Nữ sinh năm cuối khoe BST cơm nhà, ai thấy cũng phải "thả tim": Con gái đã xinh còn đảm, mê!

Thiên An, Theo Phụ nữ số 18:45 01/03/2024

Thùy thích cảm giác mọi người ngồi xuống và cùng nhau ăn một bữa cơm, đó là lý do dù ở phòng trọ chật chội, nữ sinh vẫn kiên trì nấu ăn hàng ngày.

Dù phải đối mặt với những rắc rối như thời gian chuẩn bị, việc tìm kiếm nguyên liệu và không gian bếp chật hẹp tại phòng trọ/ký túc xá, nhiều sinh viên ngày nay vẫn quyết định tự tay vào bếp. Thay vì lựa chọn sự nhanh chóng, tiện lợi của đồ ăn nhanh hay những bữa cơm bình dân bên lề đường, họ chọn cách tự nấu để kiểm soát chất lượng bữa ăn, tiết kiệm chi phí và tìm thấy niềm vui, sự độc lập trong từng món ăn do chính mình chế biến.

Quách Mai Thùy (quê Hòa Bình) - cô sinh viên năm cuối của một trường cao đẳng y tại Hà Nội cũng có sự lựa chọn tương tự. Một trong những lí do chính khiến Thùy dù ở trọ vẫn sẵn sàng nấu cơm lích kích là bởi nữ sinh rất thích không khí gia đình và yêu cơm nhà.

Nữ sinh năm cuối khoe BST cơm nhà, ai thấy cũng phải thả tim: Con gái đã xinh còn đảm, mê! - Ảnh 1.

Mai Thùy hiện đang là sinh viên năm cuối

"Mình thích cảm giác nấu một mâm cơm rồi mọi người cùng nhau ăn, cùng nhau hàn huyên chia sẻ về ngày hôm nay của nhau thế nào. Điều thực sự gắn kết mình và các bạn cùng phòng lại rất nhiều. Hơn nữa là vì mình đi học xa, ở trọ nhiều hơn ở nhà nên cũng coi đó đã là ngôi nhà thứ 2, mà ngôi nhà thứ 2 này có khu vực bếp chung rất rộng và tiện nghi nên mình luôn có động lực vào bếp.

Đối với mọi người thì ăn ngoài là nhanh, tiện nhưng đối với mình được tự đi chợ chọn nguyên liệu tươi ngon đúng ý mình, tự tay mình chế biến sạch sẽ, hợp khẩu vị, ngon miệng, ngon mắt vẫn là tiêu chí hàng đầu, hơn hết là sẽ tiết kiệm được 1 khoản nhỏ", Thùy nói.

Loạt mâm cơm toàn món đơn giản nhưng ngon mắt và đảm bảo bổ dưỡng của Thùy khiến nhiều người phải "thả tim"

Việc tự nấu ăn không làm khó nữ sinh trường y này bởi trên thực tế, Thùy đã biết nấu ăn từ khi bắt đầu lên cấp 2. Do công việc bận bịu, bố mẹ đã rèn cho Thùy tự lập từ bé, trong đó có cả các kỹ năng nấu nướng.

"Sư phụ dạy mình nấu ăn là 'Mẹ' và mẹ cũng là người thầy đầu tiên của cuộc đời mình", Thùy tự hào khoe.

Trong không gian bếp không quá lớn của phòng trọ, hàng ngày, Thùy vẫn cho ra đời những mâm cơm nhìn thôi đã thấy thèm nhưng tùy thời điểm mà thực đơn sẽ thay đổi theo. Do buổi trưa chỉ có khoảng 1 tiếng rưỡi nghỉ ngơi nên Thùy thường chọn các món đơn giản, thời gian chế biến dao động trong khoảng 30-35 phút. Tối đến, khi có nhiều thời gian hơn, cô sinh viên mới bắt tay vào "chinh phục" những món cầu kỳ hơn, lúc này, Thùy có thể mất từ 1 tiếng đến hơn 1 tiếng. Đặc biệt, vì là "cháu gái lớn" trong gia đình, phải nấu cỗ nhiều, quen tay quen việc nên Thùy chẳng thấy công đoạn nấu nướng nào là khó nhằn.

Về vấn đề chi phí, Thùy cho hay số tiền bỏ ra để nấu ăn của cô và các bạn là không đáng kể vì phần lớn nguyên liệu đều mang từ quê lên. Nếu có đi chợ thì chia ra trung bình vào tầm 50-60k/người/ngày – một con số quá ư là "hạt dẻ".

Tự nấu ăn giúp Thùy và các bạn cùng phòng tiết kiệm được phần nào chi phí sinh hoạt

Mạng xã hội là nơi Thùy chọn để chia sẻ những tác phẩm ẩm thực của mình, nữ sinh nhận về nhiều lời khen ngợi nhưng cũng không ít bình luận có phần soi mói.

"Ai cũng khen ngợi mâm cơm mình làm, dù thỉnh thoảng vẫn có người nói đùa là 'sinh viên con nhà giàu', 'sinh viên RMIT'. Mình chỉ cười và đón nhận thoải mái. Quan trọng là mình biết mình làm gì và vì sao mình làm. Mình cùng các bạn hướng tới các mâm cơm đạt đủ yêu cầu về dinh dưỡng và đảm bảo sức khoẻ, vệ sinh, làm được điều đó là đủ rồi. Với lại, các bình luận cũng chỉ là đùa vui, không quá đáng nên không sao cả", Thùy chia sẻ với thái độ tích cực.