Có lẽ chúng ta vẫn chưa thể quên được scandal đỉnh điểm của Facebook khi để cho dữ liệu của hơn 50 triệu người dùng bị rò rỉ đến tay Cambridge Analytica. Cho đến nay, con số chính xác đã được thông báo lên đến 87 triệu tài khoản, và dư âm của nó vẫn đang khiến Mark Zuckerberg cùng công ty của mình phải khốn khổ giải quyết.
Theo thông tin mới nhất, Việt Nam cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác cũng không phải là ngoại lệ, cùng nằm trong danh sách bị ảnh hưởng và thu thập dữ liệu. Tổng cộng có khoảng 3,6 triệu người dùng châu Á bị liên lụy lần này. Trong đó, Việt Nam và một số nước châu Á khác đã có số lượng người dùng bị xâm nhập nhiều đến tận top 10 thế giới.
Thông tin chính thức về thống kê người dùng bị liên lụy.
Mỹ tất nhiên là quốc gia đứng đầu trong bảng thống kê chính thức mới được đưa ra này với hơn 70 triệu người dùng bị "dính". Ngay sau đó là 2 quốc gia châu Á - Philippines và Indonesia, dù con số đã giảm đi rất nhiều, chỉ còn trên 1 triệu người nhưng vẫn là một vấn đề khá nóng và không vẻ vang gì cả.
Đáng chú ý là Việt Nam cũng có mặt ở vị trí thứ 9 trong danh sách top 10 này, với thống kê 427.446 người dùng bị liên quan. Như vậy là mức độ bị xâm nhập thông tin cá nhân ở Việt Nam là rất lớn so với trên toàn thế giới.
Mark Zuckerberg sau khi đứng giữa tâm bão cuồng nộ của người dùng cũng như các cấp chính quyền đã nhanh chóng lên tiếng và hứa hẹn về những giải pháp triệt để sắp tới. Tính đến nay, đã dần có khá khá những thay đổi về mặt giao diện cài đặt, hệ thống và các tính năng ngầm để tăng cường bảo mật Facebook. anh còn phát biểu nghiêm túc: "Nếu không thể làm tròn trách nhiệm bảo vệ thông tin người dùng, Facebook không xứng đáng được phục vụ các bạn nữa."
Một trong những thay đổi khá quan trọng của Facebook chính là việc giới hạn quyền hạn của các lập trình viên và nhà phát triển ứng dụng bên ngoài, không cho phép can thiệp sâu vào thông tin người dùng như trước. Ngoài ra, Facebook còn tích cực tự thông báo cho người dùng thấy những thành phần sử dụng dữ liệu cá nhân.