Lần đầu tiên sau 1 thế kỷ (thực sự là vậy, vì lần gần nhất là vào năm 1919), nước Úc tiến hành đóng cửa toàn bộ biên giới Victoria - bang đông dân nhất đất nước để ngăn cản sự lây lan của làn sóng Covid-19 thứ 2. Kèm với đó là lệnh phong tỏa toàn thành phố Melbourne.
Đó là chuyện xảy ra từ 3 tuần trước. Kể từ thời điểm ấy, kỷ lục về số ca nhiễm mới liên tục được xác lập, đến mức các nhà chính trị còn phải cân nhắc kéo dài lệnh phong tỏa thêm một thời gian nữa. Tuy nhiên, dẫu cho cả đất nước đang lo lắng, nhiều chuyên gia y tế vẫn tỏ ra hết sức lạc quan. Trả lời phóng viên Conor Murray từ tạp chí Vox, họ cho rằng tình hình không đến mức kinh khủng như số liệu, và mọi thứ có thể đã tệ hơn nếu không có những nước đi đúng đắn của chính phủ.
Chẳng ai có thể phủ nhận, Úc đã rất thành công khi giải quyết được đợt dịch đầu tiên. Giai đoạn tháng 4 đến tháng 6, số ca nhiễm mới mỗi ngày hiếm khi vượt quá 20, giảm cực mạnh so với mức 300 - 400 ca hồi tháng 3. Nhưng trong tháng 7 vừa qua, số ca nhiễm lại gia tăng trở lại, với một làn sóng dịch bệnh còn kinh khủng hơn trước. =
Để kiểm soát lại dịch bệnh, chính phủ nhanh chóng quyết định đóng cửa biên giới với bang Victoria - khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất, và bang New South Wales (NSW) vào ngày 8/7, cùng lệnh phong tỏa 6 tuần với thành phố Melbourne. Nhưng ngày 30/7, sau khi đã qua được phân nửa chặng đường, bang Victoria vẫn ghi nhận kỷ lục 723 ca nhiễm cùng 13 trường hợp tử vong, dù trước đó 2 ngày đã có giảm nhẹ. Theo thống kê của BBC, số ca nhiễm lần này cao hơn 36% so với làn sóng đầu tiên.
Tuy nhiên, các nhà chức trách cho rằng tình hình đáng lẽ phải tệ hơn nữa, có nghĩa đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy số ca nhiễm không tăng lên quá nhiều. Hơn thế nữa nếu xét trên quy mô toàn cầu, làn sóng dịch bệnh ở Úc vẫn chưa là gì nếu so sánh với nhiều quốc gia khác - như Mỹ với hơn 4,4 triệu ca.
Dẫu vậy, việc có hàng trăm người nhiễm Covid-19 mỗi ngày vẫn đang là thực tế tại Úc. Làn sóng dịch thứ 2 mạnh hơn lần đầu, đó cũng là thực tế.
Trong lần đầu chống dịch, Úc đã cực kỳ thành công, và nó đến từ một vài nguyên nhân. Trong đó quan trọng nhất là việc chính phủ Úc đã thực sự coi trọng việc chống dịch ngay từ đầu, và lắng nghe lời khuyên của các chuyên gia y tế.
Động thái đầu tiên của người Úc là siết chặt di chuyển đối với du khách từ những nơi có rủi ro cao ngay trong tháng 2, sau khi chứng kiến các ca nhiễm trong nước chủ yếu là do người từ nước ngoài quay về. Cộng thêm việc có rất ít đường biên giới chung với các quốc gia khác, Úc có thể xác định và lần vết các ca nhiễm dễ dàng hơn.
Ngày 19/3, Úc đóng nhập cảnh với tất cả những ai không phải công dân. Cuối tháng 3, mọi địa điểm có khả năng tập trung đông người như rạp phim, quán bar và trường học đều đóng cửa, toàn dân thi hành cách ly xã hội.
Theo Adrian Esterman - giáo sư sinh học dữ liệu từ ĐH Nam Úc thì sai lầm lớn nhất trong đợt chống dịch đầu tiên của chính phủ là ổ dịch trên du thuyền Ruby Princess hồi tháng 3. Hành khách được rời đi mà không phải làm xét nghiệm, để rồi xuất hiện hàng trăm ca nhiễm khác có liên quan đến chiếc du thuyền này trên khắp đất nước.
Dẫu vậy, các chính sách chống dịch của Úc vẫn có hiệu quả. Họ tái mở cửa hồi tháng 5, với dự định từng bước mở cửa nền kinh tế một cách an toàn trong tháng 7.
Cho đến thời điểm hiện tại, Úc có 16.303 ca dương tính với virus corona, và 190 trường hợp tử vong.
Sự khác biệt lớn nhất là ở đợt dịch đầu tiên, các ca bệnh chủ yếu từ nước ngoài mang vào. Còn lần này, nó bùng lên ngay trong cộng đồng - theo Hassan Vally, giáo sư y tế công cộng từ ĐH La Trobe (Melbourne).
Lây nhiễm cộng đồng là khái niệm chỉ việc người bệnh không có lịch sử ra nước ngoài, cũng không tiếp xúc với ca dương tính được xác nhận nào. Nói cách khác, nguyên nhân lây bệnh là chưa rõ (không tìm ra F0).
Các chuyên gia cho biết, họ nghi ngờ rằng nguyên nhân của đợt dịch lần này đến từ khâu quản lý các khu cách ly trong khách sạn - nơi người nhập cảnh phải thực hiện cách ly bắt buộc trong 2 tuần. Báo cáo của BBC cho thấy, lực lượng an ninh tại đây đã làm không tốt, không được đào tạo bài bản, thực hiện nhiều hành vi phá luật - như hút chung thuốc, thậm chí là... quan hệ với người cách ly.
Từ những khách sạn này, virus lây lan trong cộng đồng thu nhập thấp với đông đảo người nhập cư tại Melbourne. Theo Esterman, chính phủ đã không dành đủ thời gian hay công sức để truyền đạt cho cộng đồng người nhập cư về sự quan trọng của khẩu trang, cũng như việc cách ly xã hội. Tất cả khiến họ gặp phải rủi ro cao.
Lây nhiễm cộng đồng cũng tấn công mạnh vào các nhà dưỡng lão. Theo ghi nhận của tờ The Guardian vào ngày 28/7, 80 trong số 400 nhà dưỡng lão tại Victoria đã xuất hiện ổ dịch, với tổng cộng 764 ca nhiễm.
"Làn sóng dịch thứ 2 là rất khác," - Vally nhận định. "Đây thực sự là lây nhiễm trong cộng đồng, và tình cảnh như vậy thì khó đối phó hơn rất nhiều. Sẽ cần phải tốn nhiều công sức hơn để giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát, và đó là lý do vì sao chúng ta phải tái phong tỏa."
Dù tình hình có vẻ đang tệ hơn trước, nhưng các chuyên gia tin rằng việc phong tỏa và cách ly diện rộng đang có hiệu quả trong việc giữ cho số ca nhiễm ở mức ổn định.
"Nếu quay trở lại thời điểm mới xuất hiện Covid-19, mọi thứ liên quan đến việc san phẳng đường cong đồ thị nhiễm bệnh. Và đó là những gì chúng ta đang thấy ở đây, chẳng phải đường cong đang phẳng hay sao?" - trích lời Gideon Meyerowitz-Katz, chuyên gia dịch tễ ĐH Wollongong.
"Chẳng tăng mà cũng không giảm. Vẫn là những con số đó mỗi ngày."
Meyerowitz-Katz cho biết, số ca nhiễm mới trong ngày là một số liệu dễ gây hiểu nhầm, do kết quả xét nghiệm cần thời gian, cũng như việc chọn những ai được làm xét nghiệm. Hay nói cách khác, dù quả thực nước Úc đang ghi nhận những kỷ lục, nó chưa cho thấy bức tranh chính xác về toàn cảnh dịch bệnh.
Trên thực tế, 2 ngày trước thời điểm số ca tăng đến kỷ lục hôm 6/7 đã có sự sụt giảm, với 295 ca vào ngày 5/7. Bởi vậy, Vally đang rất lạc quan rằng số ca nhiễm mới sẽ nhanh chóng giảm xuống trong vài ngày hoặc vài tuần tới, trong bối cảnh lệnh phong tỏa đang được thi hành, đeo khẩu trang trở thành yêu cầu bắt buộc.
Theo Esterman, nếu chính phủ muốn hạ số ca nhiễm tại bang Victoria xuống ngang với những nơi khác trong nước, các hạn chế với doanh nghiệp cần phải được thực thi.
"Tôi tin rằng tình hình tại Melbourne sẽ nhanh chóng sáng sủa hơn, nhưng khó mà được như các nơi khác, trừ phi áp dụng biện pháp 4 hạn chế như những gì New Zealand đã thực hiện. Nó bao gồm việc đóng cửa toàn bộ các cơ sở kinh doanh - trừ ngành thiết yếu và y tế..."
4 hạn chế của biện pháp này dĩ nhiên sẽ bao gồm cả việc bắt buộc đeo khẩu trang, cũng như kiểm soát chặt chẽ hơn những cơ sở kinh doanh nào được phép hoạt động. "Nếu làm được như vậy trong vài tuần, mọi thứ sẽ thực sự được kiểm soát."