Nước Mỹ cần hành động “gấp” vì người gốc Á

Anh Quang, Theo VTV 21:25 31/03/2021

Virus mang tên “kỳ thị” hay “thù ghét” người gốc Á đang lan nhanh và có thể khiến nước Mỹ phải trả giá.

Sự thù ghét đã lên mức đáng báo động

Mấy ngày hôm nay, truyền thông Mỹ và thế giới lại phải quay lại câu chuyện đáng buồn về sự kì thị người gốc Á khi có thêm một vụ việc bạo lực gây chấn động. Mới đây nhất, ngày 29/3, Sở cảnh sát New York đã công bố đoạn video rùng mình cho thấy, một đối tượng nam giới cao lớn bất ngờ hành hung một phụ nữ gốc Á 65 tuổi trên vỉa hè ngay trung tâm quận Manhattan.

Nước Mỹ cần hành động “gấp” vì người gốc Á - Ảnh 1.

Ảnh chụp nghi phạm từ video do camera ghi lại trong vụ tấn công ngày 29/3 (Nguồn: AFP)

Đối tượng nam đã đạp nhiều lần vào đầu và bụng người phụ nữ, khiến nạn nhân bị gãy xương và đau đớn ngã ra đường. Đoạn video cho thấy, những nhân chứng ở hiện trường đã không làm gì để giúp đỡ nạn nhân. Theo cảnh sát, trong lúc hành hung, nghi phạm đã có những lời nói xúc phạm người châu Á như "Bà không thuộc về nơi này".

Sức chịu đựng của cộng đồng người gốc Á đang liên tục bị thách thức, nhất là kể từ sau vụ xả súng đẫm máu tại thành phố Atlanta, bang Georgia khiến 6 phụ nữ gốc Á thiệt mạng hôm 19/3.

"Cho dù lý do là gì đi nữa, sự thật là phụ nữ gốc Á đã bị giết hại", ông Alex Wan, 53 tuổi, người gốc Á đầu tiên được bầu vào Hội đồng thành phố Atlanta nói với New York Times.

"Sự thù ghét người gốc Á đã lên đến đỉnh điểm với thứ tồi tệ nhất - các vụ giết người", ông Wan nói. "Cộng đồng gốc Á đã trở thành mục tiêu dễ dàng và rõ ràng".

Những con số giật mình

Số liệu giật mình được Stop Asian American Pacific Islander (AAPI), một tổ chức chuyên theo dõi các vụ chống lại người Mỹ gốc Á đưa ra mới đây cho thấy, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đã ghi nhận 3.795 vụ kỳ thị đối với người châu Á trên toàn nước Mỹ. Lăng nhục, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến tới các vi phạm quyền công dân… là những hình thức chính.

Trong đó, hơn 40% nạn nhân là người gốc Hoa, 15% là người gốc Hàn, 8,5% là người gốc Việt và 8% là người gốc Philippines. Đa số nạn nhân là phụ nữ và con số thực tế có thể cao hơn vì nhiều người gốc Á không lên tiếng tố cáo.

Nước Mỹ cần hành động “gấp” vì người gốc Á - Ảnh 2.

Thậm chí, trang mạng có tên Ngày hành động người Mỹ gốc Á (asianamericandayofaction.com/ ) thống kê đã có khoảng 500 vụ việc mang tính chất thù hận nhằm vào người châu Á kể từ đầu năm 2021 tới nay

Nước Mỹ cần hành động “gấp” vì người gốc Á - Ảnh 3.

Người dân lên án những vụ tấn công người gốc Á trước tiệm Youngs Asian Massage ở Atlanta sau vụ xả súng (Nguồn: Reuters)

Elizabeth OuYang, giáo sư luật tại Đại học New York nhận thấy những điểm tương đồng giữa tình cảnh của người gốc Á hiện tại với sự kỳ thị người Hồi giáo ở Mỹ sau vụ khủng bố ngày 11/9. Bà lập luận rằng mọi chuyện sẽ còn tồi tệ hơn nếu nhiều trường học ở Mỹ mở cửa trong năm nay.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas từng phát biểu trước các nhà lập pháp rằng, chủ nghĩa cực đoan là mối đe dọa lớn nhất trong nước. Còn Vivien Tsou, Giám đốc Diễn đàn Phụ nữ Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương lập luận rằng, người Mỹ gốc Á là mục tiêu của cùng một lực lượng thù hận mà người Mỹ da màu phải hứng chịu.

"Mặc dù trọng tâm là sự thù ghét người gốc Á, tất cả đều bắt nguồn từ quan điểm da trắng thượng đẳng và bất cứ ai cũng có thể trở thành 'con dê tế thần' bất cứ lúc nào", Tsou nói.

Tiếng nói không yếu ớt

Người gốc Á hiện chiếm 6% dân số Mỹ, gấp 3 lần so với năm 1980, theo Viện Brookings. Trong đó cộng đồng lớn nhất là người gốc Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nhìn chung, người nhập cư gốc Á có trình độ văn hóa cao hơn người Mỹ gốc bản xứ và ngày càng tham gia sâu vào nền chính trị Mỹ. Viện Brookings cho biết, 45% người nhập cư độ tuổi từ 25 trở lên đến Mỹ vào giai đoạn 2010-2019 có trình độ cao đẳng. Trong khi đó, chỉ 1/3 người Mỹ gốc bản xứ đạt đến trình độ này.

Những người Mỹ gốc Á đang làm việc ở các vị trí cấp cao như bà Katherine Tai là Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), bà Julie Su là Thứ trưởng Lao động và bà Kiran Ahuja được Tổng thống Biden lựa chọn vào vị trí điều hành Văn phòng Quản lý nhân sự.

Các nghị sĩ Mỹ gốc Á cũng liên tục bày tỏ quan ngại trong các phiên điều trần quốc hội về việc người gốc Á tại đây liên tiếp bị tấn công vô cớ.

Nước Mỹ cần hành động “gấp” vì người gốc Á - Ảnh 4.

Hạ nghị sĩ Dân chủ Grace Meng phát biểu tại 1 sự kiện ở Philadelphia, Pennsylvania (Nguồn: Reuters)

"Cộng đồng của chúng tôi đang rỉ máu, chúng tôi rất đau đớn. Trong suốt năm qua, chúng tôi đã liên tục kêu cứu", Hạ nghị sĩ Dân chủ gốc Hoa Grace Meng nói trong phiên điều trần hôm 18/3 của Tiểu ban Hiến pháp, Dân quyền và Tự do dân sự thuộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ. Lần đầu tiên trong vòng vài thập niên, Hạ viện Mỹ mới tổ chức một cuộc điều trần về tình trạng bạo lực và phân biệt đối xử chống người Mỹ gốc Á.

Phát biểu trước cộng đồng người gốc Á trong chuyến thăm thành phố Atlanta hôm 20/3, Phó Tổng thống Kamala Harris - nữ Phó Tổng thống người gốc Á đầu tiên trong lịch sử Mỹ phát biểu: "Phân biệt chủng tộc là có thật ở Mỹ và nó đã luôn xảy ra. Tư tưởng bài ngoại hiện hữu tại Mỹ và nó cũng đã luôn xảy ra. Sự kỳ thị giới tính cũng vậy. Tổng thống và tôi sẽ không im lặng. Chúng tôi sẽ không khoanh tay đứng nhìn".

Nước Mỹ cần hành động “gấp” vì người gốc Á - Ảnh 5.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại sự kiện ở Atlanta ngày 20/3 (Nguồn: AFP)

Sáng kiến mới để chống bạo lực với người Mỹ gốc Á

Đúng là chính quyền Biden-Harris đã không đứng nhìn. Trong thông báo mới nhất được Tổng thống Joe Biden đăng tải trên trang Twitter cá nhân, chính quyền Mỹ cho biết sẽ triển khai một loạt các biện pháp nhằm đối phó với tình trạng bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á.

Các biện pháp này bao gồm thành lập một ủy ban đặc nhiệm về công lý giải quyết và chấm dứt nạn bài ngoại nhằm vào người Mỹ gốc Á liên quan tới COVID-19, kêu gọi chính quyền các địa phương chú tâm hơn đến tình trạng thù ghét người châu Á và tăng khả năng tiếp cận những dữ liệu về vấn đề này.

Ngoài ra, Mỹ sẽ chi gần 50 triệu USD nhằm hỗ trợ cho những người gốc Á là nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình và tấn công tình dục tại Mỹ nhưng phải đối mặt rào cản ngôn ngữ nên không thể khai báo. Một thư viện ảo gồm các dự án giúp tìm hiểu và tôn vinh những đóng góp của người gốc Á cho nước Mỹ cũng sẽ được ra mắt trong thời gian tới.

Trước đó, từ ngày 27/3, các cuộc tuần hành phản đối tình trạng kỳ thị người gốc Á đã diễn ra ở khoảng 60 thành phố trên khắp nước Mỹ, bao gồm: San Francisco, Los Angeles, Chicago, Detroit và Portland. Đây là một phần trong sáng kiến "Ngày hàn gắn và hành động quốc gia".

Nước Mỹ cần hành động “gấp” vì người gốc Á - Ảnh 6.

Người biểu tình tại Los Angeles giơ biểu ngữ "Hãy dừng bạo lực" ngày 27/3 (Ảnh: AFP)

Sáng kiến khuyến khích những người tham gia sử dụng hashtag "StopAsianHate" (Chấm dứt thù hận đối với người châu Á) trên các phương tiện truyền thông xã hội nhằm nâng cao tinh thần và nhận thức của những người dùng trên các trang mạng xã hội về chủ nghĩa chống phân biệt chủng tộc đối với người châu Á.