bẩm và luôn chạy rất nhanh. Vì vậy, được tuyển thẳng vào St Patrick trong khi những đứa trẻ khác phải sát hạch thông qua thành tích tiểu học.

Ở Kenya, người ta đã biến những cậu bé nghèo khổ thành huyền thoại điền kinh như thế nào? - Ảnh 4.

Kemboi trên con đường đất đỏ chạy về nhà trước bữa ăn trưa.

"Bố mẹ ủng hộ tôi. Họ biết rằng tôi có khả năng và tin rằng tôi luôn là người nhanh nhất để có mặt trong mọi cuộc thi mà tôi tham gia. Thường thì ở trường, không ai có thể bắt kịp tôi", Kemboi nói.

Lịch sử vĩ đại của Kenya trên đường đua đã gieo vào tâm trí những chàng trai như Kemboi giấc mơ trở thành nhà vô địch, rồi kiếm được học bổng ở các nước phương Tây. Nó có nghĩa cánh cửa thay đổi cuộc đời được mở ra. Tạm biệt những con đường đất khúc khuỷu, bữa ăn đạm bạc không đủ cung cấp năng lượng cho đến bữa tiếp theo và chiếc giường tầng kẽo kẹt, họ sẽ bước vào thế giới xa hoa chưa bao giờ biết đến.

Ở những nước phát triển hơn, các vận động viên chuyên nghiệp được hỗ trợ tận răng và mọi thứ trong tập luyện được tối ưu hóa. Còn với Kemboi và bạn bè tại St Patrick, họ chỉ chạy, và chạy. Cùng với một khát khao thành công mãnh liệt.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày