Nhắc đến một người học giỏi, trong đầu chúng ta bao giờ cũng nghĩ ngay đến hình ảnh những kẻ mọt sách với cặp kính cận dày, trong đầu ngoài học ra chẳng có thú vui nào khác. Nhưng khi tiếp xúc với một trong 5 học sinh trong đội tuyển Olympic Vật lý quốc tế của đoàn Việt Nam vừa xuất sắc giành được 3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, tôi nhận ra rằng những người "con nhà người ta" họ không chỉ biết học, mà còn rất biết tận hưởng niềm vui ngoài giờ học. Người mà tôi nhắc đến ở đây đó chính là cô bạn Nguyễn Khánh Linh, thí sinh nữ duy nhất của đoàn.
Thành tích học tập của Khánh Linh ngay từ hồi đi học khiến không ít người phải trầm trồ. Thành tích đúng chuẩn "con nhà người ta" khi hầu như năm nào, Linh cũng giành được giải thưởng gì đó. Ngay từ lớp 5, Linh đạt 7 giải học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh ở 3 môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh trong đó có Huy chương Vàng môn Tiếng Anh.
Năm lớp 7, Linh giành HCB trong chương trình Chinh phục (gameshow về kiến thức chung). Nữ sinh trở thành thủ khoa đầu vào lớp chuyên Vật lý của trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa). Lớp 11, đạt giải Nhì Quốc gia môn Vật lý và được chọn vào đội tuyển dự Quốc tế. Lớp 12, đạt giải Nhất quốc gia môn Vật lý và Huy chương Đồng tại kỳ thi Olympic Vật lý châu Á.
Bên cạnh đó, Linh còn học đều tất cả các môn và giành điểm SAT siêu khủng 1540/1600.
Đoàn thí sinh Việt Nam tham dự kì thi Olympic Vật lý Quốc tế tổ chức tại Tel Aviv (Israel). Ảnh: Nguyễn Thị Hiền.
Nguyễn Khánh Linh đích thị là con nhà người ta trong truyền thuyết. (Ảnh do NVCC)
Ngay từ nhỏ, Linh ít khi đi học thêm nhiều mà thường tự học, tự tìm tòi nghiên cứu ở nhà. Nữ sinh chia sẻ mình không có phương pháp học nào đặc biệt, khi hứng thú với vấn đề nào đó Linh có thể ngồi cả ngày để tìm hiểu hay giải trí bằng cách đọc truyện hay xem phim lấy lại tinh thần.
Về môn học thế mạnh của mình là Vật lý, Khánh Linh chia sẻ bí quyết học chính là luôn giữ cho mình niềm đam mê và ước mơ lớn: "Em bắt đầu quyết định theo Lý từ năm lớp 9 vì nghĩ đây là môn học có cơ sở phát triển tốt sau này. Càng học em càng đam mê, em luôn thích cách mà môn Lý giải thích những hiện tượng tự nhiên bằng phương trình toán học thuần túy. Để tiến xa môn Vật lý hay bất cứ môn học nào khác, điều đầu tiên là phải thực sự thích điều đó, có ước mơ lớn. Đó sẽ là điều thúc đẩy mình vượt qua khó khăn và không nản khi học. Đặc biệt, học Lý cần tính toán rất nhiều, nên khi học vào sâu sẽ thấy các môn khoa học có sự liên quan chặt chẽ với nhau".
Ghi nhớ các công thức tính toán trong Lý luôn là bài toán khó với các bạn học sinh vì độ dài dòng và phức tạp. Khác với những học sinh khác, Khánh Linh không bao giờ học thuộc các kiểu truyền miệng bằng thơ cách nhớ công thức của cộng đồng mạng. Nữ sinh chia sẻ: "Việc nhớ công thức máy móc là vô nghĩa vì quan trọng là cần hiểu kỹ bản chất. Khi hiểu kỹ vấn đề, việc nhớ công thức sẽ trở nên đơn giản và dễ dàng hơn nhiều".
Ngay từ nhỏ, Khánh Linh ít đi học thêm mà chủ yếu tự học ở nhà, tự tìm đọc thêm nhiều sách và tài liệu. (Ảnh do NVCC)
Linh luôn lập kế hoạch học tập rõ ràng và cố gắng học đều các môn. Đặc biệt, nữ sinh cũng học Tiếng Anh rất giỏi nhờ khả năng học từ nhỏ và sở thích đọc thêm sách và tài liệu bằng Tiếng Anh. Để chuẩn bị cho kỳ thi Học sinh giỏi, Linh không bỏ bê môn này mà vẫn dành nhiều thời gian tìm thêm tài liệu bằng Tiếng Anh để vẫn học tốt được cả hai môn.
Nữ sinh cũng quan niệm, không nhất thiết cứ phải cầm sách rồi làm bài tập mới là học. Những lúc rảnh, Linh vẫn tham gia các hoạt động ngoại khóa khác như thể thao, văn hóa văn nghệ… Đặc biệt, đọc sách chính là cách giúp nữ sinh học đều tất cả các môn: "Khi nào chán thì em đọc truyện kinh điển bằng Tiếng Anh (vừa học Anh, Văn, Sử). Ngoài ra em còn thích đọc non-fiction như bộ sách Yuval Noah Harari (học được kiến thức Lịch sử, Địa lý, Sinh học). Không nhất thiết cứ phải cầm sách rồi làm bài tập mới là học. Chính giải trí cũng là việc học".
Sắp tới, Khánh Linh mong muốn sau khi trở về nước, sẽ quay trở lại trường để truyền cảm hứng cho các bạn học sinh khóa sau đang trong đội tuyển Vật lý về kinh nghiệm, phương pháp học và cách giữ nhiệt đam mê với môn Lý. Dự định của Khánh Linh là làm hồ sơ xin học bổng đi du học về ngành Kỹ thuật liên quan đến Vật lý.
“Không nhất thiết cứ phải cầm sách rồi làm bài tập mới là học, giải trí cũng là một cách học” là quan niệm về việc học của nữ thí sinh duy nhất giành HCV của đoàn Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thị Hiền.