Ở bộ môn thế mạnh, Esports Việt Nam "out trình" Đông Nam Á như thế nào?

Kenttt, Theo Thể thao & Văn hóa 15:00 11/05/2023

Đột Kích Việt Nam đã bảo vệ thành công tấm HCV tại SEA Games 32 và đây cũng là tấm HCV đầu tiên của Esports nước nhà ở kỳ Đại hội này.

SEA Games 32, Thể thao điện tử (Esports) tiếp tục trở thành nội dung thi đấu chính thức tính huy chương. Đây có thể xem là như một lời khẳng định cho sự phát triển của Thể thao điện tử của khu vực khi 3 kỳ Đại hội gần nhất nội dung này luôn có mặt.

Việt Nam là một trong những quốc gia có Esports phát triển của Đông Nam Á với nhiều nội dung thế mạnh. Tại SEA Games 31, Việt Nam đã mang về 4 tấm HCV và 3 tấm HCB, dẫn đầu toàn đoàn Thể thao điện tử. Đến với SEA Games 32 tại Campuchia, ở nội dung được cho là thế mạnh thì Việt Nam vẫn chứng tỏ được sự vượt trội so với phần còn lại của khu vực.

Ở bộ môn thế mạnh, Esports Việt Nam out trình Đông Nam Á như thế nào? - Ảnh 1.

Đội tuyển Đột Kích Việt Nam mang về tấm HCV thứ 2 liên tiếp cùng thành tích bất bại

Đột Kích mang về tấm HCV đầu tiên cho Esports tại SEA Games 32

Ngày 9/5, Đội tuyển Đột Kích (CrossFire) Việt Nam mang về tấm HCV đầu tiên cho Esports sau khi vượt qua Indonesia tại trận chung kết. Sự vượt trội được thể hiện rất rõ ràng khi Indonesia là đội đã từng thất bại trước Đột Kích Việt Nam từ sớm ở vòng bảng.

Trong kèo BO5 chung kết, các thành viên đội tuyển Đột Kích Việt Nam (nòng cốt là các thành viên của đội Celebe.2L) đã không quá khó khăn để áp đảo đối thủ với tỉ số 3-0. Qua đó, bảo vệ thành công tấm HCV ở nội dung này qua 2 kỳ SEA Games liên tiếp. Đội tuyển Đột Kích Indonesia chia tay SEA Games 32 với HCB và HCĐ thuộc về đội Philippines và Lào.

Ở bộ môn thế mạnh, Esports Việt Nam out trình Đông Nam Á như thế nào? - Ảnh 2.

Việt Nam thể hiện sự vượt trội hoàn toàn ở bộ môn Esports sở trường và mang về tấm HCV giá trị

Ở nội dung thế mạnh, Việt Nam "out trình" cả khu vực

Đột Kích được đánh giá là bộ môn thế mạnh của Việt Nam khi các tuyển thủ đều có kỹ năng nổi trội hơn đáng kể so với các đội tuyển còn lại. Bên cạnh đó, các thành viên như LUCAS (Lê Văn Sơn), RAMBO (Bùi Đình Văn) và SHADY (Mai Thanh Phong) đều là những tuyển thủ kỳ cựu của Đột Kích và dày dạn kinh nghiệm thi đấu ở các sân chơi quốc tế. Thành tích của đội Celebe.2L ở đấu trường thế giới cũng rất đáng nể khi đội tuyển này từng là Á Quân CFS Summer, Top 3 Chung kết thế giới Đột Kích.

Tình huống clutch 1 vs 3 của LUCAS cho thấy sự vượt trội về trình độ của ĐTQG Đột Kích Việt Nam

Đó chính là lý do Đột Kích Việt Nam đều bất bại suốt hành trình từ SEA Games 31 đến SEA Games 32 và mang về 2 tấm HCV danh giá. Vượt xa về trình độ nên các trận đấu của Đột Kích Việt Nam cũng cho thấy sự chênh lệch đáng kể.

Ở bộ môn thế mạnh, Esports Việt Nam out trình Đông Nam Á như thế nào? - Ảnh 4.

Đội trưởng Shady đã cùng đồng đội áp đảo phần còn lại của khu vực

Chờ đợi tấm HCV tiếp theo

SEA Games 32, Esports Việt Nam tham gia 5 bộ môn với 7 nội dung. Tuy nhiên kỳ Đại hội này không có nhiều môn thế mạnh của Việt Nam như Liên Quân Mobile, Liên Minh Huyền Thoại... vậy nên tấm HCV của Đột Kích là cực kỳ giá trị.

Ở bộ môn thế mạnh, Esports Việt Nam out trình Đông Nam Á như thế nào? - Ảnh 5.

LMHT: Tốc Chiến mang về HCB sau khi không thể đánh bại đội tuyển Philippines

Ở nội dung LMHT: Tốc Chiến (đồng đội nam), Việt Nam không thể bảo vệ thành công tấm HCV dù đã tiến vào trận Chung kết gặp Philippines. Một nội dung mới là VALORANT, Việt Nam cũng dừng bước trước trận chung kết tổng tại SEA Games 32 sau khi để thua trước đội tuyển Singapore với tỉ số 0-2.

Hai nội dung MOBA là Mobile Legends: Bang bang (đồng đội nam) và Mobile Legend: Bang bang (đồng đội nữ) được đánh giá không phải là nội dung thế mạnh của Việt Nam.

Riêng nội dung PUBG Mobile, dù các đối thủ là Thái Lan và Indonesia cũng rất mạnh và được đánh giá cao nhưng người hâm mộ vẫn có thể kỳ vọng vào một tấm HCV ở nội dung này.