Ổ dịch Bắc Kinh cho thấy virus corona có thể âm thầm lây lan một cách đáng sợ như thế nào

Thu Hương, Theo Nhịp Sống Kinh Tế 16:06 23/06/2020

Ngay ở thời điểm Bắc Kinh chuẩn bị tuyên bố chiến thắng virus corona, 1 người đàn ông 52 tuổi bị sốt cho thấy đại dịch Covid-19 có thể âm thầm quay trở lại tấn công bất cứ lúc nào.

8 ngày trước khi được xét nghiệm dương tính với virus vào hôm 11/6, người đàn ông bị sốt và cảm thấy ớn lạnh đã đi mua cá và thịt ở 1 khu chợ bán buôn ở phía Nam Bắc Kinh. Ca bệnh này đánh dấu ca nhiễm đầu tiên xuất hiện ở thủ đô Trung Quốc sau 55 ngày vắng bóng và đập tan niềm hi vọng rằng nhiều tháng thực hiện cách ly xã hội và xét nghiệm kỹ càng có thể thổi bay mầm bệnh hoàn toàn khỏi thành phố hơn 20 triệu dân.

Đến nay đã phát hiện thêm hơn 200 người nhiễm Covid-19 ở Bắc Kinh trong đợt bùng phát thứ 2. Các trường học đóng cửa, hàng nghìn chuyến bay nội địa bị hủy. Đây cũng chính là lời cảnh báo mạnh mẽ dành cho các nước có vẻ như đã cắt đứt được chuỗi lây nhiễm: vì có rất nhiều ca bệnh không triệu chứng, virus có khả năng âm thầm lây lan cho nhiều người trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, tạo ra những ổ dịch lớn mà không ai phát hiện ra, đến khi có ai đó ốm đủ nặng để đi xét nghiệm thì đã có nhiều người nhiễm bệnh.

Ổ dịch Bắc Kinh cho thấy virus corona có thể âm thầm lây lan một cách đáng sợ như thế nào - Ảnh 1.

George Gao, giám đốc Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tật Trung Quốc (CCDC), cho rằng có lẽ dịch bệnh đã bắt đầu lây lan ở Bắc Kinh từ 1 tháng trước, với nhiều bệnh nhân mắc bệnh nặng nhưng không có triệu chứng và phát tán lượng lớn virus ra môi trường. Cũng có thể virus đã ẩn nấp trong điều kiện ẩm thấp và sau đó những người mắc bệnh đã khuếch tán lượng virus này lên.

Dịch bệnh bùng phát ở trung tâm văn hóa chính trị Bắc Kinh cũng cho thấy những khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh khi vaccine vẫn chưa xuất hiện.

Một số quốc gia và thành phố đã kiểm soát tốt dịch bệnh giờ đang phải chứng kiến số ca nhiễm tăng trở lại. Victoria, bang đông dân thứ hai ở Australia, hôm qua đã thắt chặt các biện pháp kiểm soát sau khi số ca nhiễm tăng vọt. Không lâu sau khi thông báo dỡ bỏ cách ly xã hội vì không có ca nhiễm mới, New Zealand mới đây đã quyết định bổ nhiệm 1 nhà lãnh đạo quân sự phụ trách công tác giám sát những công dân trở về từ nước ngoài. Trên thế giới, nhiều nước từ Hàn Quốc đến Đức đang quyết liệt chiến đấu với những ổ dịch mới.

Ở Bắc Kinh, sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên ở chợ Tân Phát Địa, thành phố đã nhanh chóng xét nghiệm diện rộng và phát hiện một loạt ca nhiễm là những người bán hàng hay những người đã tới chợ mua đồ. Virus cũng được phát hiện ở ngoài môi trường, trong đó có trên cả thớt thái cá hồi nhập khẩu ở 1 cửa hàng trong chợ.

Kết quả phân tích gene cho thấy virus ở Bắc Kinh tương tự như loại virus đã phát tán ở châu Âu, làm dấy lên đồn đoán rằng virus đã vào Trung Quốc thông qua những lô hàng cá hồi nhập khẩu, dù giới khoa học bác bỏ điều này.

Lần cuối Bắc Kinh có ca nhiễm mới là từ giữa tháng 4, khi 1 sinh viên trở về từ Mỹ bị ốm sau khi đã hoàn thành 14 ngày cách ly. Cậu sinh viên đã lây bệnh cho mẹ, anh trai và ông, nhưng bệnh chỉ lây lan trong gia đình.

Sau khi ca bệnh ngày 11/6 được ghi nhận, ngày 12/6 Bắc Kinh có thêm 6 ca nhiễm nữa, và trong cả tuần sau đó mỗi ngày đều có thêm hàng chục ca. Phó Thủ tướng Sun Chunlan lên tiếng cảnh báo dịch bệnh có thể lây lan rộng hơn nữa vì lần này dịch bùng lên từ khu chợ bán buôn có quá nhiều người lui tới.

Sau đó Bắc Kinh đã nhanh chóng đẩy mạnh xét nghiệm để phát hiện, điều trị và cách ly những người mắc bệnh, đồng thời truy tìm những người đã tiếp xúc để có thể dập dịch nhanh nhất có thể. Đến cuối tuần trước, CCDC đã thông báo kiểm soát được dịch bệnh ở Bắc Kinh. Tuy nhiên cơ quan này khẳng định "kiểm soát được dịch bệnh không có nghĩa là sẽ không xuất hiện ca nhiễm mới mà làn sóng lây nhiễm vẫn sẽ tiếp tục diễn ra nhưng là ngày càng ít ca hơn".

Trước tình hình mới, Bắc Kinh không áp dụng biện pháp phong tỏa toàn thành phố giống như Vũ Hán. Thay vào đó, chính quyền thành phố hạn chế người dân lui tới những điểm nóng đã được xác định. Cách tiếp cận này giúp giảm lây nhiễm trong khi vẫn đảm bảo giảm thiểu tối đa ảnh hưởng kinh tế.

Theo giáo sư Cowling của ĐH Hồng Kông, Trung Quốc rất quyết tâm theo đuổi mục tiêu giảm số ca nhiễm xuống 0 và giữ con số 0 trong thời gian dài nhất có thể. Tuy nhiên những biện pháp để giảm số ca nhiễm xuống 0 đôi khi quá mạnh tay và sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong dài hạn.

Trong khi đó thế giới vẫn đang quan sát liệu cách tiếp cận của Bắc Kinh có hiệu quả hay không.