Dữ liệu từ Cục Du lịch Quốc gia và Tổng cục Thống kê cho thấy, sau một giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, du lịch Việt Nam đang vươn lên trở thành điểm sáng của khu vực, giữ vững đà tăng trưởng khách quốc tế, nội địa và doanh thu ấn tượng, tạo nền tảng vững chắc để cán đích mục tiêu cả năm.
Khách quốc tế vượt thời kỳ dịch 2019
Trong nửa đầu năm 2025, Việt Nam đã đón tổng cộng gần 11 triệu lượt khách quốc tế. Con số này tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024 và vượt gần 26% % so với cùng kỳ 2019 – thời kỳ đỉnh cao của du lịch Việt trước khi đại dịch bùng phát.
Riêng tháng 6/2025, Việt Nam đón 1,46 triệu lượt khách quốc tế. Mặc dù giảm nhẹ 4,3% so với tháng 5 – thời điểm cao điểm mùa du lịch hè – nhưng lượng khách tháng này vẫn tăng 17% so với cùng kỳ 2024. Điều này cho thấy sức hút ổn định của điểm đến Việt Nam dù đối mặt với những biến động toàn cầu.
Với con số gần 11 triệu lượt khách, ngành du lịch đã đạt được gần 50% mục tiêu đón 22–23 triệu lượt khách quốc tế của cả năm. Đây là con số cho thấy dư địa tăng trưởng lớn khi mùa cao điểm khách quốc tế còn quay lại vào các tháng cuối năm.
Là một trong những doanh nghiệp ghi nhận lượng khách quốc tế tăng khoảng 10% trong 5 tháng đầu năm, ông Nguyễn Ngọc Toản, CEO Image Travel cho rằng sức hút của điểm đến Việt Nam trong những năm qua không ngừng tăng, đặc biệt trên các kênh truyền thông mạng xã hội các nước châu Âu và Đông Bắc Á. Điều này giúp quốc gia thu hút một lượng lớn du khách trẻ có xu hướng du lịch theo trend, bên cạnh các tệp khách truyền thống.
Đại diện một công ty inbound chuyên cung cấp các tour nội đô tại TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng nỗ lực nới chính sách visa của chính phủ và sự đa dạng hóa sản phẩm, trải nghiệm đến từng nhóm khách nhỏ của các đơn vị lữ hành cũng là điểm sáng góp phần thu hút khách quốc tế.
Trong cơ cấu phương tiện, hàng không vẫn là lĩnh vực trực tiếp phục vụ nhiều lượt khách quốc tế nhất, phản ánh vai trò then chốt. Trong 6 tháng, khách quốc tế đến bằng đường hàng không chiếm hơn 85% – tương đương khoảng 9,1 triệu lượt – tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Các đường bay quốc tế được mở rộng, tần suất tăng mạnh góp phần duy trì dòng khách đều đặn.
Đường bộ ghi nhận khoảng 1,4 triệu lượt khách, chiếm 13% tổng lượng khách, tăng 11%. Trong khi đó, khách quốc tế đến bằng đường biển đạt khoảng 181.400 lượt, chiếm 1,7% – con số này tăng khoảng 10% so với cùng kỳ 2024, cho thấy các tour du lịch tàu biển đã bắt đầu sôi động trở lại.
Về thị trường nguồn, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là hai thị trường chủ lực của du lịch Việt Nam. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, khách Trung Quốc đạt khoảng 2,7 triệu lượt, chiếm 25,6% tổng lượng khách quốc tế; Hàn Quốc đạt 2,2 triệu lượt, chiếm 20,7%. Hai thị trường lớn đã đóng góp 46% tổng lượng khách quốc tế, cho thấy sự gắn bó tương đối lớn vào dòng khách từ Đông Bắc Á.
Một số thị trường khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng: Na Uy tăng tới 180%, Mỹ tăng 42%, Thụy Điển, Singapore… đều có tín hiệu tích cực. Ngược lại, khách từ các thị trường như Cộng hòa Séc, Pháp, Canada có xu hướng giảm, đặt ra yêu cầu đa dạng hóa thị trường để tránh rủi ro lệ thuộc.
Tín hiệu tăng trưởng khách đến ngay từ các tháng đầu năm khi quý I, Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc UN Tourism xếp Việt Nam vào nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á – châu Á Thái Bình Dương về tốc độ tăng trưởng khách quốc tế, với mức tăng 30% so với cùng kỳ 2024. Trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam xếp thứ 2 về tốc độ phục hồi lượng khách quốc tế - tăng 34% so với năm 2019 và thứ 4 về tăng trưởng doanh thu du lịch - tăng 29% so với năm 2024.
Khách nội địa ổn định, doanh thu du lịch tăng
Dữ liệu của Cục Du lịch quốc gia cũng cho thấy 6 tháng đầu năm 2025, khách nội địa duy trì ổn định với 77,5 triệu lượt, trong đó riêng tháng 6 ước đạt khoảng 16 triệu lượt – 10,7 triệu lượt trong số này lưu trú qua đêm.
So với cùng kỳ 2024, khách nội địa duy trì mức tăng trưởng ổn định, góp phần bù đắp những giai đoạn khách quốc tế chưa phục hồi toàn diện. Các chiến dịch kích cầu mùa thấp điểm, quảng bá điểm đến đa dạng, liên kết vùng và sự đầu tư của doanh nghiệp – địa phương đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
Khách quốc tế tại TP Hồ Chí Minh hồi tháng 6.
Tổng doanh thu từ du lịch 6 tháng đầu năm 2025 đạt khoảng 518.000 tỷ đồng, tương đương 22,3 tỷ USD, theo số liệu của Cục Du lịch quốc gia. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ cả về lượng khách lẫn chi tiêu.
Nhiều địa phương ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu cao so với cùng kỳ như: Đà Nẵng tăng 18,5%, TP Hồ Chí Minh tăng gần 17%, Hà Nội tăng 13%, Hải Phòng tăng 12,5%. Các điểm đến truyền thống đã tận dụng tốt các sự kiện, lễ hội và cơ sở hạ tầng mới để giữ chân khách, tăng chi tiêu tại chỗ. Nhờ các sự kiện nổi bật dịp lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước hồi tháng 4 và mùa du lịch hè, TP Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về lượt khách và doanh thu du lịch. 6 tháng qua, thành phố đón 22 triệu lượt khách trong nước và quốc tế, thu về khoảng 118.000 tỷ đồng.
Hà Nội xếp thứ hai với 15,55 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 62.300 tỷ đồng. Thanh Hóa cũng là điểm sáng khi đón 10,48 triệu lượt khách, doanh thu 26.300 tỷ đồng. Ninh Bình đạt 7,2 triệu lượt, thu về 7.700 tỷ đồng.
Riêng Đà Nẵng – điểm sáng du lịch miền Trung – đã đón gần 4 triệu lượt khách, trong đó riêng thời gian diễn ra Lễ hội pháo hoa quốc tế đã thu hút hơn 1,17 triệu lượt, mang về tổng doanh thu khoảng 18.200 tỷ đồng.
Các chuyên gia và doanh nghiệp lữ hành cho rằng có nhiều yếu tố cộng hưởng giúp du lịch Việt Nam tăng tốc mạnh mẽ. Trong đó, chính sách visa linh hoạt là một trong những "cú hích" quan trọng: Chính phủ đã mở rộng diện miễn thị thực, cấp e-visa nhanh, đơn giản hóa quy trình nhập cảnh. Đây là lợi thế so với nhiều nước trong khu vực.
Hạ tầng hàng không liên tục được mở rộng, tăng tần suất các chuyến bay quốc tế. Bên cạnh đó, các hãng bay nội địa và quốc tế đẩy mạnh mở đường bay thẳng tới các thành phố lớn, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, thu hút thêm dòng khách từ các thị trường xa.
Với kết quả đã đạt được, nửa năm 2025 có thể xem là "nửa năm vàng" của du lịch Việt Nam. Sự tăng trưởng vượt kỳ vọng về lượng khách quốc tế, nội địa, cùng doanh thu tăng mạnh, tạo nền tảng quan trọng để hoàn thành mục tiêu đón 22–23 triệu lượt khách quốc tế cả năm.
Những tháng cao điểm từ 10-12 sẽ là cơ hội để ngành du lịch Việt Nam duy trì đà phục hồi và bứt phá. Ngành cần tiếp tục duy trì chính sách visa thuận lợi, mở thêm đường bay mới đến các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông. Với các doanh nghiệp, "sự quan tâm đến Việt Nam đang mở rộng ở nhiều tệp khách hàng khác nhau nên việc đa dạng hóa sản phẩm trở nên cấp thiết để đáp ứng nhu cầu rất khác biệt giữa từng nhóm khách", ông Toản nhận định.